Thưa Luật Minh Khuê! Tôi đang có một vấn đề cần được hỗ trợ như sau:

Tranh chấp về việc thay đổi thành viên, triệu tập và biểu quyết tại Hội đồng thành viên trong công ty TNHH X. A, B, C và D cùng thỏa thuận thành lập công ty Trách nhiệm hữu hạn X để kinh doanh khách sạn, nhà hàng, và dịch vụ vui chơi giải trí với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. X được Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Y cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 15/03/2015. Theo Điều lệ công ty được các thành viên thỏa thuận thông qua thì A góp 2 tỷ đồng, B, C, D mỗi người góp 1 tỷ đồng. Cũng theo điều lệ thì A làm Giám đốc công ty kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên. B làm phó giám đốc công ty, C là kế toán trưởng. Các nội dung khác của Điều lệ tương tự như Luật doanh nghiệp cũ năm 2014. Đầu năm 2016, A với tư cách là Chủ tịch hội đồng thành viên đã quyết định triệu tập Hội đồng thành viên công ty vào ngày 18/01/2016 để thông qua báo cáo tài chính năm, kế hoạch phân chia nhuận nhuận và kế hoạch kinh doanh năm 2016. Giấy mời họp đã được gửi đến tất cả các thành viên trong công ty.

1. A có quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên không? Căn cứ pháp lý?

2. Do bất đồng trong điều hành công ty với A, nên B đã không tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên. Việc làm của B có hợp pháp không? Căn cứ pháp lý? D bận đi công tác xa nên đã gọi điện thoại báo vắng mặt, và qua đó ủy quyền cho A bỏ phiếu cho mình. D có thể ủy quyền cho A qua điện thoại không? Căn cứ pháp lý?

Ngày 18/01/2016, A và C đã tiến hành cuộc họp Hội đồng thành viên và đã bỏ phiếu thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty, kế hoạch phân chia lợi nhuận 2015 và kế hoạch kinh doanh năm 2016. Cuộc họp trên có hợp pháp không? Căn cứ pháp lý?

3. Sau cuộc họp Hội đồng thành viên, B đã gửi văn bản tới các thành viên khác trong công ty, phản đối kế hoạch phân chia lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm 2016 vừa được thông qua. Quan hệ giữa B và các thành viên khác trở nên căng thẳng. Trước tình hình này, A lại gửi đơn triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên vào ngày 15/03/2016 với mục đích nhằm giải quyết một số vấn đề phát sinh trong công ty, giấy triệu tập này A không gửi cho B, vì cho rằng có gửi thì B cũng không tham dự. Việc A không gửi giấy triệu tập cho B có hợp pháp không? Căn cứ pháp lý?

4. Tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, A, C, D đã biểu quyết thông qua việc khai trừ B ra khỏi công ty và giảm số vốn điều lệ tương ứng với phần vốn góp của B, và hoàn trả phần vốn này cho B. Quyết định khai trừ của Hội đồng thành viên có hợp pháp không? Căn cứ pháp lý?

5. Quyết định này cùng với Biên bản cuộc họp Hội đồng thành viên ngày 15/03/2016 đã được gửi cho B và gửi lên Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) tỉnh Y. Phòng ĐKKD căn cứ vào biên bản cuộc họp 3 thành viên công ty X để cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi với nội dung là giảm số thành viên từ 4 người trước đây xuống còn 3 người, và giảm vốn điều lệ của công ty còn 4 tỷ đồng. Việc làm của Phòng ĐKKD có hợp pháp không? Căn cứ pháp lý? Nhận được quyết định này, B làm đơn kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Y yêu cầu bác bỏ 2 cuộc họp của Hội đồng thành viên vì không hợp pháp; kiện công ty vì đã khai trừ B, kiện Phòng ĐKKD vì đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi cho Công ty X.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật doanh nghiệpcông ty Luật Minh Khuê

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của Công ty Luật Minh Khuê chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Luật doanh nghiệp năm 2020.

2. Nội dung trả lời

2.1 Quyền triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về quyền triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên, cụ thể như sau:

"Điều 57. Triệu tập họp Hội đồng thành viên

1. Hội đồng thành viên được triệu tập họp theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc theo yêu cầu của thành viên hoặc nhóm thành viên quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 của Luật này. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo yêu cầu của thành viên, nhóm thành viên trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thì thành viên, nhóm thành viên đó triệu tập họp Hội đồng thành viên. Chi phí hợp lý cho việc triệu tập và tiến hành họp Hội đồng thành viên sẽ được công ty hoàn lại".

