1. Nghĩa vụ giao vật đúng chủng loại

Giao vật không đúng chủng loại là việc bên bán giao không đúng tính chất, đặc điểm và các điều kiện khác về tài sản như đã thỏa thuận. Nếu bên bán không giao vật đúng chủng loại thì sẽ phải chịu những hậu quả phát lý bất lợi.

Theo nguyên tắc thì bên bán phải giao đúng chủng loại của tài sản, nếu vi phạm thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

- Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận. Đây là trường hợp bên mua chấp nhận mua tài sản mà bên bán đã giao, tuy nhiên do tài sản mua bán này không phải là tài sản ban đầu mà các bên thỏa thuận, vì vậy các bên phải thanh toán giá tài sản mua bán cho phù hợp với lợi ích của các bên, trong trường hợp này giá do các bên thỏa thuận.

- Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại. Khi bên bán giao tài sản không đúng chủng loại được coi là sự vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của bên bán, vì vậy bên mua có quyền yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại như trong hợp đồng đã quy định, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc giao tài sản không đúng chủng loại gây ra.

- Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng. Đối với trường hợp nghiêm trọng, việc giao tài sản không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại. Như vậy chỉ trong trường hợp bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng do giao tài sản không đúng chủng loại thì bên mua mới có quyền hủy bỏ hợp đồng.

2. Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng

Theo Điều 443 Bộ luật dân sự 2015:

Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý; nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Để bên mua tài sản khai thác tài sản theo đúng cách thức nhằm đạt hiệu quả cao nhất cũng như đảm bảo độ bền cho tài sản thì bên bán tài sản phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tài sản và hướng dẫn cách sử dụng tài sản cho bên mua. Bên bán phải cung cấp cho bên mua các thông tin về tài sản như: thông số kỹ thuật, kích thước, trọng lượng về tài sản... Thông thường, thông tin về sản phẩm và cách sử dụng đã được nhà sản xuất in trên giấy gắn trên sản phẩm hoặc với những sản phẩm mà có nhiều thông tin và cách sử dụng phức tạp thì được in thành cẩm nang hướng dẫn cụ thể. Đây là quy định thể hiện rõ nguyên tắc thiện chí và trung thực trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng.

Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng của bên bán đối với bên mua được ghi nhận như sau:

+ Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó;

+ Nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý;

+ Nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Không phải mọi trường hợp bên bán không cung cấp thông tin và cách sử dụng tài sản đều dẫn đến quyền của bên mua là được hủy bỏ tài sản mua bán. Bên mua chỉ được hủy bỏ hợp đồng nếu việc không cung cấp thông tin và cách sử dụng tài sản của bên bán dẫn đến hệ quả làm cho bên mua không đạt được mục đích. Thường rơi vào trường hợp này là những tài sản mà với hiểu biết thông thường người mua không thể biết được cách thức sử dụng. Đây không phải là những tài sản phổ biến trên thực tế mà người mua biết được cách sử dụng ngay cả khi không có hướng dẫn của bên bán.

3. Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu của bên mua

Hợp đồng mua bán là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản nên điều kiện đặt ra đối với tài sản mua bán là đang không bị tranh chấp về quyền sở hữu. Nghĩa vụ đảm bảo tài sản mua bán thuộc sở hữu của bên mua cũng là một trong các nghĩa vụ quan trọng của bên bán tài sản. Theo quy định tại Điều 444 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 444. Bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán

1. Bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đã bán cho bên mua không bị người thứ ba tranh chấp.

2. Trường hợp tài sản bị người thứ ba tranh chấp thì bên bán phải đứng về phía bên mua để bảo vệ quyền lợi của bên mua; nếu người thứ ba có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản mua bán thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

4. Nghĩa vụ bảo đảm chất lượng của vật mua bán

"Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng" (khoản 5 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007). Điều 445 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật mua bán, theo đó:

- Chất lượng của vật mua bán là một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của bên mua với tài sản mua bán. Bên bán phải chuyển giao tài sản với chất lượng theo yêu cầu của phía bên mua. Chất lượng của sản phẩm mua bán cũng là một trong các yếu tố quan trọng để xác định giá mua bán. Chất lượng của vật mua bán thể hiện thông qua giá trị sử dụng của vật và các đặc tính của vật (vật đã sử dụng hay chưa, mới hay cũ, còn hoàn chỉnh hay đã bị khuyết tật,...). Chất lượng của vật do các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng, nếu các bên không thỏa thuận thì chất lượng của vật được xác định theo chất lượng của vật cùng loại trên thị trường tại thời điểm và địa điểm giao kết họp đồng.

- Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn. Các thông tin thể hiện trên bao bì, nhãn mác của hàng hóa phải đảm bảo tính trung thực, tránh tình trạng, nhằm để thu hút người tiêu dùng mà bên bán sản phẩm đưa các thông tin về sản phẩm không đúng với chất lượng của sản phẩm.

- Về nguyên tắc, bên bán phải chịu trách nhiệm đối với các khuyết tật của tài sản mua bán, trừ các trường hợp sau đây:

+ Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;

+ Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ: vật bán đấu giá là vật được mua bán một cách công khai và trước khi tiến hành tổ chức bán đấu giá, người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản...'Do đó, đối với những tài sản mua qua bán đấu giá thì bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của sản phẩm. Còn đối với đồ cũ, bản thân người mua khi mua đã phải dự liệu và biết được về những khuyết tật của tài sản vì đây là những tài sản đã qua sử dụng,

+ Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật: Đây là những trường hợp bên mua có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý làm cho vật mua bán bị khuyết tật nên bên mua phải tự chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.

5. Nghĩa vụ bảo hành tài sản

Bảo hành sản phẩm là cam kết của nhà sản xuất hoặc người bán hàng về việc sửa chữa hoặc thay thế miễn phí trong trường hợp hàng hóa bị hỏng hóc, khuyết tật theo quy định cụ thể về điều kiện bảo hành trong một khoảng thời gian được xác định. Nghĩa vụ bảo hành tài sản là nghĩa vụ thuộc về bên bán tài sản. Bảo hành còn là một chiến lược quảng bá, marketing sản phẩm của người bán (hoặc nhà sản xuất) nhằm thu hút khách hàng. Nghĩa vụ bảo hành là loại nghĩa vụ luôn xác định thời hạn.

Theo Điều 446 Bộ luật dân sự 2015:

Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.

Theo điều luật trên thì cơ sở phát sinh nghĩa vụ bảo hành bao gồm:

- Theo sự thỏa thuận của các bên;

- Do pháp luật quy định.

Quy định bảo hành áp dụng đối với các loại tài sản mà chất lượng của nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua, do đó, bên bán phải tuân thủ các quy định về thời hạn bảo hành và các vấn đề khác mà pháp luật có quy định.

Trên thực tế, nghĩa vụ bảo hành cũng như thời hạn bảo hành thường là do bên bán đưa ra dựa trên chiến lược kinh doanh của mình. Đối với những trường hợp này, khi giao kết hợp đồng, bên bán đã đưa ra sẵn các quy định về điều kiện bảo hành, những lợi ích mà bên mua được hưởng từ việc bảo hành, cũng như thời gian bảo hành đối với vật mua bán. Bên mua chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận những nội dung này mà không thể thay đổi các nội dung đó, nếu bên mua chấp nhận các nội dung này thì cũng được coi là các bên đã có sự thỏa thuận, thống nhất về điều khoản bảo hành.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.