Mục lục bài viết
1. Chứng cứ hình sự được hiểu như thế nào?
Căn cứ tại Điều 86 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 thì chứng cứ được hiểu là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Theo đó, chứng cứ trong vụ án hình sự phải mang một số đặc điểm như sau: Chứng cứ là có thật, bảo đảm tính khách quan; Chứng cứ có tính hợp pháp; Chứng cứ phải liên quan đến vụ án. Tức là, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì sẽ không được xem là chứng cứ hình sự.
Chứng cứ trong vụ án hình sự sẽ được thu thập, xác định từ một số nguồn sau:
Thứ nhất, từ vật chứng
Vật chứng được xác định là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Thứ hai, từ lời khai và lời trình bày của các bên trong vụ án hình sự
Do đó, để lời khai, lời trình bày coi là vật chứng khi những thông tin này được lấy từ những đối tượng như: lời khai của người làm chứng; lời khai của bị hại; lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ; lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm; lời khai của người chứng kiến và lời khai của bị can, bị cáo.
Theo quy định của pháp luật, không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do lời khai của người làm chứng; lời khai của bị hại; lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Bên cạnh đó, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Đồng thời, không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.
Thứ ba, từ các dữ liệu điện tử
Dữ liệu điện tử chính là những ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Trong đó, dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
Thứ tư, từ các văn bản kết luận giám định, định giá tài sản
Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định (theo Điều 100);
Kết luận định giá tài sản là văn bản do hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu. Đồng thời, hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó.
Thứ năm, từ các biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được lập theo các bước trong quy trình tố tụng hình sự và được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thì sẽ có thể được coi là chứng cứ.
Thứ sáu, từ kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác
Để trở thành chứng cứ khác của một vụ án hình sự thì kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác phải do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp.
Thứ bảy, các tài liệu, đồ vật khác
Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm theo Điều 89 quy định về vật chứng như trên thì được coi là vật chứng.
Ngoài ra, những gì có thật nhưng không phải từ các nguồn trên, không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng Hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Tin nhắn zalo có được coi là chứng cứ trong vụ án hình sự không?
Chứng cứ là một loại thông tin có giá trị vô cùng quan trọng trong quá trình xét xử một vụ án hình sự. Tòa án sẽ thường trung dụng cac loại thông tin và tài liệu có ích để có thể làm rõ các vấn đề trong vụ việc sao cho quá trình xử lý được chính xác và thỏa đáng nhất. Chứng cứ sẽ giúp cho người bị oan được giải oan và khiến cho kẻ phạm tội chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu có những thông tin chứng cứ chính xác và hợp pháp thì chắc chắn vụ án hình sự sẽ được giải quyết nhanh chóng và trả lại sự trong sạch cho người bị hại.
Căn cứ tại Điều 99 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 thì chứng cứ trong vụ án hình sự có thể được xác định từ dữ liệu điện tử. Dữ liệu điện tử được hiểu là một dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Trong khi đó, tin nhắn zalo được xác định là nguồn chứng cứ ở dạng dữ liệu điện tử, và loại chứng cứ này được thể hiện từ phương tiện điện tử, có sự hỗ trợ của mạng máy tính và mạng viễn thông.
Như vậy, trong một vụ án hình sự, những tin nhắn trao đổi qua Zalo có thể được xem là một nguồn chứng cứ và dùng làm chứng cứ chứng minh tại tòa án nếu đáp ứng các đều kiện như: tin nhắn đó có thực, thu thập theo đúng trình tự, thủ thục và hợp pháp.
3. Làm gì để sử dụng tin nhắn Zalo là chứng cứ hình sự?
Theo nội dung phân tích nêu trên, khi thỏa mãn các điều kiện thì tin nhắn zalo cũng sẽ được xác định là một nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tự nhiên mà có thể sử dụng nội dung tin nhắn này như một chứng cứ trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, người có chứng cứ là tin nhắn zalo cũng không thể tiến hành giao nộp cả điện thoại cá nhân của mình đang sử dụng hay giao nộp chiếc laptop có chứa nội dung tin nhắn để làm chứng cứ trước Tòa án được.
Do đó, để có thể sử dụng tin nhắn Zalo là nguồn chứng cứ hình sự một cách dễ dàng và đảm bảo tính pháp lý thì người có chứng cứ có thể yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tiến hành lập Vi bằng đối với loại chứng cứ này. Theo quy định pháp luật thì vi bằng chính là văn bản ghi nhận lại sự kiện, hành vi do bên phía Thừa phát viên - người có chức năng lập vi bằng, tiến hành lập lại. Vi bằng có giá trị chứng cứ, không cần chứng minh sẽ giúp cho người có chứng cứ rút ngắn được các thủ tục phức tạp, rắc rối. Những nội dung như tin nhắn Zalo, bài đăng trên website, trên facebook, các clip ghi hình, ghi âm, ... đều sẽ được Thừa phát lại soạn thảo ra thành “Vi bằng” và sau đó người có yêu cầu lập vi bằng có thể tùy nghi sử dụng nó làm chứng cứ trong các quan hệ pháp luật liên quan.
Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết của Luật Minh Khuê như sau: Các loại chứng cứ trong vụ án hình sự theo Luật Tố tụng hình sự?
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Ngoài ra, khách hành cũng có thể liên hệ trực tiếp với các luật sư của Luật Minh Khuê để được giải đáp các vấn đề liên quan đến: Luật sư Nguyễn Thị Phương qua số điện thoại: 0985465912. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.