Luật sư tư vấn:

1. Khái quát về đấu thầu

Đấu thầu là phương thức giao dịch đặc biệt, người muốn Xây dựng một công trình (người gọi thầu) công bố trước các yêu cầu và điều kiện xây dựng công trình, người dự thầu công bố giá mà mình muốn nhận, người gọi thầu qua so sánh để lựa chọn nhà thầu có lợi nhạt cho mình theo các điều kiện do mình đưa ra,

Đấu thầu là phương thức được áp dụng nhằm tuyển chọn tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và lựa chọn đối tác để thực hiện dự án hoặc từng phần dự án. Tham gia đấu thầu gồm có:

1) Bên mời thầu (bên gọi thầu) là chủ dự án, chủ đầu tư hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp của chủ dự án, chủ đầu tự được giao trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu;

2) Nhà thầu là tổ chức kinh tế có đủ tư cách pháp nhân tham gia đấu thầu. Riêng đối với đấu thầu tuyển chọn tư vấn, nhà thầu có thể là cá nhân, Cuộc đấu thầu chỉ có các nhà thầu trong nước tham dự gọi là đấu thầu trong nước. Cuộc đấu thầu có các nhà thầu trong nước và nước ngoài tham dự gọi là đấu thầu quốc tế. Đấu thầu quốc tế là hình thức tương đối phổ biến được thực hiện ở các nước đang phát triển, do thiếu khả năng, kĩ thuật để tự đảm nhận xây dựng các công trình cơ bản lớn. Cuộc đấu thầu chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện pháp luật quy định.

Cách thức đấu thầu được áp dụng tùy thuộc vào đối tượng đấu thầu. Quy trình cơ bản của việc tiến hành đấu thầu gồm: Bên mời thầu ra thông báo mời thầu, căn cứ vào thông báo mời thầu, nhà thầu sơ bộ đánh giá nội dung mời thầu và lập hồ sơ tham gia đấu thầu, bên mời thầu sẽ lựa chọn nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu của mình một cách có lợi nhất. Khi chọn được nhà thầu, bên mời thầu tiến hành thủ tục phê duyệt và công bố kết quả đấu thầu.

 

2. Khái niệm đấu thầu

Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật đấu thầu 2013:

“Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

Như vậy, ta có thể thấy, đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để bên bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể. Như vậy, bản chất của đấu thầu đã được xã hội thừa nhận như 1 sự cạnh tranh lành mạnh để được thực hiện 1 việc nào đó, một yêu cầu nào đó.

 

3. Đặc điểm của đấu thầu

Như đã nói ở trên, “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

Vậy ta có thẻ rút ra một số đặc điểm của đấu thầu như sau:

- Thứ nhất: Đấu thầu là 1 hoạt động thương mại. Trong đó bên dự thầu là các thương nhân có đủ điều kiện và mục tiêu mà bên dự thầu hướng tới là lợi nhuận, còn bên mời thầu là xác lập được hợp đồng mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ với các điều kiện tốt nhất cho họ.

- Thứ hai: Đấu thầu là 1 giai đoạn tiền hợp đồng. Hoạt động đấu thầu luôn gắn với quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong nền kinh tế đấu thầu không diễn ra như 1 hoạt động độc lập, nó chỉ xuất hiện khi con người có nhu cầu mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Mục đích cuối cùng của đấu thầu là là giúp bên mời thầu tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và giá cả tốt nhất. Sau khi quá trình đấu thầu hoàn tất, người trúng thầu sẽ cùng với người tổ chức đấu thầu đàm phán, để kí hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay xây lắp công trình.

- Thứ ba: Chủ thể tham gia quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ. Theo Luật thương mại, trong hoạt động đấu thầu có thể xuất hiện bên thứ ba như các công ty tư vấn giúp lập hồ sơ mời thầu, chuyên gia giúp đỡ, đánh giá hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên đây là hoạt động không qua trung gian, không có thương nhân làm dịch vụ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân khác nhận thù lao. Trong khi đó, Luật đấu thầu 2013 đã quy định thêm về tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp bao gồm đại lí đấu thầu, đơn vị sự nghiệp được thành lập và chức năng thực hiện đấu thầu chuyên nghiệp.Việc thành lập và hoạt động của đại lí đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Quan hệ đấu thầu luôn được xác lập giữa 1 bên mời thầu và nhiều bên dự thầu. Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ như trong trường hợp chỉ định đầu tư.

