1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách "Hướng dẫn chẩn đoán điều trị, cách ly y tế, giám sát phòng, chống dịch bệnh và một số bệnh thường gặp tại các cơ quan đơn vị, trường học, gia đình và cộng đồng" do tác giả Vũ Đình Quyên hệ thống.

 

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Hướng dẫn chẩn đoán điều trị, cách ly y tế, giám sát phòng, chống dịch bệnh và một số bệnh thường gặp tại các cơ quan đơn vị, trường học, gia đình và cộng đồng

Hướng dẫn chẩn đoán điều trị, cách ly y tế, giám sát phòng, chống dịch bệnh và một số bệnh thường gặp tại các cơ quan đơn vị, trường học, gia đình và cộng đồng

Tác giả: Vũ Đình Quyên

Nhà xuất bản Hồng Đức

 

3. Tổng quan nội dung sách

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các y bác sĩ, cán bộ làm công tác y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trong việc nắm bắt và vận dụng những hướng dẫn chuyên môn về công tác chẩn đoán, điều trị và giám sát, phòng chống chống dịch bệnh và một số bệnh thường gặp theo tài liệu của Bộ Y tế, Nhà xuất bản Hồng Đức cho xuất bản và phát hành quyển sách: Hướng dẫn chẩn đoán điều trị, cách ly y tế, giám sát phòng, chống dịch bệnh và một số bệnh thường gặp tại các cơ quan đơn vị, trường học, gia đình và cộng đồng.

Cuốn sách được hệ thống gồm các nội dung chính như sau:

Phần I: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cách ly y tế, giám sát và phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh theo các tài liệu đã được Bộ Y tế ban hành, gồm: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, hướng dẫn tạm thời giám sát, viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virut Corona mới (2019-nCoV), phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh đề phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Phần II: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị một số bệnh thường gặp theo các tài liệu đã được Bộ Y tế ban hành, gồm: Bệnh hen trẻ em dưới 5 tuổi; bệnh viêm gan vi rút B; bệnh viêm gan vi rút C; bệnh Whitmore; bệnh sốt rét; bệnh do vi rút Zika.

Phần III: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo tài liệu chuyên môn đã được Bộ Y tế ban hành, gồm: Tăng huyết áp; đái tháo đường; lồng ghép tăng huyết áp và đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hen phế quản ở người lớn.

Phần IV: Hướng dẫn giám sát và phòng, chống một số bệnh thường gặp theo các tài liệu đã được Bộ Y tế ban hành, gồm: Bệnh cúm A(H7N9); bệnh sốt rét; bệnh do vi rút Zika; bệnh xoắn khuẩn vàng da trên người.

Phần V: Hướng dẫn thí điểm hoạt động y học gia đình, theo Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

4. Đánh giá bạn đọc

Tác giả đã hệ thống trong cuốn sách nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ y tế trong phòng, chống, điều trị, cách ly y tế đối với nhiều bệnh dịch không chỉ riêng Covid-19. Cuốn sách được xuất bản năm 2020, thời điểm dịch bệnh covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, do đó, góp phần tuyên truyền và phổ biến những hướng dẫn của Bộ y tế một cách nhanh chóng và chính xác.

Cuốn sách là tài liệu phục vụ trong công tác tuyên truyền tại các đơn vị khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân, đồng thời là tài liệu cho những ai có nhu cầu chủ động tìm hiểu hướng dẫn của Bộ y tế trong phòng chống bệnh dịch.

 

5. Kết luận

Bệnh dịch thường lây lan nhanh và diễn biến khó lường trong cộng đồng, do đó, ngay khi phát hiện, mỗi người cần chủ động trong việc tự chăm sóc, tự phòng ngừa là quan trọng. Tiếp đó là sự triển khai của lực lượng y tế, đội ngũ y bác sỹ. Do đó, trang bị những kiến thức căn bản, những hướng dẫn của Bộ y tế trong điều trị, cách ly, giám sát phòng, chống dịch bệnh là điều vô cùng cần thiết trong xã hội ngày nay.

Nội dung cuốn sách "Hướng dẫn chẩn đoán điều trị, cách ly y tế, giám sát phòng, chống dịch bệnh và một số bệnh thường gặp tại các cơ quan đơn vị, trường học, gia đình và cộng đồng" có giá trị thực tiễn.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Hướng dẫn chẩn đoán điều trị, cách ly y tế, giám sát phòng, chống dịch bệnh và một số bệnh thường gặp tại các cơ quan đơn vị, trường học, gia đình và cộng đồng".

Dưới đây là một số biện pháp phòng, chống và xử lý ổ dịch bệnh cúm A (H7N9) tại  Quyết định số 1482/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế để bạn đọc tham khảo:

Dịch bệnh cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3 năm 2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Gia cầm nhiễm vi rút không có biểu hiện bệnh nhưng có khả năng lây bệnh cho người. Phương thức lây truyền chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên hầu hết người mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm và môi trường bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9), đến nay chưa có bằng chứng về việc lây truyền từ người sang người. Người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Bệnh diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao khoảng 40%. Từ năm 2013 đến đầu tháng 4 năm 2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 5 đợt dịch, chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm với tổng số 1.378 trường hợp mắc, 501 trường hợp tử vong. Ngoài ra đã ghi nhận 1 trường hợp là người Malaysia và 2 trường hợp người Canada mắc bệnh sau khi đi về từ vùng có dịch của Trung Quốc.

Ngày 25/02/2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo có sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao đối với gia cầm; tuy nhiên trên thực tế chưa ghi nhận gia cầm nhiễm vi rút có biểu hiện bệnh. Bên cạnh đó cũng đã có bằng chứng thay đổi về gen của vi rút cúm A(H7N9) liên quan đến giảm nhạy cảm với thuốc kháng vi rút, tuy nhiên WHO chưa đưa ra khuyến cáo về thay đổi hướng dẫn điều trị.

Biện pháp phòng bệnh

1. Biện pháp phòng bệnh chung

- Tuyên truyền cho người dân về bệnh cúm A(H7N9) và các biện pháp phòng bệnh.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt mũi, miệng.

- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống chín, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc gia cầm có nguồn gốc từ các khu vực có xác định nhiễm vi rút cúm A(H7N9).

- Tại khu vực ổ dịch: Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm, sản phẩm gia cầm và môi trường nhiễm bẩn bởi chất thải gia cầm. Trong trường hợp phải tiếp xúc, cần phải sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân, đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

- Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế, ... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

- Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

- Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người.

2. Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu

Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh này.

3. Kiểm dịch y tế biên giới

Thực hiện quy trình kiểm dịch y tế đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Thông tư số 46/2014/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế.

4. Chuẩn bị vật tư, hóa chất dự phòng khi dịch xảy ra.

Xử lý ổ dịch

1. Triển khai các biện pháp phòng bệnh chung (mục 1, phần III).

2. Thực hiện thêm các biện pháp sau:

2.1. Đối với người bệnh

- Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về cách ly, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A. Thời gian cách ly đến khi người bệnh được xuất viện (thường sau khi hết sốt 3-5 ngày).

- Sử dụng khẩu trang y tế cho người bệnh để hạn chế lây truyền bệnh.

- Điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H7N9) ở người ban hành kèm theo Quyết định số 1176/QĐ-BYT ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2.2. Đối với với nhân viên y tế và người tiếp xúc gần

- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh.

- Sau khi tiếp xúc với người bệnh, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần nên hạn chế tiếp xúc với người khác và hạn chế đến nơi tụ họp đông người để tránh lây bệnh cho người khác.

- Đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo ... trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh. Thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi ho, hắt hơi; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.

- Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nếu có xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở ... cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

2.3. Đối với khu vực ổ dịch

2.3.1. Xử lý môi trường

- Thường xuyên lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường (xà phòng, các chất khử khuẩn gia dụng).

- Phun dung dịch khử trùng có chứa Clo nồng độ 0,5% Clo hoạt tính tại các địa điểm có liên quan dịch tễ càng sớm càng tốt 2-3 lần cách nhau 2-3 ngày. Địa điểm khử trùng (lau rửa, phun):

+ Khu vực nhà người bệnh, bao gồm khu vực chuồng trại và nơi chăn thả gia cầm.

+ Các gia đình tiếp giáp nhà người bệnh, gia đình có gia cầm ốm, chết.

+ Tại phòng khám bệnh, nơi điều trị người bệnh.

- Rác thải, chất thải của người bệnh cần được thu gom đúng cách và xử lý bằng dung dịch khử trùng có chứa Clo nồng độ 0,5% Clo hoạt tính.

2.3.2. Khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển

- Nhân viên vận chuyển người bệnh phải được trang bị phòng hộ chống lây nhiễm theo quy định.

- Các phương tiện sau khi vận chuyển người bệnh phải được xử lý bằng các dung dịch khử trùng có chứa Clo nồng độ 0,5% Clo hoạt tính.

2.3.3. Xử lý người bệnh tử vong

Nếu người bệnh tử vong phải xử lý tử thi theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

2.3.4. Xử lý gia cầm, chợ gia cầm

Đối với gia cầm, chợ buôn bán, cơ sở giết mổ gia cầm, trại chăn nuôi gia cầm tại khu vực ổ dịch được xử lý theo quy định của cơ quan thú y.

2.4. Tuyên truyền phòng chống dịch

- Tăng cường giáo dục, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bản chất, đặc điểm của bệnh dịch cúm A(H7N9), những cách nhận biết, khai báo bệnh, cách phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng.

- Nội dung tuyên truyền giáo dục nên ngắn gọn, tập trung vào những điểm cần ghi nhớ và cần làm cho từng loại đối tượng, tránh gây hoang mang cho nhân dân.

- Nội dung tuyên truyền cần thống nhất dựa trên cơ sở tài liệu hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

2.5. Đối với ổ dịch tại trường học, xí nghiệp, công sở

- Thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch như trên.

- Biện pháp đóng cửa trường học, xí nghiệp, công sở ... do cơ quan có thẩm quyền quyết định dựa trên cơ sở tình hình dịch cụ thể của từng nơi có cân nhắc tính hiệu quả làm giảm lây truyền bệnh tại cộng đồng và các ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế.