Đầu xuôi, đuôi không lọt

Theo đơn kiện, tháng 8-2004, bà H. ký hợp đồng độc quyền với nhóm ca NC gồm bốn thành viên, trong đó có ca sĩ T. (bà H. ký hợp đồng riêng với từng người). Đầu năm 2005, Album Vol 1 của nhóm ca được phát hành. Đến cuối năm, một người trong nhóm tự rút ra khi thời hạn hợp đồng vẫn còn. Bà H. và ba thành viên còn lại vẫn quyết định duy trì hoạt động.

Do điều kiện khó khăn, bà cho nhóm ca tạm nghỉ bốn tháng để chuẩn bị rồi đến tháng 6-2006 sẽ ký hợp đồng mới để thực hiện Album Vol 2. Thời gian nhóm ca tạm nghỉ, bà H. vẫn trả cho mỗi thành viên 500 ngàn đồng mỗi kỳ lương nửa tháng. Nhưng khi đến hạn ký hợp đồng mới, ca sĩ T. lại từ chối. Tiếp đó, hai thành viên còn lại của nhóm ca cũng dứt khoát không hợp tác nữa.

Bà H. đòi bồi thường thì ca sĩ T. không chịu và cũng không hề liên hệ với bà để biết tình hình hoạt động của nhóm. Vì thế, bà H. khởi kiện ra TAND quận 10 (TP.HCM), đòi ca sĩ T. phải trả tổng cộng gần 60 triệu đồng, gồm 50 triệu đồng tiền vi phạm hợp đồng, bốn triệu đồng tiền lương đã nhận khi tạm nghỉ cùng một số khoản vay lắt nhắt khác.

Ngược lại, ca sĩ T. nói sau khi một người trong nhóm ca rút ra, hoạt động của nhóm chỉ mang tính chất cầm chừng để chờ bà H. tìm người mới tái lập bộ tứ như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, chờ mãi mà bà H. vẫn không tìm được người, nhóm ca không thể nhận các sô biểu diễn, thu nhập của anh em kém hẳn đi.

Đến tháng 7-2006, khi bà H. đề nghị ca sĩ T. ký hợp đồng mới thì nội dung lại chỉ là thành lập một nhóm ca ba người và có nhiều điều chưa phù hợp. Cạnh đó, ca sĩ T. thấy nghiệp ca hát của mình không tiến triển sau hai năm hợp tác với bà H. nên từ chối. Ca sĩ T. không đồng ý bồi thường cho bà H. vì cho rằng mình không tự ý chấm dứt hợp đồng đã ký ban đầu. Hợp đồng của ca sĩ T. là hợp đồng độc lập giữa anh với bà H. nên không có nghĩa vụ liên đới bồi thường khi một thành viên khác của nhóm ca ra đi…

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.6162

Tòa: Ca sĩ không có lỗi

Thụ lý được một thời gian, TAND quận 10 đã chuyển hồ sơ lên Tòa kinh tế TAND TP để giải quyết theo thẩm quyền.

Tháng 11-2008, Tòa kinh tế TAND TP đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm, nhận định hợp đồng ký kết giữa bà H. và ca sĩ T. là hợp đồng giữa hai cá nhân. Trong hợp đồng không quy định là nếu nhóm ca có người rút ra thì các thành viên còn lại phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Hợp đồng cũng không hề ghi rằng nhóm ca có hoạt động khi thiếu người hay không, nếu thiếu người thì chấm dứt hợp đồng hay tiếp tục… Thực tế là các bên không ngồi lại bàn bạc để chấm dứt hợp đồng hay thanh lý hợp đồng. Sau khi ca sĩ T. không ký hợp đồng mới, bà H. cũng không yêu cầu hai thành viên còn lại tiếp tục thực hiện hợp đồng…

Mặt khác, việc nhóm ca thiếu người nhưng bà H. không tìm được người bổ sung, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên cũng có phần lỗi của bà H. Đồng thời, việc ca sĩ T. từ chối ký hợp đồng mới không có lỗi của anh.

Như vậy, bà H. đã không chứng minh được ca sĩ T. có lỗi vi phạm hợp đồng nên tòa bác yêu cầu bồi thường. Tòa cũng bác cả các yêu cầu khác của bà H. bởi tiền lương trong thời gian nhóm ca tạm nghỉ là lương hỗ trợ, không có chứng cứ gì chứng minh nếu ca sĩ T. không ký tiếp hợp đồng mới thì sẽ phải trả lại. Còn về các khoản nợ lắt nhắt, bà H. chỉ trình sổ bà tự ghi chép trong khi ca sĩ T. lại cương quyết phủ nhận.

Ngay sau đó, bà H. kháng cáo. Sau nhiều lần hoãn xử vì triệu tập các thành viên nhóm ca không được, mới đây Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã y án sơ thẩm vì đồng tình với phân tích, nhận định của cấp sơ thẩm.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật MInh Khuê (biên tập)