1. Khái quát

Phát triển kinh tế tạo cơ sở vật chất là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện quyền con người. Nhưng muốn phát triển kinh tế thì đường lối, chính sách, cơ chế phải được cụ thể hoá trong pháp luật. Pháp luật sẽ tạo khuôn khổ môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ phát huy được mọi tiềm năng, hạn chế được các mặt tiêu cực.

2. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 trong việc phát triển và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ mới. Nội dung Nghị quyết Đại hội XII đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong những năm tới. Một trong những điểm mới trong văn kiện này là sự phát triển quan điểm của Đảng về vai trò của con người và phát huy nhân tố con người trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Với hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, các vấn đề được nêu trong Văn kiện Đại hội XII đều quy tụ vào mục đích đổi mới vì dân, các mục tiêu phát triển đều hướng đến mục tiêu phát triển vì con người, thực hiện những quyền cơ bản của con người được xác định trong Hiến pháp năm 2013.

Tất cả 12 nhiệm vụ tổng quát được xác định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm tới đều là những định hướng chính sách lớn nhằm bảo vệ quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và tranh chấp lãnh thổ diễn ra gay gắt, vấn đề giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia trở thành một thách thức lớn.

Mục tiêu đề ra là : “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Có thể nói, phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền con người. Tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường chính là thực hiện quyền con người về kinh tế, văn hóa và xã hội. Thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân nhưng điều quan trọng hơn là “Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội”. Do vậy, Đảng xác định đi đôi với tăng trưởng kinh tế phải chủ trương thực hiện công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển nhằm bảo đảm cơ hội sống và phát triển cho mọi người dân. Để bảo đảm quyền được hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như được phân phối công bằng của cải xã hội, Đảng ta xác định: “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; Bảo đảm an ninh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân...”.

Trong bối cảnh “tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp... cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông...”, Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Đây là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo quyền con người trong thực tiễn bởi lịch sử Việt Nam và nhiều nước vừa trải qua đấu tranh giành độc lập đã chứng minh, đất nước bị lệ thuộc thì người dân không thể có tự do, các quyền con người sẽ bị chà đạp nghiêm trọng. Nhiệm vụ tổng quát này đã được cụ thể hóa bằng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế, tất cả để thực hiện mục tiêu chung hiện nay là, một mặt cần tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; mặt khác tránh để đất nước rơi vào vòng xoáy xung đột và bị chi phối bởi các liên minh quân sự, nhằm tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm tốt nhất các quyền con người cho mọi người dân Việt Nam.

3. Tác động tích cực của kinh tế thị trường đến vấn đề bảo vệ quyền con người

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi mà Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra cho mô hình kinh tế hiện tại của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nó được mô tả là một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sản phẩm của thời kỳ Đổi Mới, thay thế nền kinh tế kế hoạch bằng nền kinh tế hỗn hợp hoạt động theo cơ chế thị trường. Những thay đổi này giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" mang ý nghĩa là Việt Nam chưa đạt đến chủ nghĩa xã hội mà đang trong giai đoạn xây dựng nền tảng cho một hệ thống xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Mô hình kinh tế này khá tương đồng với mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (socialist market economy) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó các mô hình kinh tế tập thể, nhà nước, tư nhân cùng tồn tại, và khu vực nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Hội nhập quốc tế là quá trình các nhà nước có đủ tư cách quốc gia, vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận tiến hành các mối quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế khác để hướng đến chia sẻ nhằm mục tiêu chung đạt được lợi ích cho nước mình và các nước, tổ chức quốc tế khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh... trên cơ sở tuân thủ các khuôn khổ chế định chung.

Hiện nay, sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đến công tác bảo đảm quyền con người, trước tiên, diễn biến theo hướng tích cực, là: Cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội để thúc đẩy công tác bảo đảm và giải quyết vấn đề quyền con người; phát triển theo hướng đa dạng nhu cầu về quyền con người và thách thức mới đối với bảo đảm quyền con người; tạo ra những cơ hội thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế nhanh và bền vững - điều kiện cần thiết để bảo đảm quyền con người; góp phần làm thay đổi tư duy pháp lý về quyền con người; thúc đẩy công tác bảo đảm quyền con người tiệm cận ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn luật pháp, chuẩn mực và tập quán quốc tế; qua đó quyền con người không chỉ được bảo đảm ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ quốc tế; bầu bạn trên thế giới hiểu được thành tựu về nhân quyền của Việt Nam; và các quốc gia phương Tây cũng buộc phải điều chỉnh thái độ, chính sách của họ đối với vấn đề quyền con người của Việt Nam, cơ bản theo hướng hợp tác.

4. Tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến vấn đề bảo vệ quyền con người

Trong quá trình đổi mới, đồng thời có những tác động đan xen cả tiêu cực và tích cực đến thực hiện quyền con người, như: gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, tiềm ẩn những bất bình đẳng trong quá trình bảo đảm quyền con người; sự bộc lộ một cách đa dạng, có khi gay gắt, nhiều vấn đề cũ đồng thời xuất hiện những vấn đề mới liên quan đến công tác bảo đảm quyền con người (quyền sở hữu đất và bất động sản; bảo vệ quyền có việc làm và nghề nghiệp; bảo vệ quyền của người tiêu dùng; quyền về môi trường; quyền sở hữu trí tuệ; quyền của kiều dân nước ngoài định cư tại Việt Nam và Việt kiều; gia tăng vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quyền con người; quyền của người đồng tính,...). Sự tác động của biến động kinh tế, nhất là của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam; sự tác động đa chiều của truyền thông và dư luận xã hội trong điều kiện tồn tại, phát triển các mạng xã hội; sự tác động của pháp luật và cơ chế nhân quyền quốc tế, khu vực đến công tác bảo đảm quyền con người,... cũng tác động đến thực hiện quyền con người.

5. Hướng đi trong thời kỳ mới

Trên cơ sở chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước; căn cứ thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong bảo đảm quyền con người và có tính đến những vấn đề lớn về nhân quyền trên thế giới, có thể dự báo trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra: 1/ Xu hướng phát triển theo hướng đa dạng và gia tăng phân hóa xã hội trong nhu cầu về quyền con người; 2/ Xu hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, thiết chế bảo đảm quyền con người theo hướng dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn việc bảo đảm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi đất nước đã chuyển sang nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; 3/ Xu hướng tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào việc bảo đảm các giá trị phổ quát của quyền con người và tích cực, chủ động đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền trong hội nhập quốc tế.

Do đó, quan điểm chỉ đạo công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xác định theo hướng: 1/ Nhân dân là chủ thể của quyền và bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; 2/ Quyền con người vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù và trong xã hội cơ bản được thể hiện ở tính nhân loại gắn với tính giai cấp và tính dân tộc; 3/ Bảo đảm quyền con người theo phương châm thực hiện các giá trị nhân quyền phổ quát trên cơ sở chủ quyền quốc gia và gắn với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa; 4/ Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, gồm cả quyền tập thể và quyền cá nhân, quyền gắn liền với nghĩa vụ, giới hạn quyền do luật định, trên cơ sở xác định rõ chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền; 5/ Từng bước bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền, có ưu tiên quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế; 6/ Quyền con người được bảo đảm bằng chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)