Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt của tố tụng dân sự xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm, vi phạm pháp luật ưong quá trình giải quyết vụ án. Khi tòa án cao nhất đã giám đốc thẩm, tải thẩm thì quyết định của nó không được xét lại nữa. Trường hợp quyết định của tòa án này có sai lầm nghiêm trọng thì có cơ chế đặc biệt như thành lập tổ chức lâm thời để xem xét lại.

 

1. Cơ sở của thủ tục đặc biệt xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Ở Việt Nam, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất, do đó về nguyên tắc thì các quyết định giải quyết vụ việc dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không thể xem xét lại. Tuy vậy, thực tiễn công tác giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã phát hiện một số quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng (Xem: Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi bổ sung bộ luật tố tụng dân sự của Tòa án nhân dân tối cao). Việc tồn tại một quyết định về vụ án có sai lầm nghiêm trọng dù của tòa án nào cũng phương hại đến uy tín của cơ quan xét xử và không bảo đảm được việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để khắc phục vấn đề này, Luật sửa đổi bổ sung bộ luật tố tụng dân sự có bổ sung quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định có sai lầm nghiêm trọng của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo chúng tôi, nếu quy định cơ chế đặc biệt thành lập tổ chức lâm thời để xem xét lại quyết định có sai lầm nghiêm trọng của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao như pháp luật các nước sẽ khoa học hơn… Hiện nay, các quy định này được kể thừa tại các điều từ Điều 358 đến Điều 360 , Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

 

2. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Thứ nhất, Yêu cầu, kiến nghị và đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo quy định tại Điều 358 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Uỷ ban tư pháp của Quốc hội kiến nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại quyết định đó. Trường hợp có yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó. Trường hợp có kiến nghị của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị đó. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát hiện quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét xem xét lại quyết định đó.

Thứ hai, Thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, khác với việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các tòa án cấp dưới bị kháng nghị, Điều 359 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xem xét lại quyết định đã có hiệu lực pháp luật của mình bị cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan ữọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó.

 

3. Thủ tục và quyền hạn xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Thứ nhất, Thủ tục xem xét kiến nghị của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân toi cao và đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Để bảo đảm việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhanh chóng và có hiệu quả, sau khi nhận được kiến nghị Ưỷ ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc văn bản đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phải gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao bản sao văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị đó kèm theo hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị, yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị. Tòa án nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản về thời gian mở phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đại diện Uỷ ban tư pháp của Quốc hội được mời tham dự phiên họp của HĐ Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị của Ưỷ ban tư pháp của Quốc hội.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị theo trình tự như sau:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tự mình hoặc phân công một thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trình bày tóm tắt nội dung vụ án và quá trình giải quyết vụ án;

- Đại diện Ưỷ ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trình bày về nội dung kiến nghị, đề nghị; căn cứ của việc kiến nghị, đề nghị; phân tích, đánh giá các tình tiết của vụ án, chứng cứ cũ và chứng cứ mới bổ sung (nếu có) để làm rõ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc những tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Trường hợp xem xét kiến nghị của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội hoặc xem xét đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm và lí do nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị đó. Ý kiến phát biểu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thể hiện bằng văn bản, có chữ kí của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và phải được gửi cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp;

- Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo luận và biểu quyết theo đa số về việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định vê việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ, báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định tại phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trường hợp không nhất trí với kiến nghị của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lí do cho cá nhân, cơ quan đã kiến nghị, đề nghị.

Mọi diễn biến tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị và các quyết định được thông qua tại phiên họp phải được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ghi vào biên bản phiên họp và lưu hồ sơ xem xét kiến nghị, đề nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải gửi cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban tư pháp của Quốc hội văn bản thông báo về việc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ hai, Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo yêu cầu của Ưỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc khi có quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp cần thiết. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm rõ có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ưỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc kể từ ngày có quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp với sự tham gia của toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao văn bản thông báo về thời gian mở phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kèm theo hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao.

Phiên họp Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án. Ý kiến phát biểu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thể hiện bằng văn bản, có chữ kí của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và phải được gửi cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp. Trường hợp, Tòa án nhân dân tối cao mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nghe ý kiến của họ. Sau đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo luận và biểu quyết quyết định.

Thứ ba, Quyền hạn xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo Điều 360 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khi xét thấy quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định thì tuỳ từng trường hợp, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền hạn quyết định như sau:

- Huỷ quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;

- Huỷ quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Tòa án nhân dân tối cao về quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị huỷ do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật;

- Huỷ quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, huỷ bản án, quyết định đã cổ hiệu lực pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định, Tòa án nhân dân tối cao phải gửi quyết định cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban tư pháp của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân đã giải quyết vụ án và các đương sự.

Mọi vướng mắc pháp lý về luật dân sự, tố tụng dân sự cũng như các vấn đề khác liên quan. Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế trực tuyến. Trân trọng./.