Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm quyền con người trong tố tụng hình sự
- 2. Đối tượng của quyền con người trong tố tụng hình sự
- 3. Những nội dung cơ bản của quyền con người trong tố tụng hình sự
- 3.1 Quyền an toàn thân thể, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trong tố tụng hình sự
- 3.2 Quyền được xét xử công bằng
- 4. Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự
- 4.1 Khái niệm
- 4.2 Nội dung bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự
1. Khái niệm quyền con người trong tố tụng hình sự
Quyền con người trong tố tụng hình sự được thể hiện ở hai khía cạnh, cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Việc xử lý, trừng trị người phạm tội đã xâm phạm tới quyền con người của tất cả các cá nhân trong xã hội thông qua các hoạt động, các biện pháp do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý. Khi tội phạm xảy ra xâm phạm đến quyền con người thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý, khắc phục những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, đồng thời phải áp dụng các chế tài thích đáng, phù với quy định của pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự, trừng trị người phạm tội.
- Thứ hai: Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền con người con người của người bị tình nghi phạm tội bị can, bị cáo. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được lợi dụng thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm đến quyền của những người nêu trên.
Điều 2 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định như sau:
“Điều 2. Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự
Bộ luật tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.
Tuy nhiên phạm vi quyền con người trong Tố tụng hình sự khá hẹp không bao gồm cả hai khuynh hướng đã nêu ở trên mà chỉ ghi nhận và bảo đảm quyền của những người yếu thế trong quan hệ tố tụng hình sự bao gồm những người bị giữ khẩn cấp, người bị bắt, bị ta giữ, bị can, bị cáo và một phần nào đó là người bị kết án tránh sự lạm dụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
2. Đối tượng của quyền con người trong tố tụng hình sự
Quyền con người trong tố tụng hình sự là quyền của người bị cáo buộc phạm tội, một phần nào đó là người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác, họ được xếp vào nhóm người yếu thế do đặc thù về địa vị pháp lý, về nguy cơ bị tổn thương khi tham gia các quan hệ tố tụng hình sự. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhóm người này bao gồm:
- Người bị tố giác, kiến nghị khởi tố;
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo;
- Ngoài ra cũng gồm có những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án như các cá nhân tham gia tố tụng với tư cách bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng,...
=> Những đối tượng trên khi tham gia tố tụng hình sự dù với tư cách là người bị buộc tội hay bị hại hay là những người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự thì họ vẫn được pháp luật bảo vệ và tôn trọng những quyền cơ bản của con người.
Như vậy đối tượng của quyền con người trong tố tụng hình sự bao gồm:
- Người bị tình nghi, bị cáo buộc phạm tội đang trong quá trình giải quyết vụ án, đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cưỡng chế của tố tụng hình sự nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Những người này có thể là: Người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; người bị buộc tội (người bị giữ trogn trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tam giam, bị can, bị cáo) và theo quy định của pháp luật những đối tượng này chưa bị coi là tội phạm mà mới chỉ là người bị tình nghi, bị cáo buộc phạm tội.
- Người phạm tội bị kết án và phải chấp hành hình phạt do Tòa án tuyên. Khác với người bị tình nghi, cáo buộc phạm tội đây là nhóm người đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứng minh đã phạm tội và ra phán quyết là có tội, bị Tòa án tuyên áp dụng mức hình phạt trương ứng với mức tội danh mà mình phạm. Việc phán quyết của Tòa án được phán quyết bởi thủ tục tố tụng hình sự công bằng, khách quan.
- Nhóm người tham gia tố tụng do có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án: Bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan....Những đối tượng này tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình, ngoài ra họ cũng một phần làm sáng tỏ các tình tiết có liên quan đến vụ án và góp phần cho việc đảm bảo sự công bằng trong quá trình giải quyết vụ án.
3. Những nội dung cơ bản của quyền con người trong tố tụng hình sự
Quyền con người trong tố tụng hình sự là tập hợp các quyền thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị nhằm khẳng định doid hỏi sự tôn trọng danh dự nhân phẩm của con người trong mọi hoàn cảnh, bảo vệ các cá nhân khỏi sự tùy tiện và sự lạm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của luật tố tụng hình sự.
3.1 Quyền an toàn thân thể, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trong tố tụng hình sự
Đây là quyền của người tham gia giải quyết vụ án hình sự, trong đó chủ yếu là người bị tình nghi, bị cáo buộc phạm tội, bị áp dụng những biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù trong các trại cải tạo và còn được mở rộng đến những đối tượng bị tạm giữ hành chính. Mặc dù những người này ít nhiều đã gây nguy hại cho xã hội hoặc bị tình nghi có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và bị hạn chế tự do nhưng quyền của họ vẫn được ghi nhận và bảo đảm thi hành bằng biện pháp pháp luật.
