Mục lục bài viết
1. Các trường hợp áp dụng hình phạt cảnh cáo?
Khách hàng: Thưa Luật sư, một người phạm tội như thế nào thì chỉ áp dụng hình phạt cảnh cáo ạ? Cảm ơn!
Trả lời:
Theo Điều 34 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:
Điều 34. Cảnh cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Theo điều này, bộ luật không giải thích cảnh cáo được hiểu như thế nào, nhưng ta có thể hiểu "Cảnh cáo" là một hình thức xử phạt vi phạm khi một người nào đó có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nói riêng và vi phạm pháp luật (vi phạm hành chính, dân sự) nói chúng. Có thể là bị vi phạm kỉ luật, làm sai nguyên tắc, quy tắc hay yêu cầu ở mức có thể sửa sai.
Đây là hình phạt nhẹ nhất, mang tính cưỡng chế ít nhất đối người phạm tội. Nó không tước bỏ quyền của người phạm tội như quyền tự do đi lại, quyền sống... nhưng cảnh cáo gây cho họ những tổn thất nhất định về tinh thần, người bị kết án đã phải chịu sự lên án của Nhà nước về này góp phần bảo đảm định hướng giảm hình phạt tù.
"Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt." vậy tội phạm ít nghiêm trọng đó là tội: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a khoản 1 Điều 9 bộ luật này).
Như vậy, với câu hỏi của bạn thì chỉ áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với tội phạm ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
2. Hình phạt tiền theo Bộ luật hình sự mới nhất
Theo Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 35. Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù(điểm b khoản 1 Điều 9).
- Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù (điểm c khoản 1 Điều 9).
Ví dụ: tội gây ô nhiễm môi trường mà chủ thể gây ô nhiễm sẽ bị phạt tiền là hình phạt chính như sau:
"Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 kilôgam đến dưới 50.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;..."
Thứ hai, hình phạt tiền được áp dụng làm hình phạt bổ sung theo khoản 2 như sau:
"Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định."
hình phạt tiền được áp dụng làm hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định.
Ví dụ về tội tham những bao gồm các tội như sau:
+ Tội tham ô tài sản (Điều 253);
+ Tội nhận hối lộ (Điều 354);
+ Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355);
+ Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356);...
Theo khoản 3, "Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng." Như vậy khi áp dụng hình phạt tiền cần có điều kiện nhất định.
Thứ nhất, về loại tội phạm có thể được áp dụng hình phạt tiền
Khi áp dụng là hình phạt chính: hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng thuộc các nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội khác ta vừa nói trên. Do đó, khi xét xử Tòa án có thể quyết định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tất cả các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng mà trong điều luật có quy định hình phạt chính là hình phạt tiền; đồng thời có thể áp dụng đối với một số nhóm tội rất nghiêm trọng thuộc nhóm danh về kinh tế, môi trường, trật tự an toàn công cộng... Tòa án không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (nhóm tội có mức án trên 15 năm tù, chung thân hoặc tử hình).
Khi áp dụng là hình phạt bổ sung: hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với nhóm tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc một số tội phạm khác.
Thứ hai, về khả năng tài chính và điều kiện kinh tế của chủ thể thực hiện tội phạm.
Đối với cá nhân thực hiện tội phạm: khả năng tài chính của cá nhân chính là các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội, các giấy tờ chứng minh quyền tài sản của họ mà chứng minh được với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về khả năng thi hành án được nếu bị áp dụng hình phạt tiền. Việc chứng minh khả năng tài chính của cá nhân thực hiện hành vi phạm tội phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan trong quá trình thực hiện chính sách quản lý tài sản của công dân của Nhà nước ta.
Thứ ba,về đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền
Như vậy, đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền chính là các chủ thể của tội phạm hình sự gồm cá nhân (có năng lựac trách nhiệm hình sự) và pháp nhân thương mại.
3. Các trường hợp bị áp dụng hình phạt trục xuất khỏi Việt Nam?
Theo Điều 37 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
Điều 37. Trục xuất
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Trục xuất được hiểu là một trong những biện pháp áp dụng với người nước ngoài buộc họ phải rời khởi lãnh thổ Việt Nam. Khi có căn cứ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định hiện nay.
Trên thực tế không phải mọi trường hợp người nước ngoài phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam thì hình phạt trục xuất sẽ luôn áp dụng bình đẳng như nhau. Bởi vì, đối với những trường hợp thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Theo quy định của pháp luật hình sự người chịu hình phạt này phải mang án tích trong thời hạn nhất định. Điều này khác hoàn toàn so với trục xuất hành chính là biện pháp áp dụng đối với người nước ngoài có các hành vi vi phạm các quy định pháp luật hành chính, đây là một dạng trách nhiệm hành chính, người vi phạm không phải mang án tích. Ngoài ra, người nước ngoài phạm tội buộc phải chịu hình phạt trục xuất theo luật hình sự Việt Nam chỉ khi có quyết định thi hành án của Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định.
Đây có thể là hình phạt chính do chính Tòa án quyết định hoặc có thể là hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
4. Quy định của pháp luật về cải tạo không giam giữ
Khách hàng: thưa Luật sư tôi là bác sỹ và hôm trươc tôi vội đi thăm vợ tôi đang đau đẻ trong phòng cấp cứu mà tôi đã không nhìn kỹ và đưa nhầm thuốc cho bânhj nhân, dẫn đến bệnh nhân đó bị sốc thuốc và chết. Bây giờ đang trong thời gian điều tra.
Tôi rất lo lắng vì vợ tôi vừa đẻ, tôi không muốn đi tự thú. Vậy tôi muốn hỏi tôi không tự thú sau khi cơ quan điều tra phát hiện tôi sẽ bị phạt hình phạt là bao nhiêu năm tù ạ?
Tôi cảm ơn!
Trả lời:
Theo như thông tin anh cung cấp, chúng tôi có thể trả lời anh như sau:
Do anh cẩu thả trong công việc của mình. Nên theo căn cứ anh kể anh sẽ phạm tội theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:
"Điều 36. Cải tạo không giam giữ
1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ...".
5. Xác định hình phạt như thế nào?
Khách hàng: Thưa Luật sư, tôi sống ở thành phố và tối hôm trước tôi và các bạn của tôi có đi đua xe ô tô cùng nhau. không may tôi dam phải bác A đang đi đường, bác bị thương tật với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 35%.
Vậy tôi bị phạt hình phạt gì? Tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Trả lời:
Theo như anh cung cấp, anh đâm phải bác A bị thương 35% vì anh đua xe với các bạn vậy anh sẽ bị chịu trách nhiệm về tội đua xe trái phép theo Điều luật sau:
"Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng."
Hơn nữa theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:
"Điều 36. Cải tạo không giam giữ
1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ..."
Vậy anh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể là điểm a khoản 1 Điều 266 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.