1. Giám đốc thẩm là gì?

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử. Cụ thể:

Thứ nhất, giám đốc thẩm là thủ tục xét lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải xét xử lại các bản án, quyết định đó. Theo nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử được pháp luật Việt Nam ghi nhận. Hai cấp xét xử đó là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Hai cấp này với vai trò xét xử các vụ án hay bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật khi có đơn khởi kiện hay kháng cáo, kháng nghị. Còn giám đốc thẩm là thủ tục xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thứ hai, đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Về nguyên tắc những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì sẽ được đưa ra thi hành theo thủ tục thi hành án hình sự. Tuy nhiên trong một số trường hợp mặc dù bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại không đúng với bản chất vụ việc của pháp luật. Trong trường hợp này nếu đưa bản án, quyết định đó ra thi hành thì sẽ gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người. Do vậy nếu bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật thì cần đặt ra thủ tục xét lại bản án, quyết định đó và điều này là hoàn toàn hợp lý.

2. Phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm theo BLTTHS 2003

Điều 274 BLTTHS 2003 quy định:

Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

Điều 275 có nội dung như sau:

Điều 275. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.

3. Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cẩn xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm theo BLTTHS 2015

Theo Điều 372 BLTTHS 2015, ta có:

Điều 372. Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị.

Tòa án quân sự cấp quân khu thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét kháng nghị.

3. Khi thực hiện công tác giám đốc việc xét xử, kiểm sát việc xét xử hoặc qua các nguồn thông tin khác mà Tòa án, Viện kiểm sát phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị.

4. Điểm mới trong "phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cẩn xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm"

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục quy định người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị; trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát khi thực hiện công tác giám đốc việc xét xử, kiểm sát việc xét xử hoặc qua các nguồn thông tin khác mà phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị.

Đồng thời, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung các nội dung mới quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu trong việc kiểm tra các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực, phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo khoản 2 Điều 372 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị; Tòa án quân sự cấp quân khu thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét kháng nghị.

Có thể nói, đây là bổ sung cần thiết và hợp lý trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm nâng cao trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu trong việc phát hiện các bản án, quyết định có vi phạm pháp luật cần kháng nghị. Bởi vì, thứ nhất, hình thức trực tiếp kiểm tra để phát hiện vi phạm pháp luật thời gian qua tỏ ra khá hiệu quả; thứ hai, theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì mặc dù phần lớn các vụ án hình sự do Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực xét xử, nhưng tỷ lệ bản án, quyết định của các Tòa án đó bị kháng nghị chiếm tỷ lệ thấp; và thứ ba, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu đã không còn thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nữa...

5. Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm 

Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm theo Bộ luật tố tụng hình sự 2003:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.

Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm theo Bộ luật tố tụng hình sự 205:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 không quy định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng VKSND cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Riêng về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, BLTTHS năm 2003 quy định có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của “Tòa án quân sự cấp dưới”, BLTTHS năm 2015 quy định rõ là có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của “Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực”.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)