1. Giới thiệu chung

Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật này được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử. Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm:

  • Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
  • Thẩm phán cao cấp;
  • Thẩm phán trung cấp;
  • Thẩm phán sơ cấp.

Hội thẩm Tòa án nhân dân gồm có: Hội thẩm nhân dân; Hội thẩm quân nhân.

  • Hội thẩm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.
  • Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Hội thẩm được dự toán trong kinh phí hoạt động của Tòa án, có sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo quy định của luật.
  • Hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân tại ngũ, công nhân quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị.
  • Hội thẩm được tôn vinh và khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
  • Hội thẩm được hưởng phụ cấp xét xử, được cấp trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm để làm nhiệm vụ xét xử.
  • Chế độ phụ cấp xét xử, mẫu trang phục, cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Thư ký Tòa án là người có trình độ cử nhân luật trở lên được Tòa án tuyển dụng, được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án. Thư ký Tòa án có các ngạch:

  • Thư ký viên;
  • Thư ký viên chính;
  • Thư ký viên cao cấp.

Tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.

 

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán

Thẩm phán là người tiến hành tố tụng, là người thực hiện hoạt động xét xử của Tòa án. BLHS năm 2015 quy định cụ thể và rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thầm phán trong tố tụng hình sự, trong đó tiếp tục quan điểm lập pháp của BLTTHS năm 2003 với sự phân định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án và Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.

- Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Thẩm phán có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; Tiến hành xét xử vụ án; Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Điều luật này quy định “tiến hành xét xử” thay cho “tham gia xét xử” khẳng định vai trò tích cực, chủ động hơn của Thẩm phán và đúng với logic thẩm quyền của người tiến hành tố tụng với hoạt động xét xử là hoạt động tố tụng do Thẩm phán tiến hành.

- Khi được phân công là chủ tọa phiên tòa, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn như đối với các Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự trên, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa còn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa; Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản; Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

- Thảm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Khác với Điều tra viên và Kiểm sát viên, ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật còn phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng CQĐT và Viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án khi tiến hành giải quyết, xét xử vụ án, điều này xuất phát từ nguyên tắc Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

 

3. Quy định về thẩm quyền của Thẩm phán trong BLTTHS 2015 khác gì so với BLTTHS 2003?

Nhằm tạo điều kiện cho Thẩm phán thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cảu mình, so với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa cũng như bổ sung thêm nhiều quyền mới cho Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa như:

+ Cụ thể hóa phạm vi biện pháp ngăn chặn được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ: đó là tất cả các biện pháp ngăn chặn trừ biện pháp tạm giam;

+ Bổ sung quy định đặc trưng nhất, điển hình nhất của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa mà BLTTHS năm 2003 chưa quy định: đó là điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;

+ Bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực hiện nghiêm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người giám định tài sản;

+ Bổ sung thẩm quyền yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật.

 

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm

Việc nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án được thể hiện tập trung nhất thông qua chế định về Hội thẩm nhân dân. Đây là một chế định được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013).

Bản thân chế định Hội thẩm là sự thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 103) và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 8, 9) thì việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy, thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và địa vị pháp lý của Hội thẩm khi xét xử độc lập với Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc hiến định.

Các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều ghi nhận nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và Hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng.

Theo Điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Hội thẩm nhân dân có trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn sau:

Hội thẩm được phân công xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn: Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; Tiến hành xét xử vụ án; Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Về số lượng Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử, pháp luật tố tụng quy định thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm: 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm; trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì Hội đồng xét xử có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm. Về nguyên tắc xét xử, Điều 10 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số…”.

Với các quy định nêu trên thì Hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử, vì khi tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, Hội thẩm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử (2/3 hoặc 3/5) và khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Như vậy, khi xét xử nếu ý kiến biểu quyết của các Hội thẩm là giống nhau và khác với ý kiến của Thẩm phán thì quyết định của Hội đồng xét xử phải theo ý kiến của các Hội Thẩm (đa số), mặc dù là người xét xử có tính chất chuyên nghiệp thì Thẩm phán cũng chỉ có quyền bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị Tòa án cấp trên xem xét.

 

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án

Thư ký Tòa án là một trong những người tiến hành tố tụng. Thực hiện công vụ tại Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo sự phân công của Chánh án hoặc Chánh tòa.

Tuy nhiên, trong thực tế tổ chức và hoạt động của các Tòa án cấp giám đốc thẩm thì chức năng nhiệm vụ của Thư ký Tòa án do các Thẩm tra viên thực hiện với một số phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định riêng cho Thẩm tra viên.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể những nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự. Thư ký Tòa án làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Thư ký Tòa án là người thực hiện các công việc liên quan đến hỗ trợ điều hành phiên tòa xét xử, hỗ trợ các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Theo đó thì Thư ký Tòa án được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ quyền hạn như: Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do; Phổ biến nội quy phiên tòa; Báo cáo Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa và những người vắng mặt; Ghi biên bản phiên tòa; Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thư ký Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về những hành vi cùa mình.

Các điều 46, 47 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền hạn trách nhiệm của Hội thẩm, Thư ký Tòa án về cơ bản không có thay đổi so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)