1. Những phương thức bầu cử trên thế giới

a. Phương thức đa số

Phương thức bầu cử đa số, hay còn gọi là phương thức bầu cử một vòng. Theo phương thức này, người trúng cử là ứng cử viên thu được đa số phiếu thuận. Có hai loại đa số là đa số tuyệt đối và đa số tương đối. 

- Đa số tương đối cho phép xác định kết quả trúng cử không cần phải đạt tới trên 50% tổng số phiếu. Ai nhiều phiếu hơn thì người đó chiến thắng. Ưu điểm của phương pháp này là có kết quả bầu cử ngay không cần tổ chức bầu cử lại. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là trong số nhiều ứng cử có rất nhiều trường hợp không là đại diện quá bán của đa số cử tri; thậm chí không cần tổ chức bầu cử khi số lượng ứng cử viên tranh cử bằng số lượng được bầu.

- Đa số tuyệt  đối: người trúng cử theo phương pháp này phải được ít nhất 50%+1 số phiếu thuận. Phương pháp này có thể tìm ra người trúng cử là đại diện của đa số cử tri đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, nhiều khi không tìm ra được người trúng cử hoặc nếu ở đơn vị bầu cử được bầu nhiều đại biểu thfi bầu một lần nhiều khi không đủ số lượng ghế phải bầu nên phải tiến hành bầu lần 2. Nầu lần 2 cũng có thể sảy ra tình trạng giống lần 1: không đủ số người có quá bán 50%+1 số phiếu thuận.

Phương thức bầu cử đa số có một số biến thể sau:

- Bầu cử theo lá phiếu khối (Block Vote): Biến thể này thường được áp dụng cho những đơn vị bầu cử nhiều đại diện, trong đó cử tri bỏ phiếu để bầu một số lượng đại biểu được phân bổ cho đơn vị bầu cử đó (hoặc ít hơn, nếu họ muốn). Ứng cử viên nào nhận được số phiếu cao hơn thì trúng cử.

- Bầu cử theo lá phiếu khối theo đảng phái chính trị (Party Block Vote): Giống như biến thể trên, trong biến thể này, ở mỗi đơn vị bầu cử, cử tri bầu ra một số lượng đại biểu nhất định nhưng chọn theo đảng phái chính trị. Đảng nào chiến thắng thì chiếm toàn bộ số ghế trong đơn vị bầu cử đó. Người thắng cử cũng không cần thiết phải nhận được đa số phiếu bầu, chỉ cần nhận được nhiều phiếu nhất là đủ.

b. Phương thức bầu thay thế

Theo phương thức này cử tri sẽ đánh dấu ứng cử viên mình lựa chọn theo thứ tự ưu tiên và kết quả sẽ được phân định bằng việc đếm số phiếu của các ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên này. Người đắc cử theo bầu cử thay thế phải nhận được ít nhất 50% tổng số phiếu tại khu vực bầu cử của mình.

Với phương thức bầu thay thế, bắt buộc ứng cử viên trúng cử phải đạt được đa số phiếu của cử tri trong khu vực bầu. Như vậy, một ứng cử viên chỉ có thể đại diện cho một khu vực bầu cử nếu nhận được đa số phiếu tối thiểu. Tuy nhiên, phương thức này cũng có nhược điểm là gây nên sự bất lơi cho các đảng có số cử tri hỗ trợ tuy đông nhưng lại nằm rải rác ở các khu vực bầu cử

* Phương thức bầu cử 2 vòng

Xét nhiều yếu tố, có thể coi phương thức bầu cử 2 vòng là biến thể chung của phương thức bầu cử thay thế

Đối với phương thức này, bầu cử được tổ chức thành 2 vồng, vòng 2 thường cách vòng 1 từ 1 đến 2 tuần. Trong vòng đầu, người trúng cử phải đạt được 50%+1 phiếu thuận thì ứng cử viên đó thắng cuộc và không cần tổ chức bầu vòng 2. Nếu lần một không có ứng viên nhận được đa số phiếu tuyệt đối thì tiến hành bầu vòng 2. Trong vòng hai, ứng cử viên nào được nhiều phiếu hơn sẽ chiến thắng, không cần đạt được 50%+1 phiếu thuận. Việc quy định về số ứng viên được vào vòng hai giữa các quốc gia có sự khác biệt.phương thức này hoạt động theo nguyên lý dễ hiểu và tạo điều kiện cho cử tri được lựa chọn lần hai. Tuy nhiện, nhược điểm của nó là mất thời gian và tốn kém tài chính. Vì vậy bầu cử hai vòng thường chỉ áp dụng cho các cuộc bầu cử tổng thống và không áp dụng trong bầu nghị viện.

