1. Xuất xứ hàng hóa là gì?

Xuất xứ hàng hoá là xuất xứ của một sản phẩm hàng hoá. Theo Phụ lục chuyên đề K của Công ước quốc tế về hài hoà và đơn giản hóa thủ tục hải quan (Công ước Kyoto sửa đổi và bổ sung), xuất xứ hàng hóa “là nước tại đó hàng hoá được chế biến hoặc sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn được áp dụng trong biểu thuế hải quan, giới hạn về số lượng hoặc các biện pháp khác liên quan đến thương mại”.

Căn cứ Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam, xuất xứ hàng hoá “Là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hoá đó”.

Còn theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, xuất xứ hàng hóa được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 như sau: “là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Như vậy, tuy có khác nhau trong việc sử dụng từ ngữ, nhưng hai định nghĩa theo Công ước quốc tế và luật, nghị định quốc gia có cùng nghĩa với nhau, theo đó xuất xứ hàng hoá là “quốc tịch” của hàng hoá đó. Nếu việc chuyên môn hoá quốc tế dẫn đến hàng hoá được sản xuất tại nhiều quốc gia, qua nhiều công đoạn chế biến, thì quốc tịch của hàng hoá đó được xác định là nơi hàng hoá đó được sản xuất, chế biến, gia công hay lắp ráp và đáp ứng một số tiêu chuẩn nào đó phù hợp với các thoả thuận thương mại giữa các nước, khối kinh tế, khu vực hoặc các vùng lãnh thổ.

 

2. Các loại Quy tắc xuất xứ hàng hóa

Quy tắc xuất xứ hàng hóa được chia làm hai loại theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, gồm:

- Quy tắc xuất xứ ưu đãi: là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có cam kết hoặc thoả thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan.

- Quy tắc xuất xứ không ưu đãi: là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa không có cam kết hoặc thoả thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan, và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại.

 

2.1 Quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi

Một là, quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các điều ước quốc tế

Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn điều ước quốc tế đó.

Đây là loại quy tắc xuất xứ phổ biến và mang lại nhiều lợi ích về hưởng ưu đãi thuế quan cho các nước thành viên, đặc biệt trong các FTA và hiệp định đối tác kinh tế. Trên tinh thần hội nhập quốc tế, Việt Nam cho đến nay đã tham gia và ký kết 16 FTA song phương và đa phương, gồm:

  • 1996: Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) (sau này là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN năm 2009).
  • 2003: Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ACFTA).
  • 2006: Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Đại Hàn Dân Quốc (AKFTA).
  • 2007: Bản thỏa thuận giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại Vương quốc Cam-pu-chia.
  • 2008: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản (AJCEP) 2008: Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác Kinh tế (VJCEP)
  • 2009: Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Úc và Niu Di-lân (AANZ).
  • 2009: Hiệp định Thương mại hàng hóa giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ (AIFTA).
  • 2010: Bản thỏa thuận về việc thúc đẩy thương mại song phương giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia.
  • 2011: Hiệp định khu vực thương mại tự do giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chi Lê (VCFTA, sau này ký sửa đổi năm 2013).
  • 2015: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc (VKFTA).
  • 2015: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).
  • 2017: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hồng Công, Trung Quốc (AHKFTA).
  • 2018: Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba (VN-CU FTA) 2018: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
  • 2019: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Dựa trên cam kết về xuất xứ hàng hóa và thuế quan ưu đãi của các FTA mà Việt Nam là thành viên nêu trên, Bộ Công Thương đã nội luật hóa điều ước quốc tế để ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật và thông tư sửa đổi, bổ sung quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi (chi tiết xem tại Mục III của cuốn sách này). Theo đó, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền thực thi việc cấp 16 loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, với điều kiện đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa và các quy định khác của Chương Quy tắc xuất xứ tương ứng của mỗi FTA.

Hai là, quy tắc xuất xứ ưu đãi theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và các ưu đãi đơn phương khác

Việc xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và các ưu đãi đơn phương khác được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn quy tắc xuất xứ đó.

Loại quy tắc này được hiểu là quy tắc xuất xứ một chiều, do nước nhập khẩu tự nguyện dành ưu đãi GSP cho các nước đang hoặc kém phát triển được thụ hưởng, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ do các nước thuộc EU, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… quy định và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A hoặc một số Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đơn phương khác sẽ được hưởng thuế GSP khi nhập khẩu vào các nước này. Do không phải là điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ Công Thương hiện không nội luật hóa loại quy tắc xuất xứ này mà do cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thương nhân tự tìm hiểu, cập nhật để áp dụng trong thực tế các Luật, quy định nước nhập khẩu về quy tắc xuất xứ theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác.