Nếu theo thông tin mà bạn đã cung cấp cho bên phía công ty thì A là giám đốc đồng thời giữ luôn chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị thì căn cứ theo quy định đã nêu ở trên A hoàn toàn có quyền triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên.

2.2 Việc làm của B có hợp pháp không và có được ủy qyền bằng điện thoại không.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về việc tham gia cuộc họp hội đồng thành viên của hành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cụ thể như sau:

"3. Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên phải tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên. Thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên, hình thức biểu quyết do Điều lệ công ty quy định".

=> Như vậy việc B không có mặt tại cuộc họp hội đồng thành viên là không đúng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì việc ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty phải được lập thành văn bản nên việc D ủy quyền cho A bỏ phiếu giúp mình thông qua điện thoại là không hợp pháp theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Khoản 1 Điều 14 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

"Điều 14. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức

1. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này".

- Ngày 18/01/2016, A và C đã tiến hành cuộc họp Hội đồng thành viên và đã bỏ phiếu thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty, kế hoạch phân chia lợi nhuận 2015 và kế hoạch kinh doanh năm 2016. Cuộc họp trên là không hợp pháp vì :" Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định." - Khoản 1 Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2014, trong khi A và C chỉ chiếm : (2 tỷ + 1 tỷ)/5 tỷ *100%= 60% vốn điều lệ, nhỏ hơn 65% theo luật định.

2.3 A không gửi giấy triệu tập cho B có hợp pháp không.

Sau cuộc họp Hội đồng thành viên, B đã gửi văn bản tới các thành viên khác trong công ty, phản đối kế hoạch phân chia lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm 2016 vừa được thông qua. Quan hệ giữa B và các thành viên khác trở nên căng thẳng. Trước tình hình này, A lại gửi đơn triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên vào ngày 15/03/2016 với mục đích nhằm giải quyết một số vấn đề phát sinh trong công ty, giấy triệu tập này A không gửi cho B, vì cho rằng có gửi thì B cũng không tham dự. Việc A không gửi giấy triệu tập cho B là không hợp pháp.

Căn cứ pháp lý:Khoản 4 Điều 57 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

"4. Thông báo mời họp Hội đồng thành viên có thể gửi bằng giấy mời, điện thoại, fax, phương tiện điện tử hoặc phương thức khác do Điều lệ công ty quy định và được gửi trực tiếp đến từng thành viên Hội đồng thành viên. Nội dung thông báo mời họp phải xác định rõ thời gian, địa điểm và chương trình họp".

Như vậy chương trình và tài liệu họp phải được gửi cho thành viên công ty trước khi họp. Tài liệu sử dụng trong cuộc họp liên quan đến quyết định về sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, thông qua phương hướng phát triển công ty, thông qua báo cáo tài chính hằng năm, tổ chức lại hoặc giải thể công ty phải được gửi đến các thành viên chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày họp. Thời hạn gửi các tài liệu khác do Điều lệ công ty quy định.

Vì vậy A có trách nhiệm phải thông báo cuộc họp cho B theo quy định trên.

2.4 Quyết định khai trừ của hội đồng thành viên có hợp pháp không?.

Tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, A, C, D đã biểu quyết thông qua việc khai trừ B ra khỏi công ty và giảm số vốn điều lệ tương ứng với phần vốn góp của B, và hoàn trả phần vốn này cho B. Việc làm này là không hợp pháp. Đây là quyền định đoạt của thành viên và họ chỉ có thể chuyển nhượng vốn góp của mình trong một số trường hợp như quy định tại các Điều 52, 53 Luật Doanh nghiệp đối với việc chuyển nhượng, mua lại và xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp cụ thể.

Quyết định này cùng với Biên bản cuộc họp Hội đồng thành viên ngày 15/03/2016 đã được gửi cho B và gửi lên Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) tỉnh Y. Phòng ĐKKD căn cứ vào biên bản cuộc họp 3 thành viên công ty X để cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi với nội dung là giảm số thành viên từ 4 người trước đây xuống còn 3 người, và giảm vốn điều lệ của công ty còn 4 tỷ đồng. Việc làm của Phòng ĐKKD là không hợp pháp do việc khai trừ B cũng không hợp pháp.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê