1. Quy định của Hiến pháp về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, chất lượng hoạt động tư pháp không ngừng nâng lên, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên tình trạng án oan sai vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đòi hỏi những biện pháp căn cơ, quyết liệt để hạn chế tình trạng này, nhất là đối với giai đoạn xét xử vụ án. “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo” là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của tòa án Việt Nam.

Theo Hiến pháp 2013:

Điều 103.

1. Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

3. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.

....

6. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định:

Điều 6. Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do luật định thì có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

 2. Nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm

Nguyên tắc "chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm" trong Hiến pháp không chỉ được cụ thể hóa trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 mà còn được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật khác ở nước ta. Trong đó có Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 27. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm trong tố tụng hình sự là tư tưởng chủ đạo, có tính bắt buộc chung, thể hiện quan điểm có tính định hướng của Nhà nước trong việc tổ chức tố tụng để xét xử các vụ án hình sự được xét xử lần đầu ở cấp sơ thẩm (cấp xét xử thứ nhất) có thể được xét xử lại và chỉ có thể được xét xử lại một lần nữa ở cấp phúc thẩm (cấp xét xử thứ hai) nếu có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, nhằm giải quyết đúng đắn, kịp thời vụ án, bảo đảm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Xét xử sơ thẩm là: “Xét xử lần đầu để giải quyết tất cả những vấn đề liên quan trong vụ án. Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án xem xét và giải quyết mọi vấn đề của vụ án bằng việc ra bản án và quyết định. Trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm”.

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Thứ nhất, nguyên tắc này trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2005 là: Nguyên tắc xét xử hai cấp. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung thành nguyên tắc: Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo.

Xét xử hai cấp là một nguyên tắc tiến bộ được áp dụng phổ biến trên thế giới và nhiều quốc gia. Theo đó, bản án, quyết định sơ thẩm (xét xử lần thứ nhất) nếu có kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định thì được đưa lên tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại (xét xử lần thứ hai - phúc thẩm).

Xét xử sơ thẩm là thủ tục bắt buộc, theo đó tòa án tổ chức phiên tòa, xem xét đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và đưa ra bản án, quyết định. Nếu bản án quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định thì có hiệu lực thi hành. Tòa án sẽ không xét xử lại vụ án đó nữa (trừ trường hợp xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có căn cứ và theo thủ tục đặc biệt).

Thứ hai, nếu bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định thì nó chưa có hiệu lực thi hành. Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án đó gọi là xét xử phúc thẩm. Việc xét xử phúc thẩm là bắt buộc nêu bản án, quyết định bị kháng cáo kháng nghị đúng thời hạn, đúng chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị.

Xét xử phúc thẩm là hoạt động được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định của Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Thứ ba, xét xử phúc thẩm có ý nghĩa: Đảm bảo cho bản án, quyết định của tòa án được phán quyết thận trọng, khách quan, chính xác, có căn cứ, đúng pháp luật; đảm bảo cho tòa án cấp trên giám sát hoạt động xét xử của tòa án cấp dưới, khắc phục sai lầm của tòa án cấp dưới bảo đảm cho quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, của cá nhân.

3. Ý nghĩa của nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”

Nguyên tắc “Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” đảm bảo cho việc xét xử của Tòa án được chính xác, đúng đắn. Việc quy định nguyên tắc là cơ sở pháp lý cho những người có thẩm quyền kháng nghị, kháng cáo quyết định sơ thẩm của Tòa án để xét xử lại ở cấp phúc thẩm, giúp kịp thời sửa chữa sai lầm hoặc vi phạm pháp luật mà cấp sơ thẩm mắc phải, nhờ đó mà chất lượng xét xử tại các cấp xét xử được nâng cao.

Việc quy định một vụ án hình sự có thể được xét xử ở hai cấp xét xử khác nhau là phù hợp quy luật của nhận thức nhằm đảm bảo tính đúng đắn, khách quan của hoạt động xét xử. Quy định nguyên tắc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo thể hiện thái độ thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra phán xét quyết định hình phạt đối với người bị buộc tội.

4. Cấp xét xử sơ thẩm

Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ án hình sự tại tòa án. Việc một bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đúng đắn, thuyết phục thì sẽ tránh được việc người có quyền kháng cáo, kháng nghị làm cho việc xét xử vụ án kéo dài.

- Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:

+ Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;

Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:

Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;

Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;

Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

5. Cấp xét xử phúc thẩm

Tòa phúc thẩm chỉ tiến hành xét xử phúc thẩm với những vụ án hình sự mà bản án, quyết định của tòa cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Do đó, cơ sở pháp lý cho việc xét xử phúc thẩm là dựa trên kháng cáo, kháng nghị bản án hay quyết định sơ thẩm.

- Thẩm quyền xét xử phúc thẩm:

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.

+ Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.

+ Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.

+ Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.

 - Phạm vụ xét xử phúc thẩm:

Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

- Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm: Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 19006162 hoặc liên hệ email: Lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.