1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1.1 Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, những thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp hóa đã làm cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại hơn nhưng cũng kéo theo sự gia tăng những tai nạn mang tính khách quan nằm ngoài khả năng chi phối, kiểm soát của con người. Trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều những sự vật mà bản thân sự tồn tại của chúng luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm cho những người xung quanh như: phương tiện giao thông cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp, vũ khí, chất phóng xạ... Những vật này mặc dù đã được chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiểm soát vận hành an toàn, nhưng vẫn có những thiệt hại khách quan bất ngờ xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát đó. Khoa học pháp lý gọi đây là những: “Nguồn nguy hiểm cao độ“

Theo pháp luật Việt Nam, Khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Điều luật này không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.

Ta có thể rút ra khái niệm như sau: Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật khi hoạt động có khả năng gây ra những thiệt hại bất ngờ về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho những người xung quanh mặc dù đã được chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng áp dụng những biện pháp cần thiết về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

 1.2. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 Bản thân nguồn nguy hiểm cao độ luôn tiềm ẩn trong nó “nguy cơ” gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho những người xung quanh. Tuy nhiên, thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những thiệt hại xảy ra là do hành vi của con người tác động thông qua nguồn nguy hiểm cao độ mà gây thiệt hại.VD:Lái xe phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn.

Đây được gọi là những thiệt hại có “liên quan” đến sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ. Ngược lại, có những thiệt hại xảy ra hoàn toàn là do sự tác động của bản thân nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm gây ra. VD: xe ô tô đang vận hành thì bất ngờ mất phanh, gẫy trục, gẫy cầu gây tai nạn..Chúng ta gọi đây là những thiệt hại do “tự thân” sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp này hoàn toàn độc lập và nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của con người. Nếu thiệt hại xảy ra trong trường hợp thứ nhất- thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật, có lỗi của con người, thì đây là trách nhiệm bồi thường thiệt  hại ngoài hợp đồng nói chung. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên 4 điều kiện: có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có lỗi của người gây ra thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Nếu thiệt hại xảy ra trong trường hợp thứ hai - thiệt hại xảy ra do sự tự thân hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ, hoàn toàn không có yếu tố lỗi của con người, thì đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này chỉ cần dựa trên 3 điều kiện: có thiệt hại xảy ra, có việc gây thiệt hại trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. Yếu tố lỗi không cần xem xét khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Tóm lại, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một dạng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về vật chất cũng như bù đắp những tổn thất về tinh thần cho người khác khi những người này bị hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, sức khoẻ.

2. Đặc điểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

  Trách nhiệm bồi thƣờng thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bởi nó mang đầy đủ những đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung

VD: người lái xe ô tô vận chuyển hành khách thực chất là quan hệ hợp đồng xuất phát từ sự thỏa thuận giữa hai bên: bên lái ô tô (người vận chuyển) và hành khách. Nhưng nếu trên đường đi xe ô tô bất ngờ mất phanh lao xuống vực gây tai nạn thì việc bồi thường về tính mạng, sức khỏe cho hành khách lại là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ) vì tính mạng, sức khỏe của hành khách là do pháp luật bảo vệ chứ không phải bằng hợp đồng mặc dù có sự thực hiện hợp đồng giữa hai bên.         -             Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh không cần điều kiện lỗi Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật có lỗi của con người

 Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không bao gồm thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư của cá nhân. Là một dạng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi có thiệt hại. Nếu không có thiệt hại, trách nhiệm bồi thường sẽ không bao giờ được đặt ra.

3. Quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 Cơ sở pháp lý

Điều 601 BLDS năm 2015, quy định:
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
        

  Về nguyên tắc bồi thường.

Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, nguyên tắc đảm bảo yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã được loại trừ, có nghĩa chỉ cần xác định được chủ thể có nghĩa vụ bồi thường, có hậu quả xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là đã xác lập được một quan hệ bồi thường dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều quan trọng phải xác định lỗi trong trường hợp này là lỗi có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra, lỗi xuất phát từ hành vi gây ra hậu quả. Cụ thể, theo qui định tại khoản 3 Điều 601 BLDS 2015và điểm c mục 2 phần III Nghị quyết 03 năm 2006 thì về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

– Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Theo chúng tôi, cần nhận định rõ, lỗi trong trường hợp này là lỗi đối với hậu quả xảy ra. Bởi lẽ trên thực tiễn lỗi cố ý hoàn toàn của hành vi chưa hẵn là cố ý hoàn toàn đối với hậu quả.

