Mục lục bài viết
1. Những đối tượng nào được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu?
Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu là một loại giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp phép, xác nhận cho cá nhân hoặc tổ chức có năng lực và đủ điều kiện để tham gia vào hoạt động đấu thầu. Chứng chỉ này chứng minh rằng người sở hữu nó đã hoàn thành quá trình đào tạo, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật. Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu thường được yêu cầu đối với các cá nhân hoặc tổ chức muốn tham gia vào quá trình đấu thầu, đặc biệt trong lĩnh vực công cộng. Đây là một cách để đảm bảo rằng những người tham gia có đủ kiến thức về quy trình đấu thầu, quy định pháp lý, quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện đấu thầu.
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu thì chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu được cấp cho cá nhân sau đây khi phải trực tiếp thực hiện các nội dung công việc theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định bao gồm:
- Cá nhân thuộc doanh nghiệp hoạt động tư vấn đấu thầu hoặc đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu; cá nhân hoạt động tư vấn độc lập về đấu thầu;
- Cá nhân thuộc ban quản lý dự án chuyên nghiệp: là các ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện công tác quản lý dự án chuyên nghiệp, quản lý cùng lúc nhiều dự án hoặc các dự án kế tiếp, gối đầu, hết dự án này đến dự án khác;
- Cá nhân thuộc đơn vị mua sắm tập trung chuyên trách: là đơn vị được thành lập để chuyên trách thực hiện việc mua sắm tập trung và hoạt động mua sắm mang tính thường xuyên, liên tục;
- Cá nhân khác có nhu cầu.
Các nội dung công việc tại khoản 2 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2013 được quy định như sau: Cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, cần lưu ý, tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT thì các cá nhân được quy định nêu trên (trừ các cá nhân khác có nhu cầu) khi tham gia trực tiếp vào các hoạt động sau đây phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu:
- Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Hiện nay, có một số chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu được pháp luật quy định bao gồm:
- Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu dịch vụ tư vấn;
- Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn;
- Cá nhân đạt kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu dịch vụ tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu trong các lĩnh vực: dịch vụ tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn.
2. Trường hợp nào không cần phải có chứng chỉ đấu thầu?
Căn cứ tại khoản 6 Điều 11 Thông tư số 04/2019/TT-BKHĐT thì các cá nhân thuộc đối tượng sau đây không thuộc đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, cụ thể bao gồm:
- Cá nhân thuộc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện từng dự án cụ thể và ban quản lý dự án này sẽ giải thể sau khi kết thúc dự án;
- Cá nhân thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập tham gia lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo nhiệm vụ được giao, trừ cá nhân thuộc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện từng dự án cụ thể và ban quản lý dự án này sẽ giải thể sau khi kết thúc dự án;;
- Cá nhân tham gia lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm, không thường xuyên, liên tục.
Như vậy, theo pháp luật đấu thầu hiện hành thì sẽ có 03 loại đối tượng nêu trên khi tham gia vào hoạt động đấu thầu sẽ không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, nhưng phải có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản. Trường hợp cần có ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành thì không bắt buộc các chuyên gia này phải có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
3. Điều kiện cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản bao gồm những gì?
Trước tiên, để các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu thì cần phải đăng ký thi sát hạch theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT, cụ thể:
- Cá nhân có nhu cầu thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu thực hiện việc đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
- Việc đăng ký thi, hồ sơ đăng ký thi sát hạch trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được Cục Quản lý đấu thầu hướng dẫn và đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cá nhân chỉ được tham dự kỳ thi sát hạch sau khi đã đăng ký thi thành công và nộp đầy đủ chi phí dự thi theo quy định.
- Trường hợp trong một kỳ thi sát hạch, nếu thí sinh chỉ đạt yêu cầu một trong hai môn thi thì điểm của môn thi đạt yêu cầu được bảo lưu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả thi sát hạch. Trong thời hạn bảo lưu, thí sinh có thể đăng ký thi lại môn thi chưa đạt yêu cầu. Hết thời hạn bảo lưu, điểm thi của thí sinh không còn giá trị để xem xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
- Thí sinh không đạt một trong hai môn thi khi dự thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu dịch vụ tư vấn hoặc hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có thể đăng ký thi lại môn đó trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu dịch vụ tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn. Trường hợp kết quả thi lại đạt yêu cầu, thí sinh sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu dịch vụ tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn.
Tuy nhiên, đối với các cá nhân muốn được cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu cơ bản thì sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 111 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
- Tham dự ít nhất 90% thời lượng của khóa học. Trường hợp học viên không bảo đảm thời lượng tham dự khóa học nhưng có lý do chính đáng, cơ sở đào tạo cho phép học viên bảo lưu thời lượng đã học và học tiếp tại khóa học khác của cùng một cơ sở đào tạo trong thời gian tối đa là 03 tháng, kể từ ngày đầu tiên của khóa học tham gia trước đó.
- Làm bài kiểm tra và có kết quả kiểm tra cuối khóa học được đánh giá từ đạt yêu cầu trở lên.
- Có đầy đủ hành vi dân sự, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, cơ sở đào tạo có trách nhiệm cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản cho các học viên đáp ứng yêu cầu (theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT). Chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản không quy định thời hạn.
Tham khảo thêm bài viết: Phân biệt đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, đấu thầu chỉ định. Luật Minh Khuê cung cấp dịch vụ hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng thông qua tổng đài: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn .