1. Hình phạt khi nhậu say đánh người gây thương tích?

Chào luật sư! Tôi có một vấn đề mong luật sư tư vấn giúp như sau: Hôm trước, cha tôi có đi nhậu cùng một vài người chung xóm. Sau một hồi rượu vào thì mọi người có nói chuyện qua lại với nhau nhưng chủ yếu là nói đùa cho vui, không có ác ý. Trong đó có một người không hiểu ý cha tôi nên đã nổi cáu và bất ngờ cầm cái ly uống bia đập vào đầu cha tôi gây chấn thương vùng đầu, trán, tổng cộng 3 vết thương làm cha tôi ngất đi phải đi viện khâu rất nhiều mũi.

Trong khi cha tôi ngất anh ta còn dùng gậy, chai bia, dao định đánh thêm vào người cha tôi nhưng được mọi người ngăn kịp thời. Cha tôi được mọi người đưa đi cứu chữa nên đã không nguy hiểm tính mạng. Vụ việc đã được trình báo công an xã và cha tôi đã xuất viện về nhà đã 3 ngày nay nhưng vẫn chưa thấy công an gọi lên lấy lời khai. Còn về phía người hành hung cha tôi vẫn ung dung và chẳng hề đến nhà tôi nói lời phải trái hoặc bồi hoàn thuốc than gì hết.

Xin hỏi luật sư, trong trường hợp tôi muốn làm đơn kiện đến tòa án nhân dân huyện được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào? Và nếu tòa thụ lý giải quyết thì người đánh cha tôi có thể sẽ phải chịu những tội gì? Xin cảm ơn!

Người gửi: NVL

>> Nhậu say, đánh người gây thương tích, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân...."

Như vậy, anh cần phải đi giám định thương tật cho cha của anh. Nếu tỷ lệ thương tật của cha anh nhỏ hơn 11% và không thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người hành hung cha anh sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này, anh có thể khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường theo quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Nếu tỷ lệ thương tật của cha anh từ 11% đến 30% hoặc nhỏ hơn 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 nêu trên thì người hành hung cha anh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu tỷ lệ thương tật của cha anh từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì người hành hung cha anh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ hai năm đến sáu năm.

Nếu tỷ lệ thương tật của cha anh từ 61% trở lên hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì người hành hung cha anh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ năm năm đến mười năm. Tham khảo ngay nội dung: Hướng dẫn viết đơn yêu cầu bồi thường đối với hành vi đánh người gây thương tích?

 

2. Đánh người khác gây thương tích bị xử phạt như thế nào?

Xin chào công ty Luật Minh Khuê, tôi có yêu cầu mong công ty tư vấn giúp như sau: Em trai của tôi cách đây vài hôm có đi chơi với một vài người bạn, sau đó phát sinh mâu thuẫn, em tôi đã dùng ghế đánh vào người những người kia. Sau đó, công an có đến xác minh vụ việc, người bạn kia được đưa đi bệnh viện giám định tỷ lệ thương tích là 8%.

Vậy cho tôi hỏi: Em tôi có bị ngồi tù hay không? Mức hình phạt của em tôi là như thế nào?

Mong sớm nhận được phản hồi từ quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự về gây thương tích, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, cũng như căn cứ thông tin bạn cung cấp, em của bạn có hành vi dùng ghế để đánh vào người khác gây thương tích cho người này với tỷ lệ thương tích là 8%. Theo đó, hung khí nguy hiểm là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm. Trong đó, vũ khí bao gồm:

- Vũ khí quân dụng gồm: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thành; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng - an ninh.

- Vũ khí thể thao gồm: các loại súng trường, súng ngắn thể thao chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.

- Súng săn gồm: Các loại súng săn một nòng, nhiều nòng các cỡ, tự động hoặc không tự động, súng hơi các cỡ, súng kíp, súng hoả mai, súng tự chế và các loại đạn, vỏ đạn, hạt nổ, thuốc đạn dùng cho các loại súng kể trên.

- Vũ khí thô sơ gồm: Dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ quy định.

Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

- Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

- Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

- Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

Thủ đoạn nguy hiểm khác là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản...

Như vậy, em của bạn đã sử dụng ghế là vật có sẵn trong tự nhiên để gây thương tích cho người khác, do vậy, hành vi đánh người dùng ghế của em bạn gây thương tích cho nạn nhân là 8% thì em của bạn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, em của bạn còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại mà em bạn gây thương tích bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

>> Xem thêm nội dung: Hành vi dọa giết người và gây thương tích bị xử lý như thế nào?

 

3. Gây thương tích cho người khác thì phải chịu trách nhiệm gì?

Xin chào công ty luật Minh Khuê. Luật sư có thể tư vấn cho em một chuyện là vào sáng ngày 30/12/2018 (dương lịch) ba em với một người phụ nữ gần nhà có tranh chấp chuyện đất đai, trong lúc gây gổ người đó đã dùng dao chém ba em. Ba em đã dùng tay đỡ không may trúng ngón tay bị tổn hại tới ngón tay 70%, luật sư có thể chỉ em nên kiện như thế nào được không ạ?

Em không hiểu nhiều về luật pháp, em cảm ơn luật sư nhiều ạ.

Trả lời:

Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, vấn đề này đã được phân tích chi tiết ở bài viết trên, bạn có thể tham khảo, áp dụng trong trường hợp này của gia đình bạn thì hành vi của người hàng xóm nếu do lỗi cố ý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017Tham khảo bài viết liên quan: Bồi thường khi gây thương tích cho người khác?

 

4. Gây thương tích cho người bị động kinh bị phạt bao nhiêu?

Luật Minh Khuê giải đáp các thắc mắc về vấn đề gây thương tích cho người khác theo quy định của luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành:

 

Trả lời:

Đối với hành vi cố ý đánh người hay cố ý gây thương tích cho người khác, tùy vào tỷ lệ thương tật của người bị hại để xem xét người này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không hay chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định của Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, đối với trường hợp này, để đủ khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự, tỷ lệ thương tật của người bi hại sẽ là trên 11%, hoặc dưới 11% nhưng có dùng hung khí nguy hiểm, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân... Tức là có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này.

Nếu như tỷ lệ thương tật thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 134 thì việc khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Nếu người bị hại rút đơn bãi nại, vụ án sẽ được đình chỉ nhưng chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1, còn đối với khoản 2, 3, 4 Điều 134 Bộ luật hình sự thì khởi tố sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại mà phụ thuộc vào quyết định của cơ quan công an.

Nếu như chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hình chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình:

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau";

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại đối với hành vi xâm phạm thiệt hại sức khỏe cho người khác như sau:

"Điều 590. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."

 

5. Gây thương tích 20% thì bị truy cứu TNHS như thế nào?

Xin chào công ty luật Minh Khuê, cho em hỏi trường hợp của em như sau: Em đi chơi cùng bạn, do em không kiềm chế được nên em và một người bạn của em đã đánh anh A, làm anh ấy mất 20% sức khỏe. Hiện giờ, em đang nuôi con nhỏ một mình và em cũng thành khẩn khai nhận trước cơ quan công an. Em phải chịu hình phạt như thế nào? Xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Theo như dữ liệu bạn đưa ra thì bạn và người bạn của bạn đánh anh A mất sức khỏe 20%, đối với trường hợp này bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm..."

Như vậy, trong trường hợp này bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Về tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo cũng là 1 trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bên cạnh đó, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về hưởng án treo, cụ thể:

"1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này."

Như vậy, bạn cần căn cứ vào những quy định trên để xác định cho mình những tình tiết giảm nhẹ, tạo điều kiện cho bạn được sớm chăm sóc con.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.