Ví dụ: Xe môtô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe mô tô) gây ra.

Tuy nhiên, nếu A đang lái xe môtô, B chờ sẵn nhảy vào chắn ngang trước đầu xe A để dùng cây đánh A, sau đó B bị xe A tông chết. Trường hợp này B chỉ có lỗi hoàn toàn đối với hành vi còn đối với hậu quả B không có lỗi, do vậy A không bị loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Trên thực tế, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra do sự kiện bất ngờ rất nhiều, vấn đề đặt ra là tại sao người gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ được miễn trách nhiệm hình sự nhưng lại không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường dân sự. Những hậu quả gây ra sau sự kiện bất ngờ do phía bị hại có lỗi hoàn toàn đối với hành vi hoặc do người thứ 3 có lỗi, nhưng đặt trách nhiệm dân sự cho chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là không đảm bảo tính công bằng xã hội, thiếu tính thuyết phục cộng đồng và không thống nhất giữa các qui định pháp luật đối với cùng những trường hợp khách quan, không buộc chủ thể phải thấy trước tình huống (Sự kiện bất ngờ, Tình thế cấp thiết, Sự kiện bất khả kháng). Do vậy, theo chúng tôi, khi sửa đổi, bổ sung BLDS 2015, nhà làm luật cần quan tâm đến vấn đề miễn trừ nghĩa vụ bồi thường đối với nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong sự kiện bất ngờ. Đồng thời Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn về mức độ bồi thường thiệt hại trong trường hợp không có lỗi, bởi vì đã không có lỗi mà lại chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thì không có cơ sở lý giải, khó được cộng đồng chấp nhận.


4. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trước hết, phải khẳng định chỉ xác định được ai đó là chủ thể và đảm bảo điều kiện trong trường hợp họ được xác lập tư cách đương sự trong tố tụng dân sự thì mới bàn đến việc người đó có lỗi hay không có lỗi, cũng giống như trong pháp luật hình sự, mặt dù có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có hậu quả xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nhưng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự không có tư cách thì không truy cứu trách nhiệm hình sự (người thực hiện hành vi phạm tội dưới 14 tuổi; bị tâm thần;... Do vậy, khi một người không được xác lập tư cách là chủ thể có nghĩa vụ BTTH trong các dạng được phân tích dưới đây thì mặc nhiên họ không có nghĩa vụ BTTH, cũng không cần xét đến yếu tố lỗi.


4.1. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ 

Với loại chủ thể này, phải thoả mãn 3 điều kiện sau:
3.1.1. Đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ, khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường, cả khi không có lỗi gây ra tai nạn.
3.1.2. Giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng
Một là, phải nhận định thế nào là giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng. Về lý luận, quyền chiếm hữu tài sản của người không phải là chủ sở hữu tài sản được qui định tại Điều 187 (chiếm hữu theo uỷ quyền); , Điều 188 (chiếm hữu do giao dịch dân sự) BLDS năm 2015, còn quyền sử dụng tài sản của người không phải là chủ sở hữu được qui định tại Điều 191 BLDS năm 2015. Theo đó, nội hàm các nội dung trên có nhiều yếu tố khác nhau, quyền sử dụng và quyền chiếm hữu trong trường hợp này có khác nhau căn bản về quyền và nghĩa vụ của chủ thể (chiếm hữu là nắm giữ, quản lý tài sản; sử dụng là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức).
Ví dụ: A mua một chiếc xe tải nhẹ rồi cho B thuê xe theo một hợp đồng dài hạn. B thuê C lái xe để chở hàng hóa. Ngày 12/7/2016, C chạy xe trên đường một chiều đúng quy định. D đang đi xe đạp, do không rành đường, không để ý nên vô tình đi ngược chiều, đụng phải chiếc xe tải này và bị thương nặng. Sau đó, D khởi kiện yêu cầu A và B cùng liên đới BTTH. Vụ việc đã làm phát sinh hai luồng quan điểm khác nhau, về hướng giải quyết.
+Quan điểm thứ nhất, khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015, quy định trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải cơ giới cũng phải bồi thường. Trách nhiệm này chỉ được miễn trừ nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Như vậy A. (chủ sở hữu xe) và B (người được A. giao chiếm hữu, sử dụng xe) phải liên đới bồi thường cho D vì thiệt hại của D xảy ra không phải là do lỗi cố ý của D.
+Quan điểm thứ hai cho rằng,  người lái xe hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn nên không đủ yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nếu Tòa án buộc  A và B phải liên đới bồi thường cho D sẽ không đảm bảo tính công bằng. Vì theo quy định tại khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại, tránh việc chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng xe máy, ôtô thoái thác trách nhiệm bồi thường với lý do không có lỗi trong việc quản lý, sử dụng xe. Điều luật cũng đặt ra các trường hợp miễn trừ trách nhiệm là khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hay thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Tuy nhiên, pháp luật chưa bao quát được hết các tình huống xảy ra. Chẳng hạn tình huống chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện không có lỗi trong việc quản lý, sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện không có lỗi trong tai nạn, nhưng thiệt hại xảy ra không phải do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì sao? Để công bằng, cần phải quy định theo hướng một khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện không có lỗi thì không phải bồi thường.
Nghiên cứu quy định tại Điều 187 và Điều 188 BLDS năm 2015 cho thấy, một chủ thể có quyền chiếm hữu nhưng có thể hạn chế quyền sử dụng (theo phạm vi ủy quyền, giao dịch), nhưng cũng có chủ thể chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu. Do vậy, trên thực tiễn đã có sự nhận thức không thống nhất. Có quan điểm cho rằng giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng có nghĩa là một trong hai quyền, hoặc là giao chiếm hữu, hoặc là giao sử dụng. Quan điểm khác cho rằng đây là sự sai sót của nhà làm luật, lẽ ra dấu phẩy giữa từ chiếm hữu và từ sử dụng phải được thay bằng từ “và” (chiếm hữu và sử dụng). Theo chúng tôi, cần hiểu rõ rằng, quyền của người được giao chiếm hữu tài sản và quyền của người được giao sử dụng mặc dù phải tuân thủ giới hạn phạm vi nội dung giao dịch, nội dung uỷ quyền nhưng trong nhiều trường hợp là ngang nhau, khó phân biệt. Do đó, để xác định nghĩa vụ BTTH phải nhận thức rõ là khi chủ thể được giao quyền chiếm hữu thì đã phát sinh nghĩa vụ BTTH tương ứng với nội dung uỷ quyền hoặc nội dung giao dịch, còn chỉ được giao quyền sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu thì không phát sinh nghĩa vụ BTTH đối với người sử dụng (trừ trường hợp các chủ thể có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội).
Hai là, chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng không đúng qui định của pháp luật (giao cho người điều khiển phương tiện mà biết rõ không đủ điều kiện về chứng chỉ hành nghề; không có giấy phép lái xe theo quy định; …)
Ba là, người được chủ sở hữu giao nguồn nguy hiểm cao độ chưa đủ yếu tố xác định là người chiếm hữu, sử dụng. Thuộc trường hợp người được giao nguồn nguy hiểm cao độ nhưng đang sử dụng nó trong tầm quản lý, nắm giữ của chủ sở hữu (không có quyền chiếm hữu) nếu gây thiệt hại thì chủ sở hữu vẩn phải bồi thường.
3.1.3. Chủ sở hữu có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải chịu bồi thường liên đới với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật cả khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng không có lỗi trong việc gây tai nạn. Tùy theo mỗi loại nguồn nguy hiểm cao độ mà mức độ, phạm vi, biện pháp trông coi, quản lý, vận chuyển, sử dụng khác nhau. Do vậy để nhận định thế nào là có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, sử dụng phải căn cứ vào các qui định liên quan đến việc trông coi, bảo quản, vận chuyển, sử dụng một đối tượng nguồn nguy hiểm cao độ cụ thể (Xe máy thì bảo quản, trông coi theo qui định Luật giao thông đường bộ; thuốc nổ, vũ khí thì trông coi, bảo quản theo qui định của Nghị định 175...)
 

4.2. Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.

Với loại chủ thể này, cũng phải thoả mãn 3 điều kiện
Như phân tích ở phần trên, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo luật định có 02 trường hợp, đó là được giao theo phạm vi uỷ quyền (Điều 187); giao theo giao dịch dân sự (Điều 188), khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm BTTH cả khi người được chủ sở hữu giao hay người thứ ba được người này giao lại nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi trong việc gây tai nạn, với các trường hợp sau:
Một là, người được chủ sở hữu giao đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (trừ trường hợp có thoả thuận là chủ sở hữu bồi thường trước, người được giao bồi thường sau).

Ví dụ: B thuê xe ô tô của A để đi du lịch. Theo thỏa thuận, nếu có thiệt hại do tai nạn ôtô thì A bồi thường toàn bộ trước, sau đó B hoàn lại cho A sau. Trường hợp này, khi giải quyết B không phải bồi thường. Ngược lại, nếu không có thoả thuận trước, thì theo quy định B phải bồi thường toàn bộ.
Hai là, giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người thứ ba. Đây là trường hợp người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nhưng đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải có nghĩa vụ BTTH trong hai tình huống sau:
+Tình huống 1: Việc giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người thứ ba không đảm bảo yếu tố xác định người thứ 3 đang có quyền chiếm hữu, sử dụng. Người thứ ba chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu hoặc không được chủ sở hữu đồng ý. Ví dụ: Theo hợp đồng ký kết, B được A giao chiếm hữu, sử dụng xe ôtô 07 chỗ để đi du lịch. Cùng đi với B có C, do đã uống bia với người bạn lúc dừng chân ăn trưa, nên B giao cho C điều khiển (C có đủ điều kiện lái xe theo quy định) và gây tai nạn. Trường hợp này, B là người chịu trách nhiệm BTTH. Tương tự như vậy, sau khi nhận xe ô tô từ A, B cho C thuê lại theo hợp đồng giữa B và C, nhưng không được A đồng ý, hậu quả tai nạn xảy ra, thì B phải bồi thường.
+Tình huống 2: Việc giao nguồn nguy hiểm cao độ đúng pháp luật nhưng có thoả thuận trước việc bồi thường hoặc liên đới bồi thường.
Ba là, người thứ ba được giao nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Trường hợp này giống trường hợp của chủ sở hữu. Ví dụ: B thuê xe ôtô của A đi du lịch, nhưng do chủ quan khi rời khỏi xe, B không rút chìa khoá ra khỏi ổ khóa; không khoá cửa xe lại, để C chiếm đoạt xe bất hợp pháp, bị truy đuổi , C bỏ chạy gây tai nạn. Trường hợp này người có nghĩa vụ bồi thường là B.
 

4.3. Người thứ ba được giao chiếm hữu, sử dụng


 Đây thuộc trường hợp tiếp theo, người thứ ba nhận nguồn nguy hiểm cao độ từ người được chủ sở hữu giao. Ở nội dung này, hướng xử lý cũng tương tự như các phần phân tích ở trên. Trách nhiệm bồi thường phát sinh cả khi người được chủ sở hữu gia hay người thứ ba chiếm hữu, sử dụng không có lỗi trong việc gây tai nạn, trong các trường hợp sau:
Một là, người thứ ba đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (trừ trường hợp có thoả thuận người được chủ sở hữu giao bồi thường trước).
Hai là, người thứ ba giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác. Trường hợp này, có hai tình huống sau:
+Tình huống 1: Việc giao cho người khác  nhưng không đảm bảo yếu tố xác định người khác đang có quyền chiếm hữu, sử dụng. Nghĩa là, giao sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu hoặc không được chủ sở hữu đồng ý.
+ Tình huống 2: Việc giao đúng pháp luật nhưng có thoả thuận bồi thường trước hoặc liên đới bồi thường.
Ba là, người thứ ba có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ôtô, B thuê xe của A và cho C thuê lại được A đồng ý. C cho D thuê lại nhưng không được A đồng ý. D gây tai nạn thì C phải có trách nhiệm bồi thường.
Ngoài các chủ thể có nghĩa vụ BTTH trên, trong quan hệ dân sự, nếu có người khác không được giao, không chiếm giữ trái pháp luật nhưng cùng có lỗi trong việc khiến nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn thì người đó cũng có nghĩa vụ bồi thường liên đới trên phạm vi lỗi của mình. Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ôtô đang lái xe thì bất ngờ B chạy ngang qua đường khiến A lệch tay lái tông vào C và D gây tai nạn. Trong trường hợp này A gặp sự kiện bất ngờ, nghĩa vụ BTTH thuộc về A và B cùng liên đới trách nhiệm.
 

