Mục lục bài viết
1. Giới thiệu tác giả
Sách Chỉ dẫn áp dụng Luật thi hành án hình sự năm 2019 do ThS. Quách Dương và ThS. Ngô Thu Trang biên soạn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Sách Chỉ dẫn áp dụng Luật thi hành án hình sự năm 2019
Tác giả: ThS. Quách Dương và ThS. Ngô Thu Trang
Nhà xuất bản Thanh Niên
3. Tổng quan nội dung sách
Ngày 14 tháng 6 năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự. Ngày 28 tháng 6 năm 2019, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký lệnh công bố và Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Luật Thi hành án hình sự góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
Với mục đích tuyên truyền, phổ biến và áp dụng luật, Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản cuốn sách “Chỉ dẫn áp dụng Luật Thi hành án hình sự năm 2019”.
Nội dung chính là chỉ dẫn áp dụng Luật thi hành án hình sự do đó bố cục cuốn sách tương ứng với bố cục Chương, mục của Luật thi hành án hình sự. Cụ thể như sau:
Chương 1. Những quy định chung
Chương 2. Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự
Chương 3. Thi hành án phạt tù
Chương 4. Thi hành án tử hình
Chương 5. Thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ
Chương 6. Thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế
Chương 7. Thi hành án phạt trục xuất
Chương 8. Thi hành án phạt tước một số quyền công dân
Chương 9. Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Chương 10. Thi hành biện pháp tư pháp
Chương 11. Thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Chương 12. Kiểm sát thi hành án hình sự
Chương 13. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động thi hành án hình sự
Chương 14. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự
Chương 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong quản lý công tác thi hành án hình sự
Chương 16. Điều khoản thi hành.
Dưới đây là trích dẫn nội dung trình bày trong cuốn sách để bạn đọc dễ hình dung:
Tác giả chỉ dẫn áp dụng Điều 50 Luật thi hành án hình sự 2019 như sau:
Điều 50. Chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân
1. Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án.
Mỗi phân trại của trại giam có thư viện, khu vui chơi, sân thể thao, được trang bị một hệ thống truyền thanh nội bộ, mỗi buồng giam tập thể được trang bị 01 ti vi.
2. Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của phạm nhân được thực hiện theo nội quy trại giam.
3. Phạm nhân theo tôn giáo được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Xem:
I. Điều 6 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016:
Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này.
II. Điều 4 Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo:
Điều 4. Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Luật
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là người bị quản lý, giam giữ) được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và được thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là cơ sở quản lý, giam giữ).
2. Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ không được làm ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác và không trái với quy định của pháp luật có liên quan.
3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cách thức quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ.
Đối với Điều 53 Luật thi hành án hình sự được các tác giả chỉ dẫn áp dụng như sau:
Điều 53. Thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự
1. Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có yêu cầu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân mang quốc tịch nước mình đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam phải gửi văn bản đề nghị đến Bộ Ngoại giao. Nội dung văn bản đề nghị bao gồm:
a) Tên cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự gửi văn bản;
b) Họ, tên, quốc tịch phạm nhân cần thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
c) Trại giam nơi phạm nhân đang chấp hành án;
d) Họ, tên, chức vụ của những người đến thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
đ) Họ, tên người phiên dịch.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý thi hành án hình sự có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài đã đề nghị liên hệ với cơ quan quản lý thi hành án hình sự có thẩm quyền cấp giấy giới thiệu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.
Xem: Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BCA-BQP-BNG ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao hướng dẫn việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân là người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, từ chung thân và người nước ngoài bị kết án tử hình như sau:
Sau đó trình bày toàn bộ Chương 2 và chương 3 của Thông tư này phía dưới:
Điều 4. Thông báo việc phạm nhân đến chấp hành án phạt tù
1. Trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phạm nhân là người nước ngoài đến trại giam chấp hành án phạt tù hoặc kể từ ngày người nước ngoài phạm tội bị kết án tử hình, giám thị trại giam, trại tạm giam phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao và báo cáo cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng biết.
2. Nội dung thông báo gồm: họ và tên của phạm nhân; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; quốc tịch; bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu; tội danh, ngày bắt, án phạt, án phí, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác (nếu có) và Tòa án đã kết án; ngày đến trại giam, nơi thi hành án; tình trạng sức khỏe khi vào trại giam; các thông tin liên quan khác (nếu có).
3. Cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước có phạm nhân mang quốc tịch để xác nhận quốc tịch của họ.
4. Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của trại giam, cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng kết quả việc xác minh quốc tịch của phạm nhân.
...................
4. Đánh giá bạn đọc
Nội dung sách được biên soạn theo phương pháp chỉ dẫn chi tiết từng điều luật của Luật thi hành án hình sự đến các quy định liên quan tại các bộ luật và luật khác cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành với mục đích tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn bạn đọc tra cứu áp dụng văn bản quy phạm pháp luật một cách dễ dàng và hiệu quả.
Với mục đích như vậy, cuốn sách đã được tác giả biên soạn chỉ dẫn áp dụng một cách toàn diện các quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2019. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho những cá nhân quan tâm, nghiên cứu và tìm hiểu quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2019.
Bằng tâm huyết và sự đầu tư thời gian, công sức, các tác giả đã hệ thống nên cuốn sách "Chỉ dẫn áp dụng Luật thi hành án hình sự năm 2019" giúp bạn đọc dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện tìm ra, nắm bắt và áp dụng đúng quy định của Luật thi hành án hính sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thông tin thêm:
- Sách Chỉ dẫn áp dụng luật thi hành án hình sự năm 2019 (ThS. Quách Dương và ThS. Ngô Thu Trang) có giá bìa là 360.000 đồng.
- Sách Chỉ dẫn áp dụng luật thi hành án hình sự năm 2019 (ThS. Quách Dương và ThS. Ngô Thu Trang) xuất bản năm 2019.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!
Nếu bạn có khó khăn trong việc tra cứu hiệu lực văn bản hay quy định pháp luật trong lĩnh vực nào đó, hãy liên hệ tổng đài 1900.6162 của Luật Minh Khuê, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng nhất giúp bạn!