Câu hỏi: Nếu người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người lao động có được nhận tiền lương cho thời gian ngưng việc đó hay không?

Đáp: Căn cứ vào khoản 4 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc. Cụ thể tiền lương ngừng việc được thực hiện như sau:

Một là, nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Hai là, nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Ba là, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, so với Bộ luật Lao động năm 2012 thì đây là quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Lao động năm 2019. Việc bổ sung quy định mới này nhằm bảo đảm được quyền lợi của người lao động khi họ không đồng ý làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá thời gian quy định của pháp luật.

Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp lý về vấn đề này như sau:

1. Người sử dụng lao động có quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không?

Theo quy định của pháp luật lao động, khi ký kết hợp đồng lao động các bên phải tuân thủ theo nội dung hợp đồng đã ký kết. Nếu có sự thay đổi khi thực hiện hợp đồng cần phải có sự đồng ý của các bên. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động thì pháp luật cho phép người sử dụng lao động được thực hiện khác với nội dung của hợp đồng trong đó có việc điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng.

Căn cứ điều 29 của Bộ luật lao động năm 2019 quy định về các trường hợp được điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:

- Một là, người sử dụng lao động có quyền điều chuyển người lao động khi gặp những trường hợp bất khả kháng theo quy định của luật, cụ thể:

+ Theo quy định của pháp luật lao động, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. 

Ngoài ra, người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Theo đó, đối với các sự cố như do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước thì người sử dụng lao động cần phải chứng minh những sự cố và hoàn cảnh đó có ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến công việc và hoạt động của công ty. Đối với nhu cầu sản xuất kinh doanh thì người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp trong trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Như vậy, nếu trong nội quy lao động, người sử dụng lao động không quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất kinh doanh mà theo đó người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động sẽ không được sử dụng căn cứ này để điều chuyển lao động.

+ Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đã quy định tại những nội dung nêu trên, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

+ Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85 % tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Hai là, về thời gian điều chuyển người lao động sang một công việc khác, cụ thể như sau:

Vì việc chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động chỉ mang tính chất tạm thời để giúp người sử dụng lao động tháo gỡ các khó khăn đột xuất gặp phải hoặc để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất kinh doanh nên để không ảnh hưởng lớn đến thu nhập và cuộc sống của người lao động nên theo quy định của pháp luật thời gian được chuyển người lao động sang làm một công việc khác cũng có thời hạn nhất định. Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019, thời gian chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm.

Đối với trường hợp người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác đã đủ 60 ngày làm việc nhưng vẫn muốn sử dụng lao động tiếp với công việc này thì phải có sự đồng ý của người lao động bằng văn bản. Nếu như người lao động không đồng ý phải ngừng việc và người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc cho người lao động.

Ngoài ra, đối với thủ tục và yêu cầu khi chuyển người lao động làm công việc khác thì người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, Trong văn bản thông báo phải nêu rõ thời hạn làm tạm thời bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Như vậy, theo quy định nêu trên, thời hạn tối đa để công ty có thể chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động là 60 ngày (Lưu ý đây là thời gian cộng dồn trong 01 năm). Khi hết thời hạn 60 ngày này thì công ty có thể thỏa thuận với người lao động tiếp tục làm công việc mới. Nếu người lao động không đồng ý thì công ty phải cho người lao động trở lại làm công việc cũ, trường hợp không bố trí được công việc mà công ty phải cho người lao động ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại điều 99 của Bộ luật lao động năm 2019.

- Ba là, quyền làm việc của người lao động theo quy định của pháp luật, cụ thể:

+ Quyền làm việc của người lao động được quy định chung như sau:

  • Người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm;
  • Người lao động được trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.

+ Quyền lợi của người lao động khi làm công việc khác được quy định như sau:

Việc điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động sẽ làm xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống nên người sử dụng lao động cần phải đảm bảo quyền lợi cho nhóm người lao động thuộc đố tượng điều chuyển như sau: Về việc bố trí công việc cho người lao động khi hết hạn điều chuyển, khi hết hạn điều chuyển thì người sử dụng lao động phải sắp xếp cho người lao động với công việc cũ như đã giao kết hợp đồng.

