Mục lục bài viết
1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách "Sổ tay cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Ứng dụng những bài thuốc chữa bệnh thường gặp trong dân gian" do tác giả Diệu Tuệ biên soạn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Sổ tay cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Ứng dụng những bài thuốc chữa bệnh thường gặp trong dân gian
Tác giả: Diệu Tuệ
Nhà xuất bản Thế Giới
3. Tổng quan nội dung sách
Sự phong phú đa dạng và độc đáo của nền y học cổ truyền Việt Nam thể hiện trên hai phương diện:
Một là, y học dân gian, là toàn bộ những kinh nghiệm phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe có tính tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động, của các lương y, ở khắp các vùng miền trên cả nước từ xưa đến nay;
Hai là, y học cổ truyền thành văn nghiên cứu hệ thống với những cứ liệu lịch sử và trước tác đồ sộ. Lịch sử y học cổ truyền chính thống Việt Nam ghi nhận nhiều danh y với những tác phẩm nổi tiếng như: Nguyễn Chí Thành (hiệu Minh Không, thế kỷ XII, triều Lý) - Nam dược thần hiệu (trong đó có nói tới 579 - 630 loài cây làm thuốc); Nguyễn Bá Tĩnh (hiệu Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV, triều Trần) - Hồng nghĩa giác tư y thư; thời Lý Thái Tổ (1429), Phan Phù Tiên xuất bản cuốn Bản thảo thực vật toàn yếu; thế kỷ XVI, Lê Quý Đôn trong bộ Vân đài loại ngữ (1417) đã sơ bộ phân loại thực vật. Sau Lê Quý Đôn, Nguyễn Trữ đã đi sâu hơn về cây thuốc trong cuốn Việt Nam thực vật học, Lê Hữu Trác (tức Hải Thượng Lãn Ông, thế kỷ XVIII, triều Lê) - Hải thượng y tông tâm lĩnh… ở thời kì Trung đại, và sự tiếp bước nghiên cứu của các nhà khoa học, lương y trong thời hiện đại với nhiều công trình nghiên cứu đặc sắc, có giá trị to lớn và trường tồn.
Việt Nam là một trong nhiều nước có truyền thống về việc dùng cây cỏ để chữa bệnh và phòng bệnh. Nền y học cổ truyền Việt Nam phong phú đa dạng và vô cùng độc đáo, nhờ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, sự tiếp thu tinh hoa phòng và chữa bệnh của nền y học cổ truyền phương Đông mà cộng đồng người Việt đã xây dựng ra các phương pháp chẩn đoán, điều trị để vận dụng trong việc khám, chữa bệnh cũng như phòng bệnh phù hợp.
Nhưng quan trọng nhất chính là sự đa dạng về sắc tộc cùng sự khác biệt về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, phong tục tập quán, văn hóa trong từng cộng đồng dân tộc khác nhau đã tạo nên sự đa dạng những kinh nghiệm gia truyền trong việc chữa bệnh và cách sử dụng cây cỏ xung quanh mình làm thuốc chữa bệnh.
Trên cơ sở những thông tin, bài viết và những nguồn tư liệu khác nhau được lưu truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Nhà xuất bản Thế giới xuất bản cuốn sách: Sổ tay cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Ứng dụng những bài thuốc chữa bệnh thường gặp trong dân gian.
4. Đánh giá bạn đọc
Nội dung cuốn sách cung cấp cho độc giả và những người đang học, người làm chuyên môn nắm vững trong việc phòng và chữa bệnh bằng cây thuốc nam.
Những bài thuốc quí từ những cây thuốc nam thông dụng được trình bày trong sách, đưa chi tiết từng loại cây thuốc và hình ảnh kèm theo cùng với sự giảng giải rõ ràng, giúp cho bạn đọc dễ tra cứu và áp dụng.
Quyển sách Sổ tay cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Ứng dụng những bài thuốc chữa bệnh thường gặp trong dân gian là một cẩm nang quí giá cho những bạn đọc quan tâm đến lợi ích của cây thuốc nam.
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Sổ tay cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Ứng dụng những bài thuốc chữa bệnh thường gặp trong dân gian".
Luật Minh Khuê chia sẻ dưới đây một số bài thuốc dân gian từ cây thuốc thường gặp để bạn đọc tham khảo:
Một số bài thuốc nam thường dùng để dự phòng, nâng cao thể trạng giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh viêm đường hô hấp do vi rút gây ra
1. Bài thuốc trị triệu chứng cảm cúm gây sốt cao, sốt nóng, sốt rét, nghẹt mũi, ho, chảy nước mũi trong
- Gừng sống thái lát 25g
- Tỏi bóc vỏ đập dập để ngoài không khí 5-10 phút 30g
- Hành ta cả rễ 15g
- Đường đỏ 15g
Cách dùng: Tất cả đem sắc nhỏ lửa 15 - 20 phút, uống ấm ngày một thang.