3.2 Quyền được xét xử công bằng
Quyền được xét xử công bằng là một nhân quyền cơ bản và có tính phổ quát cai, tồn tại trong cả các vụ án hình sự và phi hình sự. Pháo luật nhiều quốc gia quy định quyền này với quan niệm rằng nó là quyền thiết yếu trong mọi quốc gia pháp trị. Việc đối xử với một người khi họ bị buộc tội phản ánh rõ nhà nước tôn trọng nhân quyền đến mức nào, bởi vậy quyền được xét xử công bằng đã được coi là hòn đá tảng của các xã hội dân chủ.
Quyền được xét xử công bằng bao gồm những quyền cụ thể sau:
- Quyền bình đẳng trước Tòa án và được xét xử bởi Tòa án độc lập, không thiên vị công khai;
- Quyền bào chữa;
- Quyền được xét xử theo thủ tục riêng của người chưa thành niên;
- Quyền kháng cáo;
- Quyền được bồi thường khi bị kết án oan;
- Quyền không bị xét xử hai lần bởi một tội danh;
- Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì lý do không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng;
- Không bị coi là có tội nếu hành vi đó không cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật vào thời điểm thực hiện hành vi;
- Không áp dụng hồi tố cũng được nghiên cứ khi đề cập đến quyền được xét xử công bằng.
=> Dựa vào những phân tích nêu trên quyền được xét xử công bằng là tổng hợp các quyền thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị nhằm mục đích khẳng định việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của con người trong mọi hoàn cảnh cũng như việc bảo đảm việc xét xử công bằng bởi một tòa án độc lập, khách quan đối với những người yếu thế.
4. Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự
4.1 Khái niệm
Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là một trong những phần có tính chất đặc thù của bảo đảm quyền con người nói chung. Đứng dưới mức độ khái quát nhất bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là những yếu tố để con người được ghi nhận, thực thi trong quá trình giải quyết vụ án nhằm tôn trọng phẩm giá của con người trong mọi hoàn cảnh. Thực hiện tốt bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là đóng góp tích cực, hiệu quả trong bảo đảm quyền con người nói chung.
Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là nhiệm vụ của Nhà nước với cơ chế phù hợp trong điều kiện kinh tế - xã hội, pháp lý của mình. Việc bảo đảm này có vai trò quan trong trong việc biến những nỗ lực, những ý tưởng tiến bộ của nhân loại ở các điều luật trở nên hiện thực trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự. Bảo đảm quyền con người mang tính chất đặc thù xuất phát từ nhưng đặc điểm của tố tụng hình sự là một lĩnh vực hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước mà ở đó việc hạn chế các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là không thể tránh khỏi và các quyền và lợi ích đó có thể bị xâm phạm một cách nghiêm trọng bởi những người đại diện cho công quyền.
Từ những phân tích nêu trên ta có thể khái quát về khái niệm bào đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, cụ thể như sau: “Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự là sự vận hành của các yếu tố khách quan nhằm mục đích công bố, ghi nhận về mặt pháp lý các quyền con người trong tố tụng hình sự và bảo vệ, thực thi các quyền đó trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
4.2 Nội dung bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự
Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự không chỉ đơn thuần là việc ghi nhận các quyền con người trong pháp luật tố tụng hình sự mà còn ở việc hiện thực nó trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, cũng như bảo đảm sự giám sát có hiệu quả đối với quyền con người trong tố tụng hình sự. Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự chính là cách thức nhằm làm cho các quyền tố tụng hình sự của các chủ thể tham gia trong hoạt động tố tụng hình sự thực thi trong thực tiễn giải quyết vụ án. Đó chính là cơ chế bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự được xác định là hệ thống các biện pháp, cách thức pháp lý nhằm bảo vệ quyền con người và làm cho việc thực thi các quyền đó trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự.Vì vậy nội dung bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự được thể hiện trên các bình diện của các thành tố trong cơ chế bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự đó là:
- Hệ thống pháp luật tố tụng hình sự được xây dựng trên cơ cở các tiêu chí quốc tế về quyền con người ;
- Thực thi việc bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự;
- Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực đối với hoạt động tố tụng hình sự góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người.
Luật Minh Khuê