Bảng 2: Quy định nước nhập khẩu về quy tắc xuất xứ theo GSP và các ưu đãi đơn phương khác

Mẫu C/O

Luật, quy định nước nhập khẩu về quy tắc xuất xứ

A

  • Quy định số 2015/2446 ngày 28/7/2015 của Liên minh châu Âu EU;
  • Quy định số 2015/2447 ngày 24/11/2015 của Liên minh châu Âu EU.

DA59

Luật Hải quan và Thuế số 91 ngày 27/7/1964 của Nam Phi

ICO

Quy định số 102-9 của Tổ chức cà phê thế giới ngày 27/4/2009

Peru

Quyết định cấp Bộ số 198-2003-MINCETUR/DM ngày 26/5/2003.

Thổ Nhĩ Kỳ

Luật Hải quan số 4458 ngày 27/10/1999

Venezuela

Nghị quyết số 1195 của Bộ Tài chính và số 452 của Bộ Sản xuất và Thương mại Bôliva, Vê-nê-xu-ê-la ngày 28/10/2002

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

 

2.2 Quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi

Theo Hiệp định về Quy tắc xuất xứ trong WTO, mỗi nước thành viên WTO cần phải có quy định riêng về quy tắc xuất xứ, được phân loại thành quy tắc xuất xứ không ưu đãi và sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi để hàng xuất khẩu của mình được áp thuế suất tối huệ quốc (MFN) khi xuất sang các nước thành viên WTO khác. Nếu so sánh, loại thuế này thông thường cao hơn mức thuế suất ưu đãi FTA, trong một số trường hợp có thể bằng thuế FTA. Hiện đa phần cơ quan hải quan các nước thành viên WTO không yêu cầu phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi mới được hưởng thuế suất MFN, tuy nhiên thương nhân tại Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng để minh bạch, đảm bảo về xuất xứ cho lô hàng của mình.

Chính vì mức thuế suất MFN thường cao hơn mức thuế suất FTA theo từng nhóm ngành hàng, quy tắc xuất xứ không ưu đãi được xây dựng lỏng hơn so với quy tắc xuất xứ ưu đãi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Sau hơn 10 năm Việt Nam gia nhập WTO với hành lang pháp lý đầu tiên về xuất xứ là Nghị định số 19/2006/NĐ-CP, bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi của ta đã được Chính phủ nâng cấp và quy định tại Chương III của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

Về cơ bản, quy định quy tắc xuất xứ không ưu đãi của Việt Nam, cụ thể về hàng hóa có xuất xứ thuần túy, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, các công đoạn gia công chế biến đơn giản, tỷ lệ De minimis, các yếu tố gián tiếp… Riêng đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng theo từng dòng HS 6 số của 97 Chương trong Biểu thuế đã được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là Thông tư số 05/2018/TT-BCT). Hàng hóa của thương nhân xuất khẩu đi từ Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục này và các quy tắc xuất xứ không ưu đãi của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP sẽ được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi hay còn gọi là C/O mẫu B của Việt Nam.

 

3. Một số câu hỏi thường gặp về xuất xứ hàng hóa

3.1 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị ướt nhòe có xin cấp lại được không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp sau đây:

Trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, thương nhân nộp đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan, tổ chức Giấy chứng nhận xuất xứ hàng, nêu rõ lý do đề nghị cấp lại. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại sẽ ghi số tham chiếu và ngày cấp của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng và phải được đóng dấu “CERTIFIED TRUE COPY”. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại có giá trị hiệu lực không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Như vậy, trường hợp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị ướt dẫn đến bị nhòe không nhìn thấy chữ xem như đã bị hư hỏng, sẽ được cấp lại giấy chứng nhận với lý do giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị hư hỏng.

 

3.2 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp lại có hiệu lực bao lâu?

Khoản 1 Điều 18 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp sau đây:

Trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, thương nhân nộp đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan, tổ chức Giấy chứng nhận xuất xứ hàng, nêu rõ lý do đề nghị cấp lại. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại sẽ ghi số tham chiếu và ngày cấp của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng và phải được đóng dấu “CERTIFIED TRUE COPY”. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp lại có giá trị hiệu lực không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Như vậy, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp lại sẽ chỉ có giá trị hiệu lực trong thời hạn 1 năm kể từ ngày giao hàng.

 

3.3 Hồ sơ thương nhân không có thay đổi gì thì có phải cập nhật hồ sơ không?

Khoản 3 Điều 13 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định về đăng ký hồ sơ thương nhân như sau:

Mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được cập nhật tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc thông báo cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp không có thay đổi, hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật 2 năm một lần.

Căn cứ quy định nêu trên, nếu hồ sơ thương nhân không có bất kỳ thay đổi gì thì bên bạn vẫn phải cập nhật hồ sơ thương nhân 2 năm một lần.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.