Về tiền lương trong thời gian làm việc mới, xuất phát từ nguyên tắc chung trong việc trả lương đầy đủ và phù hợp với công việc nhưng để đảm bảo tránh thiệt thòi cho người lao động khi làm công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì Bộ luật lao động có quy định tiền lương trong thời gian tạm chuyển công việc phải giữ nguyên mức tiền lương công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc, thời gian còn lại người lao động được hưởng lương theo công việc mới, nhưng ít nhất phải bằng 85 % mức tiền lương công việc cũ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động chỉ có trách nhiệm thực hiện công việc mà hợp đồng đã ký kết, trong trường hợp người lao động không sắp xếp đúng công việc đó thì người lao động có quyền khiếu nại hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trên thực tế trong quá trình kinh doanh sản xuất, đơn vị sử dụng lao động có thể có gặp những khó khăn đột xuất hoặc trong quá trình đó có nhu cầu thay đổi công việc của người lao động sang làm công việc khác thì họ vẫn có quyền tạm thời thuyên chuyển người lao động nếu có căn cứ theo đúng quy định của pháp luật. Trước khi điều chuyển công việc mới, người sử dụng lao động phải thông báo trước cho người lao động, nếu người lao động không đồng ý mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định của pháp luật.

 

2. Quy định điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng mà họ không đồng ý dẫn tới tạm ngừng việc

Theo quy định của pháp luật về lao động, trường hợp người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì: 

  • Người loa động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại điều 99 của Bộ luật lao động năm 2019

Lương ngừng việc được hiểu là một khoản tiền lương người sử dụng lao động trả cho người lao động khi họ không làm việc mà không do lỗi của họ, theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận. Pháp luật có quy định cụ thể về tiền lương ngừng việc như sau:

- Các trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

+ Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

+ Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì mới được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

+ Nếu vì sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, theo quy định trên thì hiện tại Luật chỉ quy định người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc. Mà trường hợp nếu người lao động không đồng ý điều chuyển qua các phòng ban làm việc khác thì hoàn toàn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về ý kiến của mình. Trong trường hợp không thỏa thuận được và xảy ra vấn đề, trước tiên người lao động sẽ khiếu nại lên chính người sử dụng lao động. Sau đó nếu không được giải quyết thì họ có thể báo lên phòng lao động, Sở lao động - thương binh và xã hội hoặc khởi kiện ra tòa.

- Mức lương để trả lương ngừng việc được quy định cụ thể như sau:

Theo điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ của người lao động như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500
Vùng II 4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500
Vùng IV

3.250.000

15.600

Như vậy, từ ngày 01 tháng 07 năm 2022 khi thay đổi mức lương tối thiểu vùng thì tiền ngừng việc của người lao động vẫn sẽ do hai bên thỏa thuận nhưng sẽ không được thấp hơn mức tối thiểu đối với từng vùng.

 

3. Mức phạt khi điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng mà họ không đồng ý 

Căn cứ theo khoản 2 điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

  • Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại điều 29 của Bộ luật lao động;
  • Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;
  • Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người sử dụng không được điều chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng mà không có lý do, không có thời hạn và không có văn bản đồng ý của người lao động thì có thể bị phạt từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng. Cũng như theo khoản 5 của điều 11 đã nêu trên cũng có quy định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

  • Buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc đúng với hợp đồng lao động đã giao kết khi có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, nếu người sử dụng lao động điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng mà không có sự đồng ý của người lao động thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và đối với tổ chức thì mức phạt sẽ từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng. Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc đúng với hợp đồng đã giao kết.

Bên cạnh đó, còn có quy định về mức xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động (theo khoản 2 điều 17 Nghị định 12/2022).

Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp người lao động không đồng ý làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm mà người lao động phải ngừng việc thì sẽ được người sử dụng lao động (công ty) trả lương ngừng việc theo quy định.

 

4. Một số câu hỏi thắc mắc liên quan đến điều chuyển công việc khác so với hợp đồng lao động

 - Câu hỏi 1: "Thưa Luật sư, người làm thủ kho của công ty tôi đột ngột bỏ việc, giám đốc yêu cầu tôi là nhân viên phòng kế toán xuống làm thay một thời gian cho đến khi tìm được người thay thế. Thực lòng tôi không thích lắm vì lương thủ kho thấp hơn lương của tôi, và cũng không biết tôi phải làm thay bao lâu. Nhưng hiện nay, tìm được công việc không dễ nên tôi không có ý định bỏ việc dù được giao việc không đúng nội dung hợp đồng. Trường hợp như của tôi, được bảo đảm quyền lợi gì khi chuyển việc không? Tôi cảm ơn!"

