+ Từ tháng 3/2013 đến 8/2013, tôi đi bồi dưỡng chuyên môn tại Đại học Sogang, Hàn Quốc bằng nguồn học bổng tự tìm (học bổng của Korea Foundation). Và việc đi học này đã được Giám đốc Đại học H ký duyệt đồng ý vào ngày 31/1/2013.
+ Từ tháng 9/2013 đến 8/2015, tôi đi học thạc sỹ tại Viện nghiên cứu Hàn Quốc học trung ương, Hàn Quốc bằng nguồn học bổng tự tìm (học bổng của Viện nghiên cứu Hàn Quốc học trung ương). Và việc đi học này đã được Giám đốc Đại học H ký duyệt đồng ý vào ngày 23/10/2013. Do tôi học tiếp lên thạc sỹ luôn nên mọi thủ tục giấy tờ tôi gửi từ Hàn về Đại học H, và đã nhận được sự đồng ý học tiếp thạc sỹ từ nhà trường trước khi tôi trúng tuyển học bổng thạc sỹ.
+ Từ 14/9/2015 đến 8/2016, tôi về lại Việt Nam và tiếp tục giảng dạy tại khoa ngôn ngữ & văn hóa Hàn Quốc với tư cách là thạc sỹ, giảng viên biên chế.
+ Tháng 4/2016, tôi có xin ý kiến lãnh đạo khoa ngôn ngữ & văn hóa Hàn Quốc cùng Hiệu trưởng Đại học H về ý định xin học bổng tiến sỹ tại Hàn Quốc của mình và đã được chấp thuận.
+ Tháng 8/2016, tôi thông báo đã trúng tuyển học bổng tiến sỹ tại Đại học nữ sinh Ewha bằng nguồn học bổng tự tìm (học bổng EGPP của Đại học nữ sinh Ewha). Và ngày 19/8/2016, tôi đã nộp hồ sơ đi học tiến sỹ tại Hàn Quốc cho nhân viên Phòng tổ chức hành chính (có xác nhận qua mail), Đại học H.
+ Tháng 9/2016, tôi nhập học tiến sỹ tại Hàn Quốc thì tháng 10/2016, trường Đại học H yêu cầu tôi bổ sung thêm hồ sơ cam kết là sau khi học xong tiến sỹ sẽ quay về làm việc tại trường ít nhất gấp đôi thời gian học tập tiến sỹ tại Hàn Quốc. Tôi đã mail cho Trưởng phòng Tổ chức Hành Chính, Đại học H và giải thích lý do mình không thể ký thêm cam kết này vì các lý do: nguồn học bổng tôi học tiến sỹ là tự tìm, chứ không phải là nguồn tài trợ phụ thuộc vào Đại học H. Tuy nhiên, nhà trường lại cho rằng, tôi có được học bổng này là nhờ vào sự hợp tác của hai chính phủ, nếu tôi không nhận thì ứng viên khác của Việt Nam cũng sẽ nhận, nếu tôi không làm thì nhà trường sẽ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn cũng như trường đại học tôi đang theo học tiến sỹ (nội dung trao đổi qua email). Trong khi đó, học bổng tiến sỹ tôi nhận tại Đại học nữ sinh Ewha lại là học bổng toàn phần do tôi tự kiếm và đã phải vượt qua nhiều vòng cạnh tranh công bằng với các ứng viên khác đến từ nhiều nước.
+ Tháng 10/2016, tôi gửi đơn xin nghỉ việc bằng đường bưu điện từ Hàn Quốc về cho Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Đại học H.
+ 11/10/2016, nhà trường lại yêu cầu tôi phải bổ sung hồ sơ cam kết làm việc sau khi học xong, viết tường trình lý do đi học mà chưa xong hồ sơ cũng như chưa xử lý về việc tôi xin nghỉ việc.