2. Bài thuốc chữa cảm sốt 1: Bệnh nhân sốt nhẹ, ho, sợ gió, sợ lạnh
- Kinh giới 20g
- Cối xay 20g
- Bạc hà 40g
- Tía tô 20g
- Lá tre 20g
Cách dùng: Làm sạch, cắt nhỏ, đun trong vòng 10 phút chia làm nhiều lần uống trong ngày./.
3. Bài thuốc chữa cảm sốt 2: Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, ho, vã mồ hôi…
- Bạc hà 8g
- Kim ngân hoa 15g
- Cam thảo nam 15g
- Lá tre 25g
- Kinh giới 15g
- Tía tô 20g
- Cúc hoa 05g
- Bạc hà 20g
Cách dùng: Làm sạch, cắt nhỏ, đun trong vòng 10 phút chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Ngoài ra, có thể dùng canh gừng, cháo nóng tía tô; cháo hành nóng, xông nước tỏi, ăn tỏi…Người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống nhiều năng lượng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, nước quả tươi giúp tăng cường vitamin sẽ tăng sức đề kháng, giảm khô họng. Súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi giúp thông mũi là phương pháp đơn giản, hiệu quả trong điều trị cảm cúm.
Địa liền
Tên khác: Sơn nại, tam nại, thiền liền, sa khương
Tên khoa học: Kaempferia galanga L.
Họ: Gừng (Zingiberaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Kaempferiae) thái lát, phơi sấy khô, lá.
Công năng, chủ trị: Ôn trung, tán hàn, trừ thấp, tiêu thực. Chữa ngực bụng lạnh đau, tiêu chảy, ăn uống khó tiêu, đau dạ dày, nôn mửa, đau nhức xương khớp.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 4 - 8g, sắc uống. Dùng ngoài ngâm rượu để xoa bóp.
Đinh lăng
Tên khác: Cây gỏi cá, nam dương sâm
Tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms
Họ: Nhân sâm (Araliaceae)
Bộ phận dùng: Rễ, thân, cành, lá.
Công năng, chủ trị: Bổ khí, tiêu thực, lợi sữa, tiêu viêm, giải độc. Rễ Đinh lăng chữa suy nhược cơ thể, gầy yếu, mệt mỏi, ngủ ít, tiêu hóa kém, phụ nữ sau đẻ ít sữa. Lá chữa cảm sốt, mụn nhọt, giã đắp sưng tấy, sưng vú. Thân, cành chữa thấp khớp, đau lưng.
Liều lượng, cách dùng:
Rễ: Ngày dùng 3 - 6g, hãm, hoặc đun sôi trong 15 phút, chia 2 - 3 lần uống;
Lá tươi: ngày dùng 30 - 50g, giã đắp;
Thân, cành: ngày dùng 30 - 50g, sắc uống.
Dừa cạn
Tên khác: Hải Đằng, Dương giác, trường xuân hoa
Tên khoa học: Catharanthus roseus (L.) G. Don
Họ: Trúc đào (Apocynaceae).
Bộ phận dùng: Thân, lá, rễ
Công năng, chủ trị: Hoạt huyết, bình can, tiêu thũng, giải độc, an thần. Chữa tăng huyết áp, kinh nguyệt không đều, lỵ, bí tiểu.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 12g, sắc uống.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không được dùng.
Cây lá Gai
Tên khác: Gai làm bánh, gai tuyết, trư ma.
Tên khoa học: Boehmeria nivea (L.) Gaudich.
Họ: Gai (Urticaceae)
Bộ phận dùng: Rễ, lá
Công năng, chủ trị: Rễ có tác dụng chỉ huyết, an thai, thanh nhiệt, giải độc. Chữa động thai, chảy máu dọa sẩy, đái đục, đái ra máu. Lá có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, dùng trị chảy máu, làm lành vết thương.
Liều lượng, cách dùng: Rễ: Ngày dùng 6 - 20g (tươi) hay 8 - 12g (khô), đun sôi với 400ml nước đến khi còn lại 100 ml, uống 1 lần trong ngày. Lá: dùng ngoài lượng vừa đủ, giã đắp vào vết thương.
Gừng
Tên khác: Khương
Tên khoa học: Zingiber officinale Rosc.