Trả lời câu hỏi tư vấn :

Một là, về vấn đề người sử dụng lao động có quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động hay không? Như đã trình bày ở các phần trên, theo quy định của pháp luật về lao động, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Bên cạnh đó, nếu người lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, người sử dụng lao động có quyền chuyển người lao động (cụ thể trong trường hợp này là bạn) làm công việc khác so với hợp đồng nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm trong trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh đã được quy định trong nội quy lao động. Tuy nhiên nếu bạn bị chuyển xuống làm thủ kho quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì phải được sự đồng ý của bạn bằng văn bản.

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải báo cho bạn biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của bạn.

Hai là, về vấn đề quyền lợi của người lao động khi làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể như sau:

  • Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85 % tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
  • Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, vì tiền lương của công việc thủ kho (công việc mới) thấp hơn công việc tại phòng kế toán (công việc cũ), nên bạn sẽ được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ thời hạn 30 ngày làm việc. Sau thời hạn đó, bạn sẽ nhận tiền lương theo công việc mới nhưng ít nhất phải bằng 85 % tiền lương của công việc cũ và không được thấp hơn mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Thêm vào đó, nếu bạn không đồng ý tạm thời làm thủ kho quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì công ty phải trả lương ngừng việc theo quy định tại điều 99 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Bên cạnh những quyền lợi của người lao động khi làm công việc khác so với hợp đồng lao động được pháp luật quy định, bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận và đề xuất với người sử dụng lao động về mức quyền lợi cao hơn và xứng đáng với phần công việc phụ trách mới tạm thời.

- Câu hỏi 2: Chào Luật sư, cho tôi hỏi một vấn đề sau đây. Tôi là nhân viên đã ký kết hợp đồng lao động với một công ty sản xuất điện tử. Tôi làm việc bên bộ phận bảo trì máy móc, bên bảo trì thì không có người làm nhiều nhưng tôi lại bị công ty chuyển sang bên hàng hóa. Mức lương cũ của tôi là 18.000.000 đồng, sau đó chuyển sang thì còn 10.000.000 đồng, họ mới thông báo hôm nay và bắt tôi làm luôn từ ngày hôm sau, nếu tôi không làm thì tự viết giấy nghỉ. Tôi không đồng ý nghỉ nhưng nếu làm thì mức lương giảm nhiều quá, cho tôi hỏi là bên công ty làm thế có đúng không, tôi có quyền đưa kiện ra Tòa án hay không? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời câu hỏi tư vấn:

Theo quy định, khi chuyển người lao động vào công việc khác thì người sử dụng lao động phải có những lý do nhất định và khi chuyển phải đảm bảo điều kiện hưởng, quyền lợi hưởng cho người lao động.

Căn cứ điều 29 của Bộ luật lao động năm 2019 về chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Mức lương hiện tại của bạn là 18.000.000 đồng thì khi chuyển sang công việc mới thì tiền công phải là 85 % tiền lương của 18.000.000 đồng. Vậy nên đối với mức lương mới là 10.000.000 đồng thì không đáp ứng đủ với mức tối thiểu bạn được hưởng.

Ngoài ra, khi bên người sử dụng lao động phải báo trước đúng hạn cho anh chứ không được điều chuyển luôn. Khi nhận thấy lợi ích của anh bị xâm phạm thì anh hoàn toàn có quyền đưa kiện ra Tòa án để đòi lại quyền lợi cho mình.

Trên đây là bài viết tham khảo của công ty Luật Minh Khuê về việc người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người lao động được nhận tiền lương cho thời gian ngưng việc theo đúng quy định của pháp luật, hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý khách hàng.

Mọi vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty Luật Minh Khuê chúng tôi 1900.6162 để nhanh chóng nhận được sự giải đáp kịp thời, nhanh chóng đến từ đội ngũ luật sư pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!