- Thứ tư: Hình thức pháp lí của quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu. Hồ sơ mời thầu là văn bản pháp lí do bên mời thầu lập, trong đó có đầy đủ những yêu cầu về kĩ thuật, tài chính và thương mại của hàng hóa cần mua sắm, dịch vụ cần sử dụng. Còn hồ sơ dự thầu thể hiện năng lực, mức độ đáp ứng của bên dự thầu trước các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.

- Thứ năm: Giá của gói thầu: xét trên góc độ giá cả thì đấu thầu cần thiết phải có sự khống chế về giá, gọi là giá gói thầu hoạc dự toán _ được đưa ra bởi bên mời thầu theo khả năng tài chính của bên mời thầu. Bên dự thầu đưa ra giá cao hơn khẳ năng tài chính của bên mời thầu thì dù có tốt đến mấy cũng khó có thể thắng thầu. bên dự thầu nào đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu mà có giá càng thấp thì sẽ càng có cơ hội chiến thắng.

3.1. Hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 180 ngày

Về hiệu lực của HSDT, theo quy định tại khoản 42, Điều 4 Luật Đấu thầu, thời gian có hiệu lực của HSDT là số ngày được quy định trong HSMT và được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong HSMT. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày đóng thầu được tính là 1 ngày.

"Điều 4. Giải thích từ ngữ ...

42. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất là số ngày được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày đóng thầu được tính là 01 ngày."

Đồng thời tại điểm l Khoản 1 Điều 12 quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu có nội dung quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu; trường hợp gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu theo phương thức hai giai đoạn, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án.

Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cộng thêm 30 ngày.

Trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và không được thay đổi nội dung trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư từ chối gia hạn thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sẽ không còn giá trị và bị loại; bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày bên mời thầu nhận được văn bản từ chối gia hạn.

Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định một trong những nội dung đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu là có đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; trong đơn dự thầu, nhà thầu phải nêu rõ tiến độ thực hiện gói thầu phù hợp với đề xuất về kỹ thuật.

Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh.

Điểm c Khoản 2 Điều 18 Nghị định 63/2014/nđ-cp cũng quy định về việc đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu trong đó có tiêu chuẩn rằng hiệu lực của hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

Tại Điểm l, Khoản 1, Điều 12 Luật Đấu thầu quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

Trường hợp gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu theo phương thức hai giai đoạn, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.

Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án.

Đối với trường hợp của bạn, việc hồ sơ mời thầu quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 30 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu là không trái với quy định của pháp luật đấu thầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải bảo đảm đến khi ký kết hợp đồng thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu vẫn còn hiệu lực.

 

3.2. Cách ghi hiệu lực hồ sơ dự thầu

Đối với trường hợp trên, nếu hồ sơ mời thầu quy định hồ sơ dự thầu phải có hiệu lực 120 ngày và thời điểm đóng thầu là 9h ngày 07/9/2018 thì các hồ sơ dự thầu ghi thời gian có hiệu lực là 120 ngày kể từ ngày 07/9/2018 hoặc kể từ 9h ngày 07/9/2018 được coi là đáp ứng yêu cầu về thời gian có hiệu lực. Trường hợp hồ sơ dự thầu ghi thời gian có hiệu lực với điểm bắt đầu muộn hơn thời điểm đóng thầu (ví dụ: 9h30 ngày 07/9/2018) bị coi là không đáp ứng yêu cầu về thời gian có hiệu lực.

Hiện nay, một trong các sai sót thường gặp khi nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu là ghi sai hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Vì vậy, để hạn chế các sai sót này, nhà thầu khi chuẩn bị hồ sơ dự thầu, nên đọc kỹ thông tin trong chỉ dẫn nhà thầu về thời điểm đóng thầu, mở thầu, ngày bắt đầu và số ngày có hiệu lực. Ngoài ra, chỉ cần ghi ngày bắt đầu có hiệu lực (không cần ghi cụ thể thời điểm, giờ bắt đầu) và số ngày có hiệu lực thì hồ sơ dự thầu đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về thời gian có hiệu lực, ví dụ: Có thể ghi là 120 ngày kể từ ngày 07/9/2018, không nhất thiết phải ghi là 120 ngày kể từ 9h00 ngày 07/9/2018.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!