c. Phương thức một phiếu đơn có thể chuyển nhượng

Đại diện của phương thức bầu cử này là Ireland, thượng viện Úc

Theo phương thức này, các khu vực bầu cử sẽ bầu một số lượng đại diện nhất định, thường là 3 đến 7 đại biểu tùy theo dân số. Cử tri sẽ có số phiếu bằng số dân biểu được bầu và được sắp xếp bỏ phiếu cho các ứng cử viên theo một trật tự ưu tiên như ở phương thức bầu cử thay thế, hoặc có thể chỉ bầu cho một ứng cử viên theo sự lựa chọn của họ. Để trúng cử, một ứng cử viên phải đạt được số phiếu tối thiểu theo quy định. Những người không đạt số phiếu tối thiểu ở vòng đầu có thể đạt được ở vòng thứ hai hoặc các vòng tiếp theo, tùy theo công thức tái phân bổ các vòng

Ưu điểm ủa phương thức này là cho phép những đảng yếu thế vẫn có thể có đại diện trong nghị viện. Nhược điểm của phương thức này là nguyên lý xác định phức tạp, nhất là trong việc phân phối số phiếu của những ứng cử viên đạt được ít phiếu nhất cho những ứng cử viên khác.

d. Phương thức đại diện tỉ lệ theo danh sách

Phương thức này đang được áp dụng ở hầu hết các nước phương Tây và Đông Âu, một số quốc gia Châu Phi và Châu Á

Theo phương thức này, các đảng đưa ra danh sách cử tri theo khu vực và trong toàn quốc. Có ba loại danh sách cử tri là: danh sách đóng, danh sách mở và danh sách tự do. Trong đó, danh sách đóng là phổ biến nhất

Đối với danh sách đóng, ứng cử viên không tranh cử với tư cách cá nhân mà với tư cách đảng chính trị của mình. Mỗi đảng chính trị đưa ra một danh sách các ứng cử viên của đảng mình xếp theo thứ tự ưu tiên để tranh cử ở một đơn vị bầu cử nhất định, có khi cả đất nước là một đơn vị bầu cử. Khi đi bầu, cử tri sẽ chọn 1 đảng chính trị mà mình chọn. Khi xác định kết quả, người ta sẽ căn cứ trên số phiếu hợp lệ để tính một định mức bầu cử, hiểu một cách đơn giản là “giá trị theo số lượng phiếu bầu” của mỗi ghế đại biểu. Công thức xác định định mức bầu cử với danh sách đóng là công thức Droop: Định mức bầu cử = (tổng số phiếu hợp lệ/tổng số ghế +1) +1. Số ghế mà một đảng giành được tỉ lệ thuận với tổng số phiếu cử tri bầu cho đảng đó ở các đơn vị bầu cử

Đối với danh sách mở, trong lá phiếu ghi tên các đảng tham gia và cả tên ứng cử viên; cử tri có thể chỉ được bỏ phiếu cho các ứng cử viên. Còn với danh sách tựu do, trong lá phiếu cũng ghi tên các đảng tham gia và tên ứng cử viên, cử tri có thể chọn cách bầu cho đảng tham gia tranh cử hoặc bầu trực tiếp cho các ứng cử viên. Với danh sách tự do và danh sách mở, số lượng ghế mà đảng tranh cử nhận được phụ thuộc vào số lượng phiếu bầu cho các ứng cử viên của họ.

Ưu điểm của phương thức này là tạo sự bình đẳng gần như tuyệt đối cho các cử tri, tạo điều kiện cho các đảng nhỏ vẫn có đại diện trong nghị viện. Nhược điểm: vì cử tri ít có ảnh hưởng tới việc lập danh sách ứng cử viên nên dẫn đến hậu quả là chính bộ máy của các đảng quyết định việc lựa chọn các ứng cử viên.

 

e. Phương thức đại diện tỷ lệ hỗn hợp

Phương thức này hiện đang được áp dụng  ở một số  quốc gia như: Ý, Hungary, CHLB Đức...Phương thức này là sự kết hợp giữa hai phương thức: đa số và đại diện tỷ lê theo danh sách. Các phiếu bầu được bỏ phiếu bởi cùng cử tri và góp phần vào việc tìm ra đại diện ở cả hai phương thức. Vì là sự kết hợp giữa phương thức đa số và phương thức đại diện tỷ lệ theo danh sách nên thông thường, có hai loại đơn vị bầu cử được thiết kế cùng được áp dụng: một loại đơn vị bầu cử được thiết kế theo phương pháp bầu cử đa số – tức là theo tiêu chí địa lý (cả nước được chia thành nhiều đơn vị bầu cử), và một loại đơn vị bầu cử được thành lập theo hệ thống bầu cử tỉ lệ (cả nước là một đơn vị bầu cử).  Theo phương thức này, một tỉ lệ trong tổng số dân biểu (ít nhất là 50%) được bầu tại các khu vực bầu cử một thành viên (như trong hai phương thức đa số). Các dân biểu còn lại được bầu theo phương thức đại diện tỷ lệ theo danh sách trên toàn quốc, theo cách thức khiến cho kết quả “tỷ lệ” hơn với việc phân bổ tổng số phiếu của đảng. Các cử tri có hai phiếu: một phiếu cho cử tri và một phiếu cho đảng. Phương thức này có yêu cầu mức  tối thiểu mà các đảng phải đạt được để giành được một ghế.

Biến thể của phương thức bầu cử đại diện tỷ lệ hỗn hợp là phương thức song song.  Phương thức này  cũng áp dụng đồng thời hai  phương thức  đa số và  đại diện tỉ lệ theo danh sách. Tuy nhiên, khác với đại diện tỷ lệ hỗn hợp, với phương thức này hai phương thức đa số và đại diện tỉ lệ theo danh sách được tiến hành độc lập(song song) với nhau.

Ưu điểm: Đây là phương pháp bảo đảm hợp lý và cân bằng nhất về tính đại diện, đảm bảo tính hợp lý giữa hai loại đại diện: địa lý và các đảng phái chính trị và chế độ trách nhiêm của đại biểu với cử tri rành mạch, rõ ràng. Tuy nhiên, phương thức này còn hạn chế , có thể mang hạn chế của phương thức đại diện tỷ lệ theo danh sách 

2. Phương thức bầu cử ở Việt Nam

Ở Việt Nam, bầu cử được áp dụng để bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, theo nguyên tắc bầu: “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Mỗi cử tri bầu từ 2 – 3 đại biểu Quốc hội và từ 5 – 7 đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp.

Theo quy định hiện hành, các đại biểu dân cử sẽ được bầu theo đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử là một đơn vị lãnh thổ với một số lượng dân cư nhất định được phân định nhằm mục đích bầu đại biểu. Đơn vị bầu cử để bầu đại biểu Quốc hội và bầu đại biểu Hội đồng nhân dân thường không giống nhau. Cử tri sẽ đi bầu các đại biểu theo đơn vị bầu cử nơi mình cư trú và bầu số lượng đại biểu đại diện cho mình tương ứng với quy mô đơn vị bầu cử của mình, tuy nhiên mỗi cử tri không bao giờ bầu quá 3, thực tế là 2 hoặc 3 đại diện trong Quốc hội và 5 đại diện trong Hội đồng nhân dân

Như cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV : Để bầu 500 đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã chia lãnh thổ Việt Nam thành 184 đơn vị bầu cử, trong số đó có 132 đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu, 52 đơn vị bầu cử được bầu 2 đại biểu. Tổng số đơn vị bầu cử này được sắp xếp vừa khít trong ranh giới của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sao cho không có đơn vị bầu cử nào trải qua ranh giới của 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với cách như vậy, sau khi bầu cử xong thì ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương luôn thành lập được 1 đoàn đại biểu Quốc hội của mình.

 Ví dụ, trong số 184 đơn vị bầu cử trên đây, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có 10 đơn vị bầu cử, thành phố Hải Phòng có 3 đơn vị bầu cử. Các tỉnh nhỏ như Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Hậu Giang chỉ có 2 đơn vị bầu cử. 

Theo quy định của pháp luật mỗi đại biểu Quốc hội đều là đại biểu của toàn dân, song với cách chia và bầu đại biểu Quốc hội như trên, mỗi cử tri, hay nói một cách khái quát hơn là mỗi người dân Việt Nam, về thực chất sẽ có không phải 1 mà là 2 hoặc 3 đại diện trong Quốc hội do mình bầu lên. Ứng cử viên trúng cử phải đủ 2 điều kiện: phải được trên 50% phiếu bầu hợp lệ của đơn vị bầu cử và phải nằm trong số đại biểu có số phiếu cao nhất tương ứng với số lượng đại biểu được bầu từ đơn vị bầu cử. Nếu sau lần thứ nhất không có đại biểu trúng cử hoặc chưa đủ số lượng đại biểu trúng cử thì có thể tiến hành cuộc bầu cử thêm để đạt đủ số đại biểu. Lần bầu cử thêm lấy ứng cử viên là những người chưa trúng sau lần bầu cử thứ nhất. Điều kiện để trúng cử lần bầu cử thêm cũng giống với điều kiện trúng cử của lần bầu cử thứ nhất. Nếu bầu cử thêm vẫn không đủ số đại biểu của đơn vị bầu cử thì không tiến hành bầu cử tiếp nữa.