>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.6162

 

1. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Hành vi vi phạm nghĩa vụ được hiểu là hành vi của bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm. Khi xảy ra hành vi vi phạm thì buộc người có hành vi vi phạm phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong trường hợp chưa gây ra thiệt hại và tiến hành bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm đó có gây ra thiệt hại.

Tại Điều 292 Luật Thương mại năm 2005 quy định về các loại chế tài trong thương mại gồm có: buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng và các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế. Có thể hiểu rằng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là một trong những chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng,

Theo quy định tại Điều 308 Luật Thương mại năm 2005 về tạm ngừng thực hiện hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

1.1 Trường hợp 1: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng được hình thành, thực hiện dựa trên nguyên tắc thiện chí, tự do thỏa thuận. Do đó, các bên có thể thỏa thuận với nhau về các điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng. 

 

1.2 Trường hợp 2: Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ trong hợp đồng.

Ví dụ: trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì nghĩa vụ của các bên có thể bị vi phạm như:

  • Bên bán: bên bán không giao đúng hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản; bên bán không giao đúng địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng;....
  • Bên mua: bên mua không thực hiện đúng về điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng. Bên mua có thể tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng nếu bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp hay bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối hay bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng (như: hàng hóa bị hư hỏng, có khuyết tật...)

Các bên có quyền ngừng thực hiện nghĩa vụ của mình được quy định trong hợp đồng khi có bằng chứng chứng minh về việc một bên có những hành vi lừa dối, hành vi vi phạm hoặc không có khả năng thực hiện hợp đồng.

Căn cứ vào Điều 354 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hoãn thực hiện nghĩa vụ: 

Điều 354. Hoãn thực hiện nghĩa vụ

"1. Khi không thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.

2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn."

Và tại Điều 315 Luật Thương mại năm 2005 quy định rằng:

Điều 315. Thông báo tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng

"Bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại."

Để tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thì bên muốn tạm ngừng phải thông báo ngay cho bên có quyền biết về việc tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và cần được bên có quyền xác nhận đồng ý. Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện thông báo một cách kịp thời tới bên có quyền về tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà có phát sinh chi phí, thiệt hại thì phải chịu những khoản chi phí, bồi thường đó. 

 

2. Những hậu quả phát sinh khi tạm ngừng thực hiện hợp đồng

  • Thứ nhất, hợp đồng vẫn có hiệu lực khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện và các bên không phải thực hiện hợp đồng trong thời gian tạm ngừng thực hiện hợp đồng (theo khoản 1 Điều 309 Luật Thương mại năm 2005)
  • Thứ hai, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng có thể căn cứ vào Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì các bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Nếu hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì bên nào không đồng ý với việc đối tác tạm ngừng hợp đồng sẽ thông báo không đồng ý cho tạm ngừng hợp đồng và yêu cầu đối tác tiếp tục thực hiện hợp đồng, yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và được bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra. Khi các bên có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì bên vi phạm sẽ bị phạt với mức phạt vi phạm như sau: Đối với mức phạt do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm sẽ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. (Điều 301 Luật Thương mại năm 2005)

Tại Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rằng: Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ sẽ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

  • Thiệt hại về vật chất: là những tổn thất về vật chất thực tế xác định được, bao gồm: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
  • Thiệt hại về tinh thần: là những tổn thất về tinh thần do vi phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Để xác định mức độ tổn thất về tinh thần thì có dựa vào hình thức xâm phạm thông qua lời nói, mạng xã hội, báo chí hay mức độ lan truyền những thông tin mang tính chất xúc phạm làm giảm uy tín;....

Lưu ý rằng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng có gây ra thiệt hại nhưng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm thì không phải thực hiện bồi thường.

Khi thực hiện tạm dừng thực hiện hợp đồng mà có gây ra thiệt hại thì bên vi phạm sẽ tiến hành bồi thường thiệt hại. Nhưng bên vi phạm thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm thì không phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường, phương thức bồi thường là một lần hoặc nhiều lần,....

Theo quy định tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau: xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận, xảy ra sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà cách bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Để xác định mình có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hay không thì bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết "Tạm ngừng thực hiện hợp đồng được thực hiện trong những trường hợp nào?" mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến bạn đọc. Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật Minh Khuê qua số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!