Ngày 19-3-2008, TAND TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình thụ lý vụ kiện đòi tài sản do bà Trần Thị Soạn (trú tại Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây) kiện ông Vũ Thái Sơn (tổ 15, phường Đồng Tiến, tỉnh Hòa Bình), yêu cầu trả nợ 100 triệu đồng.

Theo đơn khởi kiện của bà Soạn, trong quá trình làm ăn bà cho ông Sơn vay tiền nhiều lần, trong đó có một lần cho vay 200 triệu đồng và nhờ ông Lèo Văn Hói chuyển tiền. Ông Sơn cũng thừa nhận có nhận tiền vay bà Soạn qua ông Hói nhưng số tiền chỉ là 100 triệu đồng. Do đó, ông Sơn không đồng ý thanh toán thêm khoản nợ 100 triệu đồng như bà Soạn yêu cầu.

Trong hai ngày 29 và 30-9-2008, TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện trên, tuyên buộc ông Sơn phải trả cho bà Soạn 100 triệu đồng. Sau đó, ngày 26-11-2008, phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Hòa Bình mở cũng tuyên y án sơ thẩm.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.6162

Ngày xử án và ngày ghi trên bản án khác nhau

Tuy nhiên, trong vụ án này cả hai bản án của TAND TP Hòa Bình và TAND tỉnh Hòa Bình đều có vấn đề về ngày tháng. Cụ thể, bản án sơ thẩm số 11/2008/DSST của TAND TP Hòa Bình được chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Hoàng Viết Lực ký, ghi ngày 9-9-2008, trước ngày mở phiên tòa xét xử tới 20 ngày. Bản án phúc thẩm số 27/2008/DSPT của TAND tỉnh Hòa Bình, do chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Oanh ký, ghi ngày 24-11-2008, trước ngày xét xử hai ngày. Cho rằng có dấu hiệu xét xử theo kiểu “án bỏ túi” nên bị đơn đã gửi đơn khiếu nại đến TAND tối cao.

Ngoài ra, trong bản án còn ghi chú nơi nhận bản án là “TAND huyện Lạc Sơn, cơ quan thi hành án huyện Lạc Sơn”. Nên ngày 5-2-2009, TAND tỉnh Hòa Bình đã phải ban hành thông báo sửa đổi bản án phúc thẩm, sửa lại nơi nhận là “TAND TP Hòa Bình, cơ quan thi hành án TP Hòa Bình” và sửa lại ngày tháng ban hành bản án là ngày 2-12-2008 (ngày tuyên án).

Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Thành Lê đã có công văn trả lời khiếu nại của ông Sơn, trong đó nêu rõ việc ông Sơn nói hai thẩm phán phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm ký ra bản án trước ngày mở phiên tòa công khai là không có căn cứ pháp luật. Ông Bùi Thành Lê khẳng định “TAND tỉnh Hòa Bình thấy rằng đây là sai sót đáng tiếc của thẩm phán – chủ tọa phiên tòa kể cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm” và đã chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm. Về các khiếu nại khác, ông Lê cho rằng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tối cao.

Như vậy, mặc dù hai bản án có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng nhưng vẫn có hiệu lực đã dẫn đến một số sai phạm tiếp theo.

Kê biên cả tài sản của người không liên quan

Cơ quan thi hành án dân sự, TP Hòa Bình đã ra quyết định thi hành án, yêu cầu ông Vũ Thái Sơn phải thanh toán cho bà Trần Thị Soạn 100 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án.

Để đảm bảo việc cưỡng chế thi hành án do ông Sơn không tự nguyện thi hành, cơ quan này đã ra quyết định kê biên một số tài sản nhà đất của ông Sơn, trong đó kê biên cả chiếc ôtô Toyota 12 chỗ ngồi của anh Vũ Đại Giang (con ông Sơn), trong khi anh Giang không phải người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án. Chỉ đến khi Viện KSND TP Hòa Bình có công văn số 18/KS-THA ngày 18-2-2009 có ý kiến rằng bản án phúc thẩm có một số điểm chưa rõ ràng, cần được giải thích thêm thì cơ quan thi hành án mới tạm dừng kê biên tài sản của gia đình ông Vũ Thái Sơn.

Tuy nhiên, đến ngày 27-5-2009, thi hành án dân sự TP Hòa Bình đã tiến hành kê biên tài sản nhà và đất của gia đình ông Sơn. Ông Đỗ Đức Thuận, phó trưởng thi hành án dân sự TP Hòa Bình, nói rằng đơn vị thi hành án chỉ biết thi hành theo bản án của tòa đã có hiệu lực và chưa có kháng nghị của viện kiểm sát cấp trên. Còn bản án đúng hay sai là chuyện của tòa án.

Hai bản án đã vi phạm thủ tục tố tụng

Theo quy định tại điểm 12.1 khoản 12 mục II của nghị quyết số 02/2006/NQ – HĐTP ngày 12-5-2006 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn điều 240 của Bộ luật tố tụng dân sự thì chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây:

”a. Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự…

b. Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai…, mà phải sửa lại cho đúng”.

Như vậy, việc cả hai bản án đều được ghi ngày trước ngày xét xử là không thuộc trường hợp được sửa chữa, bổ sung bản án. đây là trường hợp vi phạm trình tự thủ tục tố tụng và cần được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.

Đối với việc thi hành án, theo tôi, chỉ được kê biên chiếc xe Toyota khi và chỉ khi chiếc xe Toyota thuộc quyền sở hữu của ông Vũ Thái Sơn. Còn nếu chiếc xe thuộc quyền sở hữu của anh Vũ Đại Giang mà thi hành án dân sự TP Hòa Bình lại ra quyết định kê biên là vi phạm điều 41 của pháp lệnh thi hành án dân sự.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ - MINH QUANG – THÁI LINH

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)