1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ

Trên cơ sở vị trí pháp lý mà Hiến pháp đã ghi nhận, Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

+ Lãnh đạo công tác của các bộ, các cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở; hương dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;

+ Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân;

+ Trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội;

+ Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, các dịch vụ công; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia;

+ Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình; bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường;

+ Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;

+ Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê của Nhà nước; công tác thanh tra và kiểm tra nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong bộ máy nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

+ Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;

+ Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; thống nhất quản lý công tác thi đua khen thưởng;

+ Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố’ trực thuộc trung ương;

+ Phối hợp với uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương của đoàn thể nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

2. Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người

Bởi lẽ, các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người chỉ được đi vào đời sống khi Chính phủ triển khai thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể và thiết thực trong phạm vi quyền hạn của mình. Chính phủ với chức năng vừa là thiết chế chấp hành của Quốc hội, vừa là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức điều hành hoạt động hành chính của Nhà nước giữ vị trí trung tâm của việc thực hiện quyền hành pháp. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân với cơ quan thực hiện quyền hành pháp được xem là mối quan hệ có tính phổ biến. Trong mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ và đội ngũ cán bộ công chức trong Nhà nước XHCN được xác định là mối quan hệ gắn bó máu thịt. Chính phủ tổ chức các hoạt động quản lý xã hội, quản lý đất nước nhằm mục đích đảm bảo các quyền cơ bản của con người và quyền của công dân trên mọi lĩnh vực của đối sống như kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, v.v... Mặc dù Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định trong số 11 nhiệm vụ và quyền hạn, chỉ có một nhiệm vụ là: “Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình song cần thấy rằng, tất cả các nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ chính là nhằm một mục đích lớn lao là thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang triển khai thực hiện.

3. Chính phủ có vai trò đảm bảo về thể chế bảo vệ quyền con người

Chính phủ là cơ quan không chỉ chấp hành Quốc hội mà Chính phủ còn là cơ quan có vai trò chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức và quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Trong hoạt động của mình, Chính phủ không phải là thực thể thụ động chấp hành Quốc hội một cách khiên cưỡng mà Chính phủ là cơ quan chủ động đưa ra các biện pháp đảm bảo quyền con người và trực tiếp thực hiện chính sách thúc đẩy và đảm bảo quyền con người. Mặc dù Chính phủ không có chức năng lập hiến và lập pháp song Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thẩm quyền lập quy (lập pháp ủy quyền). Đối với các quy định về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật chưa rõ ràng, thiếu thống nhất thì về thực tế, Chính phủ không thể chấp hành mà không thuộc thẩm quyền ban hành Nghị định.

4. Khái quát về hoạt động lập quy

Có nhiều quan điểm, cách tiếp cận và cách hiểu về hoạt động lập quy (HĐLQ), phạm vi lập quy, chủ thể thực hiện quyền lập quy, nội dung, mục đích của HĐLQ. Tuy nhiên, về giá trị pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do các chủ thể có thẩm quyền lập quy (như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ…) ban hành là các văn bản dưới luật, được ban hành trên cơ sở quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất, kịp thời và hiệu quả.

Quyền lập quy được hiểu là quyền ra những văn bản dưới luật có tính chất quy phạm pháp luật, quyết định các chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ lợi ích Nhà nước, trật tự xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân1.

Hiện nay, thẩm quyền lập quy được Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định và trao cho nhiều chủ thể khác nhau trong bộ máy nhà nước (gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước…). Tuy nhiên, trong bài viết chỉ tập trung đề cập HĐLQ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là hoạt động lập quy của Chính phủ).

5. Hoạt động lập quy của Chính phủ

HĐLQ của Chính phủ là hoạt động ban hành các quy phạm dưới luật trong quá trình thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật (VBPL) của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện áp dụng thống nhất, kịp thời, phù hợp và hiệu quả pháp luật, tổ chức quản lý nhà nước (QLNN) trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về phạm vi và giá trị pháp lý, các VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước.

HĐLQ là một trong những thẩm quyền quan trọng của Chính phủ. Thẩm quyền này thực chất không phải là một quyền hạn độc lập mà mang tính phụ thuộc, có nghĩa là, để hướng dẫn áp dụng các văn bản cao hơn chứ không tồn tại một cách độc lập. Do đó, quyền lập quy mang tính hạn chế ở những mức độ khác nhau.

Thứ nhất, cơ sở lý luận đối với quyền lập quy của Chính phủ xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động quản lý hành chính với nội dung chấp hành – điều hành. Để thực hiện được chức năng quản lý hành chính của mình, HĐLQ là một trong những hoạt động chính của Chính phủ.

Thứ hai, về đối tượng của quyền lập quy của Chính phủ, Điều 100 Hiến pháp năm 2013 quy định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành VBPL để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật. Tuy nhiên, về tính chất pháp lý và hình thức VBPL của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các thành viên của Chính phủ ban hành có thể là VBQPPL (như nghị định, nghị quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ) và văn bản cá biệt, chỉ áp dụng một lần đối với một đối tượng cụ thể như: quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm thứ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ…

Thứ ba, về chủ thể thực hiện quyền lập quy được Hiến pháp và Luật Ban hành VBQPPL quy định: Chính phủ được ban hành VBPL theo quy định tại Điều 100 Hiến pháp năm 2013. Cụ thể hóa quy định này, Chính phủ ban hành VBQPPL để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Điều 6 - 27 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Điều 19 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015; thẩm quyền ban hành văn bản của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 30 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Điều 20 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định cụ thể: Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định. Việc ban hành VBPL của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình được quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Điều 24 - 25 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015; tại khoản 5 - 6 Điều 6 Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền ban hành các VBQPPL.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)