+ Đến 19/5/2020, sau khi hoàn tất chương trình tiến sỹ, tôi quay về Đại học H và đến gặp Trưởng phòng Tổ Chức Hành Chính Đại học H, thì nhận được 3 văn bản sau:
1. QUYẾT ĐỊNH về việc kỷ luật viên chức từ Hiệu trưởng trường Đại học H (được ký ngày 8/5/2017). Nội dung là căn cứ Biên bản họp Hội đồng Kỷ luật viên chức ngày 5/5/2017 thì xét đề nghị của Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính, trường đã thi hành kỷ luật buộc thôi việc với tôi, và chấm dứt quyền lợi viên chức kể từ ngày 1/9/2016 do tự ý bỏ việc để đi học tại nước ngoài nhưng chưa được sự cho phép của Nhà trường. Và tôi không được hưởng các chế độ thôi việc hiện hành, nhưng được cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian công tác đến 1/9/2016 để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và được nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội sau khi đã bồi thường kinh phí đào tạo theo quy định của nhà nước.
2. QUYẾT ĐỊNH về việc bồi hoàn chi phí đào tạo từ Hiệu trưởng trường Đại học H ( được ký vào ngày 20/6/2017). Và số tiền tôi phải trả này được giải thích là do tôi không phục vụ đủ thời gian khi được cử đi đào tạo theo quy định hiện hành, cụ thể là tôi phải hoàn trả số tiền 20.620.689 đồng do được giảm giờ chuẩn trong thời gian đi học 6 tháng học ở Đại học Sogang và 2 năm học thạc sỹ ở Viện nghiên cứu Hàn Quốc học trung ương. Trường yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản của Đại học H với nội dung: P.T hoàn trả tiền bồi hoàn chi phí đào tạo cho Trường Đại học ngoại ngữ.
3. BẢNG TÍNH CHI TIẾT SỐ TIỀN HOÀN TRẢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO do Hiệu trưởng Đại học ngoại ngữ - Đại học H đưa ra, nhưng không ghi rõ ngày tháng năm ký. Và cách tính như sau: từ tháng 3/2-13 đến 9/2015, tôi học tập tại Hàn Quốc (gồm 6 tháng bồi dưỡng chuyên môn và 2 năm học thạc sỹ) nên số giờ được giảm là 650 giờ, nhân với đơn giá 40.000 đồng/1 giờ, tổng tiền sẽ là 26.000.000 đồng. Nhưng số tiền bồi hoàn lại được tính theo công thức sau:
S= (F:T1) X (T1- T2) = (26.000.000 : 58) X (58 -12) = 448.275.86 X 46 = 20.620.689 đồng
Trong đó:
S là chi phí đền bù
T1 là thời gian yêu cầu phải phục sau khi hoàn thành khóa học (thời gian phục vụ gấp 2 lần thời gian được đào tạo: 29 tháng X 2= 58 tháng)
T2 là thời gian mà bà P.T đã phục vụ sau đào tạo (ở đây là 12 tháng)
Số tiền mà trường yêu cầu tôi phải hoàn trả là 20.620.689 đồng.
Vậy xin luật sư tư vấn cho tôi mấy nội dung sau:
1/ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc tôi của Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học H là đúng hay sai? Nếu sai thì phải làm thế nào để hủy quyết định kỷ luật này? Còn nếu quyết định kỷ luật buộc thôi việc này là đúng, thì nó có ảnh hưởng gì đến công việc của tôi ở chỗ làm mới (cơ quan nhà nước hoặc cơ sở tư nhân) trong tương lai không?
2/ Tôi có phải bồi hoàn chi phí khi tôi nghỉ việc không? Trong khi các học bổng của tôi đều là nguồn học bổng do tôi tự ứng tuyển, chứ Đại học H hoàn toàn không tài trợ. Nếu có thì tôi phải bồi hoàn như thế nào, và cách tính của Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học H có đúng hay không?
3/ Tôi có thể lấy lại sổ Bảo hiểm xã hội như thế nào? Theo như quy định thì từ tháng 1/2016, người lao động được phép tự giữ sổ Bảo hiểm xã hội nhưng hiện sổ Bảo hiểm xã hội của tôi lại đang nằm ở Phòng Tổ Chức Hành Chính, Đại học ngoại ngữ - Đại học H. Và có đúng là tôi phải bồi hoàn xong kinh phí mà trường đưa ra thì tôi mới được nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội không?
Trân trọng cám ơn luật sư. Nếu luật sư cần thêm thông tin, xin cứ nhắc, tôi sẽ đính kèm 3 văn bản này ở mail sau.
Luật sư tư vấn:
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động 2012 (Bộ luật lao động năm 2019 mới nhất)
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
- Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của Viên chức;
- Nghị định số 29/2012/NĐ-CP Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
- Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
- Thông tư 15/2012/TT-BNV hướng dẫn việc tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức;
2. Nội dung tư vấn:
1/ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc tôi của Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học H là đúng hay sai? Nếu sai thì phải làm thế nào để hủy quyết định kỷ luật này? Còn nếu quyết định kỷ luật buộc thôi việc này là đúng, thì nó có ảnh hưởng gì đến công việc của tôi ở chỗ làm mới (cơ quan nhà nước hoặc cơ sở tư nhân) trong tương lai không?
Để xác định được quyết định kỷ luật viên chức số .../QĐ-ĐHNN của Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học H là đúng hay sai. Tôi sẽ đi phân tích về nội dung quyết định, cũng như trình tự xử lý kỷ luật.
Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện viên chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, qua thông tin và hồ sơ chị cung cấp, hiệu trưởng Nhà trường đã không ra bất kỳ thông báo nào trước khi tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử lý kỷ luật. Điều này là trái với quy định tại Điều 7 của Nghị định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của Viên chức.
Thứ hai, Theo quyết định xử lý kỷ luật viên chức số .../QĐ-ĐHNN của Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học H. Nêu lên lý do buộc bà P.T thôi việc vì “Tự ý bỏ việc để đi học tại nước ngoài nhưng chưa được sự cho phép của nhà trường”. Nhưng rõ ràng, như thông tin của chị cung cấp, trước khi chị Thương có ý định đi học Tiến sỹ tại Hàn Quốc, thì tháng Tháng 4/2016, chị đã có xin ý kiến lãnh đạo khoa ngôn ngữ & văn hóa Hàn Quốc cùng Hiệu trưởng Đại học H về ý định xin học bổng tiến sỹ tại Hàn Quốc của mình và đã được chấp thuận.
Hơn nữa, nếu như Hiệu trưởng nhà trường không đồng ý, tại sao chị Thương đã đi học từ tháng 9/2016, nhưng khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến trước tháng 5/2017 Nhà trường không có văn bản nào phản đối hay thông báo về việc không cho phép chị Thương đi học và yêu cầu chị phải đến làm việc. Rồi sau đó phải chờ đến 8/5/2017 Hiệu trưởng mới ra quyết định xử lý kỷ luật cho thôi việc. Đây là một điều hoàn toàn bất hợp lý. Để cho rằng chị Thương đi học mà không được sự cho phép của Nhà trường.
Thứ ba, điều 18 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục họp hội đồng kỷ luật. Trong đó có quy định nội dung “Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi tới viên chức có hành vi vi phạm pháp luật.
Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập thì đến lần thứ 03 sau khi gửi giấy triệu tập, nếu viên chức đó vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật”
Tuy nhiên, chị Thương không nhận được văn bản thông báo họp Hội đồng kỷ luật, hơn nữa tại thời điểm đó, chị Thương đang ở nước ngoài, nhà trường hoàn toàn biết việc đó những vẫn tiền hành họp hội đồng xử lý kỷ luật là đã thực hiện sai việc tổ chức họp hội đồng kỷ luật.