Họ: Gừng (Zingiberaceae)
Bộ phận dùng: Thân rễ (củ)
Công năng, chủ trị: Gừng khô (Can khương) Ôn trung, trục hàn, hồi dương, thông mạch. Gừng tươi chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, bụng đầy trướng, kích thích tiêu hóa, sát trùng, hành thủy, giải độc ngứa do bán hạ, cua, cá. Bào khương chữa đau bụng, lạnh bụng, đi ngoài. Gừng khô và tiêu khương (gừng nướng) chữa đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyễn và thấp khớp. Thán khương thường dùng chỉ huyết.
Liều lượng, cách dùng: Gừng tươi, Bào khương: Ngày dùng 4 - 8g, sắc uống; Gừng khô và Tiêu khương: Ngày dùng 4 - 20g, dùng dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán; Thán khương: Ngày dùng 4 - 8g, sắc uống.
Húng chanh
Tên khác: Dương tử tô, Rau thơm lông.
Tên khoa học: Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.
Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
Bộ phận dùng: Lá tươi hoặc dùng phần trên mặt đất cất lấy tinh dầu.
Công năng, chủ trị: Ổn phế, trừ đàm, tân ôn giải biểu, giải độc. Chữa cảm cúm, sốt nóng về chiều, chữa ho, viêm họng, khản tiếng, chữa thổ huyết, chảy máu cam, táo bón. Dùng ngoài giã đắp lên những vết do rết và bọ cạp cắn.
Khổ sâm cho lá
Tên khác: Khổ sâm Bắc bộ, cù đèn, co chạy đón (Thái)
Tên khoa học: Croton tonkinensis Gagnep.
Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Bộ phận dùng: Lá và cành thu hái khi cây đang có hoa, phơi khô.
Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Chữa viêm loét dạ dày, tiêu hóa kém, mụn nhọt, lở loét ngoài da, viêm mũi.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 - 20g, sắc uống. Dùng ngoài lấy nước sắc để rửa, chữa mụn nhọt, lở ngứa.
Kim Tiền thảo
Tên khác: Đồng tiền lông, mắt trâu, vảy rồng
Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osbeck) Merr.
Họ: Đậu (Fabaceae)
Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất
Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu, thông lâm. Chữa sỏi đường tiết niệu, đái buốt, viêm gan vàng da, phù thũng.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 - 30g, sắc uống.
Kinh giới
Tên khác: Khương giới, giả tô, nhả nát hom (Thái)
Tên khoa học: Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.
Họ: Bạc hà (Lamiaceae)
Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất (ngọn mang hoa)
Công năng, chủ trị: Giải biểu, khu phong, chỉ ngứa. Chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, ngứa, phong trúng kinh lạc.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g (dạng khô), sắc hoặc hãm uống. Khi sao đen được dùng chữa băng huyết, rong kinh, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu, ngày dùng: 6 - 12g, sắc hoặc hãm uống.
Lá Lốt
Tên khác: Tất bát
Tên khoa học: Piper lolot C. DC.
Họ: Hồ tiêu (Piperaceae)
Bộ phận dùng: Dùng toàn cây
Công năng, chủ trị: Ôn trung, tán hàn, hạ khí, chỉ thống, trừ phong thấp, kiện vị, tiêu thực, chỉ ẩu. Chữa chứng phong thấp, thấp khớp mạn, đau lưng, đau khớp, đau nhức xương, tay chân tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy, đau đầu, đau nhức răng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi chân tay.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 12g (khô) hay 15 - 30g (tươi), sắc uống, chia 2 -3 lần.
Mã đề
Tên khác: Xa tiền, bông mã đề
Tên khoa học: Plantago major L.
Họ: Mã đề (Plantaginaceae)
Bộ phận dùng: lá, hạt
Công năng, chủ trị: Thanh thấp nhiệt, lợi tiểu, thông lâm, chỉ huyết. Chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, đau dạ dầy, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu hoặc ra sỏi tiết niệu, phù thũng, chảy máu cam. Dùng ngoài lá mã đề có tác dụng làm mụn nhọt chóng vỡ, mau lành.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 10 - 20g (toàn cây) hay 6 - 12g (hạt), sắc uống. Dùng ngoài lấy lá mã đề lượng vừa đủ, giã nát đắp vào nơi có mụn.
Nhót
Tên khác: Cây lót, hồi đồi tử
Tên khoa học: Elaeagnus latifolia L.
Họ: Nhót Eleaegnceae.
Bộ phận dùng: Lá, quả, rễ
Công năng, chủ trị: Chỉ khát, bình suyễn, chỉ tả. Chữa hen suyễn, lỵ trực khuẩn và tiêu chảy.
Liều lượng, cách dùng: Lá tươi 20 - 30g hoặc lá khô 6 - 12g, thái nhỏ sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày. Rễ nấu nước tắm mụn nhọt.
................