Thưa luật sư, xin hỏi: Theo quy định của pháp luật thì một năm học dành cho trường THPT là 37 tuần trong đó thực học là 35 tuần còn lại 02 tuần là phục vụ cho các học động thi cử... Tôi là một giáo viên giảng dạy tại cấp THPT thực hiện giảng dạy 35 tuần thực học tôi đã giảng dạy là 628 tiết, trường tôi tổ chức thi học kỳ cho học sinh vào tuần thứ 19 và tuần thứ 37 của năm học.

Trong 02 tuần tổ chức thi đó tôi được phân công nằm trong tổ in sao đề thi và làm phách bài thi. Khi tính tiết thừa giờ của tôi tôi tính là 628 tiết / 35 tuần thì thừa ra 33 tiết, nhưng nhà trường lại tính là 628 tiết / 37 tuần nên tôi bị thiếu 01 tiết và không được tính thừa giờ. Tôi có thắc mắc là 02 tuần làm thi đó tôi tính quy đổi làm hành chính mỗi tuần là 17 tiết nhưng lãnh đạo nhà trường không đồng ý. Tôi muốn nhờ văn phòng giải đáp giúp tôi vấn đề này là tại sao 02 tuần đi làm thi kia tôi vẫn đi làm đúng quy định mà khi tính thừa giờ dạy của tôi tôi lại bị tính trừ thêm mỗi tuần là 17 tiết?

Rất mong nhận được tư vấn của các luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Luật sư trả lời:

Trước khi trả lời câu hỏi trên, Luật Minh Khuê phân tích một số văn bản pháp luật quy định liên quan đến thời gian giảng dạy của giáo viên như sau:

 

1. Quy định về thời gian giảng dạy của giáo viên trung học phổ thông

1.1. Định mức giờ dạy của giáo viên trung học phổ thông

Thời gian giảng dạy của giáo viên trung học phổ thông được pháp luật Việt Nam quy định trong Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. 

Thời gian làm việc của giáo viên trung học

Theo khoản 2 Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT thì thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

- 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

- 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

- 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

- 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên trung học

Thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác. Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định, cụ thể như sau: 

- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

- Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Các ngày nghỉ khác theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 bao gồm: Tết Dương lịch; Ngày Chiến thắng giải phóng miền Nam 30/4; Ngày Quốc tế Lao động 01/5; Quốc khánh 02/9; ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Định mức tiết dạy

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 6 Thông tư trên thì định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể được xác định như sau:

- Định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, của giáo viên trung học phổ thông  là 17 tiết;

- Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là giáo viên ở cấp trung học cơ sở là 17 tiết; giáo viên ở cấp trung học phổ thông là 15 tiết;

- Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;

- Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

Như vậy, thông thường giáo viên trung học cơ sở phải dạy 19 tiết/ tuần và giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần.

Định mức số tiết của giáo viên trong một năm được tính theo công thức sau:

Định mức số tiết = Số tiết mỗi tuần x Số tuần giảng dạy

Theo đó:

- Định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở = 19 tiết/ tuần x 37 tuần = 703 tiết/ năm học. 

- Định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông = 17 tiết/ tuần x 37 tuần = 629 tiết/ năm học.

>> Tham khảo thêm: Lương giáo viên khi chuyển hạng từ cũ sang mới thay đổi thế nào?

 

1.2. Giảm định mức giờ dạy cho giáo viên kiêm nhiệm các công việc khác

Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được quy định tại Điều 8, 9 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017. Theo đó:

- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/ tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/ tuần.

- Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần.

- Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định.

- Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.

- Tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần. Giáo viên kiêm phó trưởng phòng chức năng trường dự bị đại học được giảm 1 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết/tuần.

- Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân trường học được giảm 2 tiết/tuần.

Lưu ý: Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.

>> Xem thêm: Cách tính lương của giáo viên theo quy định mới nhất?

 

2. Cách tính tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên trung học phổ thông?

Theo quy định pháp luật nêu trên, ta có thể thấy định mức tiết dạy cơ bản của giáo viên trung học phổ thông được tính theo công thức là 629 tiết/ năm học. Khi đó, đối với trường hợp giáo viên trung học phổ thông làm quá số tiết này thì sẽ được tính lương thừa giờ (hay còn gọi là tiền lương làm thêm giờ). 

Theo Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 được hướng dẫn bởi các Điều 59, 60, 61 Nghị định 145/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Phải được sự đồng ý của người lao động;

- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm được quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.

Như vậy, Bộ luật Lao động quy định thời lượng làm thêm giờ đối với người lao động nói chung và thời gian dạy thừa giờ đối với giáo viên trung học phổ thông nói riêng là không quá 200 giờ/năm.

Theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/03/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, thì công thức tính tiền lương dạy thêm giờ, dạy thừa giờ của giáo viên trung học phổ thông được tính xác định theo công thức:

Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm

Trong đó có một số vấn đề cần lưu ý như sau:

 

2.1. Về số giờ dạy thêm/ năm học

Số giờ dạy thêm trong 01 năm học của giáo viên trung học phổ thông được xác định trên các căn cứ sau:

Số giờ dạy thêm/ năm học = [Số giờ dạy thực tế/ năm học + Số giờ dạy quy đổi/ năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/ năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/ năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/ năm)

 

2.2. Về tiền lương 01 giờ dạy thêm

Tiền lương của một giờ dạy thêm của giáo viên trung học phổ thông được tính như sau:

Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%

- Đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề thì tiền lương 01 giờ dạy được tính như sau:

Tiền lương 01 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học) : (Định mức giờ dạy/ năm)] x [(Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ))/ 52 tuần]

- Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề thì tiền lương 01 giờ dạy của họ sẽ được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó.

 

2.3. Về định mức giờ dạy/ năm 

- Định mức giờ dạy/ năm của được tính theo quy định tại các văn bản quy định với các đối tượng là: Nhà giáo (kể cả nhà giáo làm công tác quản lý, kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm công tác hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm trong các cơ sở giáo dục công lập; đang trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn thực hành trên tàu huấn luyện, được hưởng tiền lương dạy thêm giờ khi đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, các nhiệm vụ công tác khác theo chế độ làm việc của nhà giáo. Cụ thể như sau:

- Đối với giáo viên phổ thông; giáo viên giảng dạy trình độ sơ cấp nghề

Định mức giờ dạy/ năm = [Định mức tiết dạy (tiêu chuẩn giờ giảng)/tuần] x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học)

- Đối với giáo viên kiêm nhiệm chức vụ khác như: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (gọi tắt là Tổng phụ trách); giáo viên là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (gọi tắt là cán bộ Đoàn, Hội) ở cơ sở giáo dục phổ thông

Định mức giờ dạy/ năm = (Định mức tiết dạy/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách; cán bộ Đoàn, Hội) x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học)

 

3. Cách tính chế độ thừa giờ cho giáo viên?

Với câu hỏi trên Luật Minh Khuê xin phân tích như sau:

Thứ nhất, về nhiệm vụ của giáo viên

Căn cứ Điều 3 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì nhiệm vụ của giáo viên được quy định như sau: Nhiệm vụ của giáo viên thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường dự bị đại học.

Theo đó, bạn là giáo viên giảng dạy cấp trung học phổ thông, tuy nhiên bạn không nói rõ cơ sở trường trung học phổ thông bạn đang công tác thuộc hình thức nào. Vậy nên, tùy thuộc vào hình thức của trường bạn đang công tác mà bạn sẽ là phải thực hiện theo quy định của Điều lệ trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học hoặc theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường dự bị đại học.

Thứ hai, về tính định mức tiết dạy đối với giáo viên

Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 thì thời gian làm việc của giáo viên trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó có: 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo kế hoạch thời gian năm học; 03 tuần cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 01 tuần cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần cho việc tổng kết năm học.

Do đó, thông tin mà bạn đang hiểu "một năm học dành cho trường trung học phổ thông là 37 tuần trong đó thực học là 35 tuần, còn lại 02 tuần là phục vụ cho các học động thi cử" là cách hiểu sai.

Bên cạnh đó, định mức tiết dạy của giáo viên trường trung học phổ thông bình thường là 17 tiết/ tuần; định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 15 tiết ở cấp trung học phổ thông; định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở; định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

Theo đó, nếu cơ sở trung học phổ thông bạn đang công tác là hình thức thông thường thì thời gian giảng dạy của bạn được tính là 37 tuần nhân với định mức tiết dạy là 17 tiết/ tuần là bằng 629 tiết/ năm học. Do đó, việc bạn mới chỉ làm được 628 tiết/ năm học và đơn vị trường bạn đang công tác tính bạn bị thiếu 01 tiết và không tính tiền thừa giờ là phù hợp với quy định của pháp luật.

>> Tham khảo thêm: Bảng lương mới của giáo viên đầy đủ, chi tiết nhất

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.