5. Về trách nhiệm bồi thường liên đới bồi thường thiệt hại


Điều 587 BLDS năm 2015, qui định:“Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”
Tuy nhiên, thực tiễn vốn rất đa dạng. Ví dụ: A và B biết C không uống được rượu, nên A và B đã cưỡng bức C phải uống rượu cho đến khi C bị say, mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Sau đó, C chạy xe máy của mình gây tai nạn làm một người đi đường bị thương.
Theo khoản 1 Điều 596 BLDS năm 2015, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này, C uống rượu đến say là do bị cưỡng bức, C hoàn toàn không cố ý sử dụng rượu để đặt mình vào tình trạng say rượu (khoản 2 Điều 596), vậy buộc C phải BTTH có công bằng?
Mặt khác, có thể xác định A và B là những người cùng gây ra thiệt hại để buộc cùng liên đới bồi thường theo quy định tại Điều 587 BLDS năm 2015 không? Ở đây, họ chỉ ép C uống rượu chứ đâu có ép C chạy xe máy dẫn đến tai nạn?
Về yếu tố lỗi, ngày 29/8/2016, ông P. say rượu chạy xe quá tốc độ, đụng phải bà E. đang cố ý đi ngược chiều cho tiện đường làm bà E. bị thương nặng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015, khi người bị thiệt hại có lỗi thì không được bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Nghĩa là ông P. chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Tuy nhiên, làm sao để xác định được chính xác mức độ lỗi của ông P., bà E. để đảm bảo “phần bồi thường tương ứng”?
Một tình huống khác, hiện cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về các giải quyết, cụ thể: Nguyễn Thành Q., 14 tuổi, học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi, phường 3, thành phố V.. Thời gian ra chơi tại trường, Q. ra nhà ông H. (chú ruột của Q.) gần đó, lấy xe mô tô của chú chạy, lấn trái gây tai nạn làm một người bị thương nặng. Khi giải quyết vụ đòi bồi thường của nạn nhân, vấn đề xác định trách nhiệm liên đới theo hướng:
+Nếu người chú không có lỗi trong việc để cho em Q. lấy xe mô tô, trường học có lỗi trong việc quản lý em thì nhà trường nơi Q. đang học phải bồi thường.
+Nếu người chú không có lỗi trong việc để cho em Q. lấy xe, trường học không có lỗi trong việc quản lý em thì cha mẹ hoặc người giám hộ của em phải bồi thường.
+Nếu người chú có lỗi trong việc để cho em Q. lấy xe, trường học không có lỗi trong việc quản lý em thì người chú phải liên đới với cha mẹ hoặc người giám hộ của em để bồi thường.
+Nếu người chú có lỗi để cho em Q. lấy xe, trường học cũng có lỗi trong việc quản lý thì người chú phải liên đới với trường học để bồi thường.
Cũng có ý kiến cho rằng, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi (khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015), nên chú của Q. và Nhà trường hoặc cha, mẹ (người giám hộ) của Q. cùng liên đới trách nhiệm BTTH.
Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chỉ phát sinh nghĩa vụ liên đới bồi thường trong các trường hợp sau:
Một là, giữa các chủ thể đã thoả thuận cùng liên đới bồi thường.
Hai là, chủ thể có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường liên đới giữa người chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp với chủ thể đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đúng pháp luật.
Ba là, người khác không chiếm hữu, sử dụng nhưng có lỗi trong việc làm cho nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn thì phát sinh trách nhiệm bồi thường liên đới giữa người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp và người cùng có lỗi gây tai nạn.
Hiện nay, với tình hình tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường bộ nói riêng xảy ra còn nhiều, tính chất mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỉ lệ cao, thực tế áp dụng qui định về trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ở không ít cơ quan tiến hành tố tụng, còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất, điều lúng túng nhiều nhất là việc xác định chủ thể bồi thường và mức độ BTTH trong trường hợp không có lỗi.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực dân sự cũng như những vấn đề khác, quý khách , gọi: 1900.6162 để được luật sư, chuyên gia pháp lý tư vấn và giải đáp trực tiếp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê !