1. Người làm chứng là gì?

Theo tố tụng dân sự:

Khái niệm người làm chứng: Trong tố tụng dân sự, những người biết được các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết tòa án triệu tập đến tham gia tố tụng để làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Người tham gia tố tụng này được gọi là người làm chứng.

Theo tố tụng hình sự:

Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người làm chứng là người biết được các tình tiết có liên quan đến vụ án được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến để lấy lời khai về các tình tiết đó.

"Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng."

 

2. Người làm chứng có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 ĐIều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, người làm chứng có các quyền như sau:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ tại Điều này;

- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người làm chứng có các nghĩa vụ sau đây:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

 

3. Những trường hợp nào không được làm người làm chứng?

Theo khoản 2 ĐIều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về người làm chứng như sau:

"2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bảo chữa của người bị buộc tội;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn."

Như vậy, những người thuộc trường hợp sau đây là người không được làm chứng trong tố tụng hình sự:

- Người bào chữa của người bị buộc tội;

- Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Người làm chứng trong vụ án hình sự có thể vắng mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hay không?

Căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, quy định về nghĩa vụ của người làm chứng như sau:

"4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;"

Đồng thời, tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sự có mặt của người làm chứng trong xét xử sơ thẩm được quy định như sau:

"Điều 293. Sự có mặt của người làm chứng

1. Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

2. Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này."

Từ những quy định trên, người làm chứng có nghĩa vụ phải có mặt theo triệu tập của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó.

Tuy nhiên, nếu họ làm chứng về những vấn đê quan trọng của vụ án mà vắng mặt thì tùy từng trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc tiến hành xét xử. trường hợp người làm chứng được tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hộ đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể dựa trên sự cần thiết và ảnh hưởng của bạn đến việc làm sáng tỏ những tình tiết vụ án, việc vắng mặt của bạn sẽ được xử lý như sau:

- Nếu trước đó bạn đã có lời khai ở cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa sẽ công bố những lời khai đó và phiên tòa vẫn được diễn ra bình thường. Do đó, sự vắng mặt của bạn có thể được Hội đồng xét xử chấp nhận.

- Nếu bạn làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

- Trường hợp được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của bạn gây trở ngại cho việc xét xử thì hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải bạn theo quy định.

 

4. Dẫn giải là gì theo quy định của pháp luật?

Theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, dẫn giải được hiểu như sau:

"I) Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định."

Như vậy, nếu bạn được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của bạn trở ngại cho việc xét xử thì bạn có thể bị dẫn giải theo quy định như trên.

 

5. Bảo vệ người làm chứng?

- Người làm chứng có quyền yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.

- Tòa án có quyền quyết định buộc người có hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc mua chuộc để người làm chứng không cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp chứng cứ sai sự thật phải châm dứt hành vi đó.

Cơ sở pháp lý: Khoản 6 Điều 78 và khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Ví dụ về người làm chứng: A đang đi tập thể dục thì phát hiện ra B đang cố phá khóa chiếc xe máy dừng ở lề đường, sau đó A hô hoán để mọi người biết thì B liền tẩu thoát nhưng bị người dân đuổi theo và bắt được. Như vậy, cơ quan chức năng có thể triệu tập A tham gia lấy lời khai với tư cách là người làm chứng toàn bộ hành vi vi phạm của B

Trên đây là những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến sự vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Bạn có thể cân nhắc và đối chiếu với trường hợp của mình để có thể sắp xếp tham gia xét xử theo đúng quy định.

Trên đây là toàn bộ nội dung mà Luật Minh Khuê cung cấp đến bạn đọc tham khảo. Mọi vướng mắc, Hãy gọi: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến. Xin cảm ơn!