Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Môi trường của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Môi trường, gọi:  1900 6162

NỘI DUNG YÊU CẦU

Chào Công ty Luật Minh Khuê, tôi là Phạm Việt Trinh, hiện tại đang ở Phú Yên. Tôi có câu hỏi như sau để gửi đến các luật sư công ty Luật Minh Khuê:

Các yêu cầu mà về kỹ thuật và quy trình quản lý của chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải đáp ứng là gì?

Mong công ty sớm phản hồi câu hỏi này để tôi nắm rõ hơn quy định của pháp luật và mọi người có câu hỏi giống tôi cùng tham khảo. Trân thành cảm ơn Công ty Luật Minh Khuê.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ban hành ngày 23 tháng 06 năm 2014;

Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ban hành ngày 13 tháng 5 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ban hành ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu;

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại;

Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định về quản lý chất thải y tế;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Chất thải là gì?

1.1 Chất thải 

Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

Chất thải thông thường là chất thải không thuộc danh mục chất thải nguy hại hoặc thuộc danh mục chất thải nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại.

1.2 Chất thải nguy hại

Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

2. Nguyên tắc quản lý chất thải

Do những ảnh hưởng của chất thải đến môi trường, đến cuộc sống của con người và các loài sinh vật nên chất thải, các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và phải đảm bảo nguyên tắc:

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.

 Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường có liên quan.

Nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng-phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường.

Khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại cơ sở phát sinh trước khi thải ra môi trường.

Nhà nước khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải phải tuân theo quy định của pháp luật.

3. Những yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Thứ nhất, Các vấn đề chung mà chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải đảm bảo:

Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại thực hiện đăng ký với Sở Tài Nguyên và Môi trường nơi phát sinh chất thải nguy hại.

Tại cơ sở phát sinh chất thải nguy hại, chủ nguồn thải phải có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại và tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý. Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định. (Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.)

Trách nhiệm báo cáo của chủ nguồn thải chất thải nguy hại: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm định kỳ 06 (sáu) tháng báo cáo về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ khi chưa chuyển giao được trong các trường hợp: Chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi; Chưa tìm được chủ xử lý chất thải nguy hại phù hợp. Ngay cả khi chấm dứt hoạt động phát sinh chất thải nguy hại, phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng.

Quản lý chứng từ chất thải nguy hại: Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại (định kỳ và đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định.

Thứ hai, yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Lưu giữ chất thải nguy hại phải đảm bảo: Bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định tại Phụ lục 2 (A) ban hành kèm theoThông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại.

Yêu cầu khi chuyển giao chất thải nguy hại: Chỉ ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại với các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc Giấy phép quản lý chất thải nguy hại phù hợp; Khi có nhu cầu xuất khẩu chất thải nguy hại để xử lý ở nước ngoài, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tuân thủ Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (sau đây gọi tắt là Công ước Basel) theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại. (Sau thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày chuyển giao chất thải nguy hại, nếu không nhận được hai liên cuối cùng của chứng từ chất thải nguy hại mà không có lý do hợp lý bằng văn bản từ phía tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất thải nguy hại thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Tổng cục Môi trường để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.)

Trách nhiệm báo cáo: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại lập Báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 (A) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại và nộp Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp Cơ sở phát sinh chất thải nguy hại có thời gian hoạt động không quá 01 (một) năm, chủ nguồn thải chất thải nguy hại chỉ báo cáo một lần trong thời hạn 01 (một) tháng kể từ ngày chấm dứt hoạt động; Chủ nguồn thải chất thải nguy hại lập Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sử dụng chứng từ chất thải nguy hại: mỗi lần chuyển giao chất thải nguy hại sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại, trừ các trường hợp sau: Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở; Trường hợp Sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại được sử dụng thay thế cho chứng từ chất thải nguy hại trong trường hợp có hướng dẫn trong kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Lưu trữ và hình thức kê khai chứng từ chất thải nguy hại: Lưu trữ với thời hạn 05 (năm) năm tất cả các liên chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu liên quan để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Đồng thời, áp dụng việc kê khai chứng từ chất thải nguy hại và báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến trên hệ thống thông tin của Tổng cục Môi trường hoặc thông qua thư điện tử khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại thì phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục 2 (A) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại và đăng ký trong Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Trên đây là tư vấn, phân tích quy định pháp luật của chúng tôi. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp, bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Môi trường - Công ty luật Minh Khuê