Mục lục bài viết
- 1. Được giảm thời hạn cải tạo không giam giữ là gì?
- 2. Được xét giảm thời hạn chấp hành án bao nhiêu lần trong 1 năm?
- 3. Người bị phạt cải tạo không giam giữ có được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần?
- 4. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị bệnh hiểm nghèo có được xét giảm án?
- 5. Lao động nữ có thai có phải làm việc phục vụ cộng đồng?
1. Được giảm thời hạn cải tạo không giam giữ là gì?
Thưa luật sư, chồng tôi bị chịu hình phạt 2 năm cải tạo không giam giữ. Tôi nghe nói có quy định về trường hợp giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Vậy xin hỏi chồng tôi cần đáp ứng những điều kiện gì để được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ? Xin cảm ơn Luật sư!
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 102 Luật thi hành án hình sự năm 2019 thì điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được quy định như sau:
"1. Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;
b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự."
Như vậy, những điều kiện kia bắt buộc phải có đủ thì mới đủ điều kiện để xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, chồng bạn sẽ có thể được xét giảm thời hạn nếu có đủ các điều kiện trên,
2. Được xét giảm thời hạn chấp hành án bao nhiêu lần trong 1 năm?
Thưa luật sư, cháu tôi bị phạt cải tạo không giam giữ 18 tháng về tội vô ý gây thương tích. Cháu tôi đã chấp hành được 8 tháng và trong thời gian chấp hành án cháu luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật và cũng bị khấu trừ 16% thu nhập. Cho hỏi cháu tôi có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án không? Và 1 năm cháu tôi có thể được xét giảm bao nhiêu lần? Xin cảm ơn nhiều!
Trả lời:
Thứ nhất, về điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
Theo quy định tại Điều 102 Luật THAHS 2019 thì điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được quy định như sau:
1. Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;
b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, cháu bạn đã chấp hành được 8 tháng tức là đã chấp hành được nhiều hơn 1/3 thời hạn án phạt và như bạn trình bày thì trong thời gian chấp hành án cháu luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật và cũng bị khấu trừ 16% thu nhập. Vậy cháu bạn đã đáp ứng hai điều kiện để có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt. Vì bạn không nêu rõ là cháu bạn có bị bồi thường dân sự hay không nên nếu như trong quyết định của Tòa án có quy định về việc bồi thường dân sự thì cháu bạn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự này cộng với 2 điều kiện trên thì mới có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt. Ngược lại, nếu cháu bạn chưa thực hiện nghĩa vụ này thì không đủ điều kiện để xét giảm.
Thứ hai, về số lần xét giảm trong 1 năm:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 102 Luật THAHS 2019 về Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ: " 2. Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng."
Như vậy, nếu cháu bạn đủ điều kiện để xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ thì tối đa 1 năm cháu bạn được xét giảm 1 lần, thời hạn giảm từ 3 tháng đến 9 tháng.
3. Người bị phạt cải tạo không giam giữ có được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần?
Thưa luật sư, Tháng 10/2019, con tôi được Tòa án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong thời hạn 24 tháng. Tại thời điểm cháu bị kết án thì cháu mới 16 tuổi. Tháng 6/2020, con tôi có làm đơn xin được giảm thời hạn chấp hành án phạt và được Tòa án cho giảm 4 tháng án phạt. Đến thời điểm bây giờ là tháng 12/2020, liệu con tôi có thể làm đơn xin giảm án nữa hay không, cháu vẫn luôn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật ạ? Xin cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 102 Luật THAHS 2019 về việc Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ thì:
"2. Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng.
3. Người chấp hành án có thể được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi thì phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án."
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC thì :
Điều 7. Mức giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án một lần, mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến chín tháng. Trường hợp trong năm đó, sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công mới hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm tiếp nhưng tối đa là hai lần trong một năm.
Do đó, nếu như con bạn đã được xét giảm thời hạn chấp hành án vào tháng 6/2020 thì đến tháng 12/2020, con bạn vẫn chưa thể làm đơn xin giảm thời hạn chấp hành án được vì luật quy định mỗi năm người chấp hành án chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án 1 lần.Trường hợp trong năm 2020, sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công mới hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo thì con bạn có thể được xét giảm tiếp nhưng tối đa là hai lần trong một năm
Hoặc nếu như con bạn vẫn đủ điều kiện để xét giảm chấp hành án phạt thì con bạn có thể làm đơn xin giảm thời hạn chấp hành án phạt vào năm tiếp theo và đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án nếu như con bản dưới 18 tuổi, và đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án nếu như con bạn thời điểm hiện tại từ 18 tuổi trở lên.
4. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị bệnh hiểm nghèo có được xét giảm án?
Thưa luật sư, vợ tôi đánh bạc và bị Tòa tuyên phạt cải tạo không giam giữ 14 tháng. Hiện vợ tôi đã chấp hành được 7 tháng thì cơ thể vợ tôi bị suy nhược, thường xuyên đau nhức trong người, gia đình cho đi khám thì phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Vậy với tình hình của vợ tôi như vậy, xin hỏi luật sư là vợ tôi có thể được xét giảm hết thời hạn còn lại không? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Về điều kiện xét giảm ngay, căn cứ vào quy định tại Khoản 5 Điều 102 Luật THAHS 2019: "5. Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại."
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC thì người bị phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực quyết định miễn chấp hành án phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
- Không còn nguy hiểm cho xã hội.
Theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC thì Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp người chấp hành án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Do đó, với trường hợp của vợ bạn thì có thể được xét giảm ngay, tức được miễn chấp hành án phạt.
5. Lao động nữ có thai có phải làm việc phục vụ cộng đồng?
Thưa luật sư, vợ tôi đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, hiện đang mang thai tháng thứ 3 và không có việc làm. Vậy vợ tôi có thuộc trường hợp phải lao động phục vụ cộng đồng hay không? Xin cảm ơn !
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 101 Luật THAHS 2019:
"5. Người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người chấp hành án được xác định là không có việc làm hoặc bị mất việc làm, Công an cấp xã có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, quyết định buộc người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.
Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nêu rõ loại công việc, thời gian lao động phục vụ cộng đồng dự kiến buộc người chấp hành án phải thực hiện.
Căn cứ quyết định buộc người chấp hành án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng, Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho người chấp hành án thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng dưới sự giám sát của Công an cấp xã."
Khoản 4 Điều 36 BLHS 2015 quy định:
“ Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm ngèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự”
Như vậy, hiện tại vợ bạn đang mang thai tháng thứ 3 thì không thuộc trường hợp phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.
Lưu ý thêm:
- Có thể giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ nhiều lần không?
Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có thể được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là người chưa thành niên thì phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án phạt là hai phần năm mức án.
- Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp đặc biệt?
Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đã lập công đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là một năm, nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác. Trân trọng./.