Từ sự phân tích trên, có thể thấy quyết định xử lý kỷ luật viên chức số .../QĐ-ĐHNN là sai. Vì vậy, quyết định này không có giá trị.
2/ Tôi có phải bồi hoàn chi phí khi tôi nghỉ việc không? Trong khi các học bổng của tôi đều là nguồn học bổng do tôi tự ứng tuyển, chứ Đại học H hoàn toàn không tài trợ. Nếu có thì tôi phải bồi hoàn như thế nào, và cách tính của Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học H có đúng hay không?
Đối với câu hỏi này, tôi sẽ đi phân tích và làm rõ theo hai vấn đề sau:
Thứ nhất, Như đã phân tích ở mục 1, quyết định xử lý kỷ luật của Nhà trường là không đúng. Vì vậy, việc bồi thường không được đặt ra. Theo quan điểm của tôi, về bản chất chị vẫn đang là Viên chức của Nhà trường. Nếu chị dựa vào đơn xin nghỉ việc để nói rằng mình đã xin nghỉ việc thì sẽ bất lợi cho chị. Vì đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đúng pháp luật phải đảm bảo được quy định tại Điều 29 Luật Viên chức. Nếu đơn của chị không đảm bảo các điều kiện theo quy định thì sẽ được coi là đơn phương chấm dứt trái pháp luật. Nên khi đưa ra phân tích việc chấm dứt hợp đồng của chị tôi đã không phân tích đến nó.
Hiện tại, chị nên cân nhắc để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc với Nhà trường. Hoặc nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đàm bảo thực hiện đúng theo điều 29 Luật viên chức 2010.
“4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.”
Do vậy, chị nên làm việc và thỏa thuận với Nhà trường để hai bên tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, quyền và lợi ích của hai bên đều được đảm bảo. Trong trường hợp, Nhà trường không đồng ý mà vẫn yêu cầu bạn bồi thường bạn có thể khởi kiện về quyết định xử lý kỷ luật của Nhà trường.
Thứ hai, như thông tin chị cung cấp việc đi học từ nguồn học bổng chị tự tìm, chứ không phải là nguồn tài trợ phụ thuộc vào Đại học H. giữa chị và Nhà trường cũng không có văn bản cam kết về bồi thường chi phí đào tạo. Vì vậy, nhà trường không có cơ sở để yêu cầu chị bồi thường kinh phí đào tạo.
3/ Tôi có thể lấy lại sổ Bảo hiểm xã hội như thế nào? Theo như quy định thì từ tháng 1/2016, người lao động được phép tự giữ sổ Bảo hiểm xã hội nhưng hiện sổ Bảo hiểm xã hội của tôi lại đang nằm ở Phòng Tổ Chức Hành Chính, Đại học ngoại ngữ - Đại học H. Và có đúng là tôi phải bồi hoàn xong kinh phí mà trường đưa ra thì tôi mới được nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ Khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Mặt khác căn cứ Khoản 3 Điều 47 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
Căn cứ quy định của pháp luật thì trường hợp bạn nếu bạn chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà công ty không trả sổ BHXH cho bạn là trái với quy định của pháp luật.
Điều 15, Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động như sau:
“Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.
- Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết”.
Như vậy, chị có thể liên hệ với nhà trường để yêu cầu trả sổ BHXH theo quy định của pháp luật (mặc dù chị không bồi hoàn kinh phí cho nhà trường). Trong trường hợp nhà trường không trả sổ BHXH, chị có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu Nhà trường giải quyết. Nếu Nhà trường vẫn không giải quyết chị có thể gửi đơn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được can thiệp giải quyết.
Ngoài ra, căn cứ Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền của tòa án thì trong trường hợp này chị cũng có thể trực tiếp khởi kiện ra Tòa án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Kỷ luật viên chức”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn!
Bộ phận tư vấn Pháp luật Lao động - Công ty Luật TNHH Minh Khuê