1. Các thành tố cơ bản của văn hóa nhân quyền
Tri thức - một thành tố cấu thành văn hóa nhân quyền.
Như ta đã biết ở trên, tri thức hay kiến thức bao gồm những hiểu biết về những sự vật, hiện tượng, những dữ kiện, thông tin, sự mô tả hay kỹ năng trong tự nhiên và xã hội. Tri thức về văn hóa nhân quyền có nghĩa là sự hiểu biết của mọi người về văn hóa và nhân quyền. Trước hết, sự hiểu biết hay tri thức của người dân, về nền tảng chung của nhân quyền, về phẩm giá, về những quyền con người mà mọi người trong gia đình nhân loại đều được hưởng. Sự hiểu biết này sẽ cho phép nhân quyền vận động hay nói cách khác là lan rộng hay phổ biến rộng rãi và trở thành một nét văn hóa riêng. Tiếp theo đó rất quan trọng, là tri thức là sự hiểu biết của cán bộ công chức về văn hóa nhân quyền. Vì cán bộ công chức là người thực thi pháp luật, điều hành bộ máy nhà nước. Đội ngũ cán bộ công chức là những người trong bộ máy hành chính, tiếp xúc với người dân, hướng dẫn người dân, nên cần phải có tri thức hiểu biết thấu đáo về văn hóa nhân quyền, có như vậy mới có hành xử, ứng xử đúng đắn phù hợp được. Việc tuân theo các quy định pháp luật về nhân quyền sẽ làm tăng phẩm giá và tôn trọng nhân quyền. Một xã hội có văn minh, có dân chủ, có tiến bộ hay không, ngoài thể hiện những con số về tăng trưởng kinh tế, thì phải thể hiện mức độ tri thức hiểu biết của mọi người về văn hóa nhân quyền.
Ý thức - thành tố thứ hai cấu thành văn hóa nhân quyền.
Ý thức về văn hóa nhân quyền, ý thức mọi người trong việc tôn trọng, bảo vệ nhân quyền. Ý thức rất quan trọng trong cấu thành văn hóa nhân quyền, cũng như xây dựng nền văn hóa nhân quyền. Vì nếu người dân không có ý thức về nhân quyền, thì tình trạng nhân quyền sẽ không được cải thiện, hoặc cải thiện không hiệu quả cho dù chính quyền và luật pháp hoàn toàn tôn trọng nhân quyền, nếu người dân không sử dụng nhân quyền của mình thì sự thực hiện nhân quyền cũng không thể xảy ra.
Ý thức cũng có nhiều cấp độ khác nhau, như ý thức cá nhân, ý thức giai cấp, ý thức xã hội. Ý thức về việc bảo vệ nhân quyền có thể từ nhà nước, từ cá nhân. Bởi vậy việc nâng cao ý thức văn hóa nhân quyền cho tất cả mọi người, tất cả các tầng lớp trong xã hội là rất quan trọng để hướng tới một xã hội dân chủ, một nền văn hóa nhân quyền cho mọi người.
Ứng xử - thành tố thứ ba cấu thành văn hóa nhân quyền.
Hành vi ứng xử đòi hỏi phải thực hiện trên cơ sở ý thức về các yêu cầu về pháp luật, yêu cầu của đạo đức, là sự biểu hiện văn hóa và kinh nghiệm sống của con người. Hành vi hợp pháp là hành vi phù hợp yêu cầu pháp luật, là hành vi cần thiết, mong muốn cho phép của các chủ thể pháp luật, phù hợp lợi ích xã hội được các quy phạm pháp luật quy định, được nhà nước đảm bảo thực hiện và bảo vệ. Hành vi ứng xử với phải có văn hóa, và đồng thời phải đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền con người. Ứng xử giữa con người trong giao tiếp đời sống với những người xung quanh. Ứng xử của các chủ thể trong xã hội. Ứng xử giữa các chủ thể với nhau đôi khi còn là quá trình trao đổi, giao lưu về văn hóa, tri thức. Bởi vậy để xây dựng được nền văn hóa nhân quyền phát triển bền vững cũng phụ thuộc vào yếu tố ứng xử rất lớn.
2. Phân loại văn hóa nhân quyền
Phân loại theo chủ thể: gồm văn hóa nhân quyền của cá nhân, văn hóa nhân quyền nhóm và văn hóa nhân quyền xã hội.
Văn hóa nhân quyền cá nhân: thể hiện những quan điểm, tư tưởng, tâm lý, tình cảm, thái độ của mỗi người về nhân quyền và các cơ quan nhân quyền. Văn hóa nhân quyền ở mỗi cá nhân là khác nhau, do năng lực, tính cách, quan niệm...của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân đều có văn hóa nhân quyền bất kể họ có thuộc về một nhóm xã hội nào hay không.
Văn hóa nhân quyền nhóm: nhóm là một nhóm người hay một tầng lớp có những điểm chung về điều kiện làm việc, sinh hoạt, mục đích, nhu cầu,... Nó sẽ thể hiện những đặc thù chung của một tập thể hay một nhóm xã hội nhất định nào đấy. ví dụ như nhóm phụ nữ, nhóm trẻ em, nhóm người khuyết tật,...Văn hóa nhân quyền nhóm là những quan điểm, tư tưởng điển hình của nhóm về nhân quyền. Như ở trong một quốc gia với nhiều dân tộc như Việt Nam ta, các nhóm dân tộc có quyền được duy trì, bảo vệ bản sắc riêng của dân tộc mình và trên cơ sở đó xây dựng nền văn hóa nhân quyền của tập thể dân tộc mình. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia có thực thi quyền con người trên nguyên tắc cơ sở luật pháp về quyền con người nhưng vẫn tôn trọng tính đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia.
Văn hóa nhân quyền xã hội: được hiểu là những giá trị văn hóa nhân quyền đã được thừa nhận rộng rãi và thực thi trên toàn xã hội. Điều này cũng thể hiện tính phổ quát của văn hóa nhân quyền, vì nhân quyền là dành cho tất cả mọi người, mọi thành viên trong gia đình nhân loại.
3. Vai trò của văn hóa nhân quyền
Văn hóa nhân quyền (VHNQ) có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người (QCN). Văn hóa nhân quyền tiến bộ sẽ tác động tích cực đến việc bảo đảm và bảo vệ QCN. Văn hóa nhân quyền lạc hậu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm và bảo vệ QCN. Ví dụ như ở một vài quốc gia Hồi giáo, ở đó không chỉ có các phong tục phân biệt đối xử với phụ nữ, thậm chí xúc phạm nhân phẩm, sức khỏe của nữ giới, như tục cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục ngoài của các cháu nữ ở tuổi vị thành niên; cho phép đàn ông được quyền có tới 4 vợ... ở đây còn có giáo luật, xét xử người có đạo theo luật Hồi giáo...
VHNQ tác động đến việc bảo đảm, bảo vệ QCN trên hai bình diện: bình diện pháp luật và bình diện văn hóa.
4. Xem xét văn hóa nhân quyền trên bình diện pháp luật
Có thể nói không một quốc gia nào, một xã hội nào luật pháp có thể bao phủ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đơn giản vì sự phát triển của con người và xã hội, mặt khác xã hội và con người cũng luôn luôn vận động tiến lên theo hướng hoạt động ngày càng đa dạng, phức tạp, pháp luật không thể đuổi kịp. Ví dụ như trên lĩnh vực Internet chẳng hạn.
Hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với việc quản lý Game Online, cộng đồng mạng... Các chuyên gia kỹ thuật, và pháp luật cho rằng họ có thể đưa ra các giải pháp hữu hiệu những vấn đề là ở chỗ nhận thức của con người. Chính ở đây VHNQ có thể đóng góp vào việc giải quyết vấn đề. Vai trò của nó như một quy phạm xã hội, đạo đức.
Quyền con người chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước (cơ quan công quyền, cán bộ, công chức) với người dân. Do đó khái niệm VHNQ giao thoa với khái niệm văn hoá chính trị. Xem xét VHNQ trên bình diện chủ thể quyền, hiển nhiên không phải tất cả các chủ thể quyền đều ý thức được quyền của mình và càng không thể tự bảo vệ được quyền của mình. Đó là trường hợp các nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt là trẻ em, người mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm HIV hoặc đang sống trong môi trường giam giữ. Các quyền, và lợi ích của họ phải trông cậy vào xã hội, vào ý thức, thói quen ứng xử, của cơ quan công quyền, nhất là của cán bộ, công chức.
Xem xét VHNQ về chả thể chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm quyền con người, có thể nói ở bất cứ xã hội nào cũng còn tình trạng quan liêu, vi phạm QCN, sự khác biệt chỉ là ở mức độ. Nguyên tắc “người dân có thể làm mọi việc trừ những việc pháp luật cấm còn cán bộ, công chức chỉ có thể được làm những việc pháp luật cho phép” xem ra không phải là dễ. ở Việt Nam, trước đổi mới, trong mô hình CNXH kiểu cũ, Nhà nước bảo vệ, bảo đảm QCN dựa trên tư duy “Kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp”. Nhà nước đáp ứng các nhu cầu của người dân bằng chính sách và khả năng của các nguồn lực sẵn có là chủ yếu. Giới nghiên cứu ngày nay gọi đó là cách tiếp cận trên nhu cầu. Người dân là đối tượng thụ hưởng, nhưng không phải là chủ thể quyền. Nói cách khác, họ không có quyền đòi hỏi những quyền và lợi ích mà họ có. Đồng thời Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người dân nhưng đó chỉ là trách nhiệm về mặt chính trị, đạo lý mà không phải là trách nhiệm pháp lý. Cho đến ngày nay tư duy đó vẫn còn tồn tại mà dư luận xã hội thường gọi là cơ chế xin - cho,... Có thể xem đây như là một thứ VHNQ, văn hoá chính trị tiêu cực. Có nhiều ví dụ có thể minh hoạ cho VHNQ, như vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức. Chẳng hạn vụ xử lý khó khăn của cơ quan nhà nước đối với Vedan- công ty gây ô nhiễm môi trường là một ví dụ điển hình.
Bởi vậy, thay đổi VHNQ, văn hoá chính trị lạc hậu, sang VHNQ, văn hoá chính trị tiến bộ mà nội dung cơ bản là nguyên tắc “quyền - trách nhiệm”, trong đó người dân là chủ thể quyền, nhà nước, cán bộ công chức có trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền là hết sức quan trọng trong việc thực thi QCN.
5. Xem xét văn hóa nhân quyền trên bình diện văn hoá
Có thể nói VHNQ là thước đo trình độ văn minh của một xã hội. Bởi vì, chỉ có những gì đã trở thành văn hoá mới có thể xem là đã được thực hiện (V.I. Lênin). Thực tế cho thấy ở nước ta đã từng có nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào, nhưng sau một thời gian, mọi việc đâu lại vào đấy. Trên lĩnh vực pháp luật cũng vậy, trình độ phát triển của một xã hội không hoàn toàn tuỳ thuộc vào số lượng, chất lượng các đạo luật mà còn ở chỗ những quy định của pháp luật có đi vào cuộc sống hay không? Quy định về xử phạt hút thuốc lá ở nơi công cộng, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một vài ví dụ. Trên một bình diện khác, sự phát triển của một xã hội có thể nhận thấy thông qua việc đánh giá các quy phạm xã hội phát huy được vai trò của nó như thế nào, nhiều hay ít? ở một xã hội tốt đẹp, vai trò của các quy phạm đạo đức, văn hoá ngày càng giữ vị trí quan trọng. Và vì vậy cũng ít bạo lực hơn. Ngược lại, ở một xã hội nhiều bạo lực, bệnh vô cảm phát triển là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Xây dựng VHNQ về mặt lý luận cũng như thực tiễn là một nhiệm vụ quan trọng. Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này dựa trên truyền thống dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)