1. Giám đốc thẩm là gì?

Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

2. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo BLTTHS 2003

Theo Điều 273 BLTTHS 2003:

Điều 273. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

3. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo BLTTHS 2015

Theo Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:

- Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

4. Nhận xét căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong hai BLTTHS

Như vậy, khác với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không coi “việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ" là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Bởi vì, thực ra đây chỉ là một trong những trường hợp thuộc căn cứ thứ hai của điều luật quy định là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong xét xử (vi phạm nguyên tắc xác định sự thật vụ án (Điều 15), nguyên tắc tranh tụng (Điều 26)...) nên người làm luật không coi đó là căn cứ kháng nghị độc lập.

Khoản 2 Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vẫn coi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử là một trong những căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; nhưng có một bổ sung rất đúng đắn và có ý nghĩa thực tiễn cực kỳ quan trọng là vi phạm đó chỉ trở thành căn cứ kháng nghị nếu “dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Bằng bổ sung này, Bộ luật tố tụng hình sự đã giải quyết được tranh luận thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; đồng thời, loại trừ được tình trạng kháng nghị tràn lan trong thực tiễn, ảnh hưởng đến tính ổn định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; đến hiệu quả, hiệu lực hoạt động tố tụng hình sự. Theo quy định mới, mặc dù trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, có những vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng vi phạm đó dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì mới là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; nếu vi phạm đó không dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì không phải là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Sai lầm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án có thể là định tội, quyết định hình phạt hoặc các quyết định khác sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc bảo vệ công lý; bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo và các đương sự; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Phân tích căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 371 Bộ luật TTHS 2015. Các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong ba căn cứ sau: 

Thứ nhất, kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

So sánh với quy định trước đây, Bộ luật TTHS 2015 đã quy định cụ thể chủ thể của quyết định, bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm là Tòa án. Quy định mới không làm thay đổi cơ bản nội dung của căn cứ mà chỉ có tính chất làm rõ hơn đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm. Sự bổ sung này là cần thiết để xác định cụ thể đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm phải là các bản án, quyết định của Tòa án.

"Kết luận trong bản án hoặc quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án" là trường hợp Hội đồng xét xử đưa ra những kết luận không đúng với những gì có thật đã xảy ra và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra tại phiên tòa. Tất cả kết luận của Tòa án được thể hiện trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Các kết luận này bao gồm nội dung vụ án, quan điểm, nhận định, đánh giá của Tòa án về nội dung vụ án, các chứng cứ, tài liệu được sử dụng để chứng minh tội phạm, quyết định về tội danh, hình phạt, mức bồi thường, án phí… Các kết luận của Tòa án căn cứ vào chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được kiểm tra tại phiên tòa. Kết luận trong bản án hoặc quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án có thể xuất phát từ ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử. Đó là trường hợp mặc dù các chứng cứ để kết tội bị cáo đã đầy đủ, hợp pháp nhưng Hội đồng xét xử đánh giá không đúng về tội danh, khung hình phạt... đối với bị cáo. Cũng có những trường hợp kết luận không phải của Tòa án nhưng Hội đồng xét xử trích dẫn, sử dụng trong bản án thì vẫn phải coi là kết luận của Tòa án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Chẳng hạn trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo bị bức cung, nhục hình nên khai nhận tội. Tòa án sử dụng lời khai nhận tội này làm chứng cứ để buộc tội bị cáo dẫn đến việc kết án không đúng người.

Kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án có thể do lỗi chủ quan hoặc khách quan. Trường hợp trong quá trình xác định sự thật của vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm thì những kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án sẽ không “phù hợp với các tình tiết khách quan” của vụ án vì các căn cứ để đi đến kết luận đã bị tác động bởi ý thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Việc Tòa án đưa ra kết luận mà không đủ chứng cứ hoặc trên cơ sở sử dụng những chứng cứ, tài liệu không bảo đảm tính hợp pháp, không được thu thập theo trình tự, thủ tục được quy định trong luật TTHS mới là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm. Ngược lại, nếu như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử không biết được các “tình tiết khách quan” trong quá trình chứng minh tội phạm dẫn đến kết luận không đúng sự thật khách quan của vụ án thì lại là căn cứ để kháng nghị tái thẩm. 

Thứ hai, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Theo Từ điển Tiếng Việt, thủ tục là “những việc cụ thể phải làm theo một trật tự quy định để tiến hành một công việc có tính chính thức”. Việc sử dụng thuật ngữ “thủ tục tố tụng” không bao hàm hết những vi phạm pháp luật TTHS trong quá trình chứng minh tội phạm bởi vì ngoài thủ tục tố tụng, luật TTHS còn quy định khác về những nguyên tắc của TTHS, những quy định chung, thẩm quyền. Nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định này cũng có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm, chẳng hạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sai thẩm quyền; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm)…

Mặt khác, căn cứ này chỉ giới hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử là không đầy đủ. Hoạt động khởi tố vụ án hình sự nếu có vi phạm cũng có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm, chẳng hạn: khởi tố vụ án không có căn cứ; khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại quy định tại Điều 155 Bộ luật TTHS. Trường hợp này, mặc dù Cơ quan điều tra khởi tố không đúng nhưng Viện kiểm sát và Tòa án không phát hiện ra nên vẫn truy tố, xét xử; vi phạm các quy định của Bộ luật TTHS trong hoạt động chứng minh tội phạm…

Bộ luật TTHS 2015 quy định thêm một điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử” là những vi phạm này “phải dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Có ý kiến cho rằng nếu không quy định hậu quả của những sai lầm, vi phạm là dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án có thể xảy ra tình trạng kháng nghị tràn lan. 

Thứ ba, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Căn cứ "có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật" trong Bộ luật TTHS 2015 đã khắc phục được những hạn chế của Bộ luật TTHS 2003. Tuy nhiên, phạm vi của căn cứ này là quá rộng vì "quy định của pháp luật" đã bao hàm tất cả các quy định trong các bộ luật, các luật, thông tư, hướng dẫn... khác nhau, bao hàm cả hai căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên và các căn cứ kháng nghị tái thẩm. "Căn cứ này bao gồm tất cả những sai lầm trong việc xác định đúng sự việc thực tế đã xảy ra; sai lầm trong việc lựa chọn quy phạm pháp luật trong trường hợp cụ thể; sai lầm trong việc ra văn bản áp dụng pháp luật; sai lầm trong việc tổ chức thực hiện văn bản áp dụng pháp luật cả về nội dung và hình thức, thủ tục tố tụng".

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)