Mục lục bài viết
1. Thực trạng sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hoá phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí.
Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Vật tư, nguyên liệu, linh kiện để sản xuất hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn, không có sự đầu tư về kỹ thuật và công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả.
Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được tiêu thụ ở các địa điểm, khu vực, trung tâm, cửa hàng buôn bán hàng hoá, ở cả thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa.
>> Xem thêm: Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử lý như thế nào?
2. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ gồm những loại nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những loại hàng hóa sau:
- Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) và hàng hoá sao chép lậu
- Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
- Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
3. Tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với người tiêu dùng:
Người tiêu dùng đang là đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết là thiệt hại về kinh tế. Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người sử dụng vì đó là những hàng hoá không đảm bào chất lượng, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm.
Tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế do tệ nạn hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm lu mờ hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chi gây thiệt hại về mặt kinh tế mà nghiêm trọng hơn là triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung; doanh nghiệp có thể bị phá sản, người lao động mất việc làm.
Tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quản lý kinh tế - xã hội:
Tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện những cam kết song phương hoặc đa phương về sở hữu trí tuệ. Kỷ cương pháp luật không được thực thi nghiêm minh, Nhà nước thất thu thuế, xã hội mất đi của cải, vật chất, môi trường bị xâm hại, đó là những tác hại to lớn do tệ sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tiếp gây ra.
Không chỉ vậy, tệ sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gây nên những hậu quả phức tạp, nặng nề về đạo đức và xã hội. Yếu tố phi pháp làm gia tăng chênh lệch giữa người giàu và người nghèo. Lợi nhuận phi pháp từ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm cho đạo đức bị tha hoá từ đồng tiền bất chính thu được, kéo theo đó là những tệ nạn xã hội có cơ hội phát triển.
4. Quy định về kiểm soát nhập khẩu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ
Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng hóa có những đặc điểm, hình thức thể hiện giống hệt với hàng hóa do chính các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sản xuất hoặc đưa ra thị trường. Xét về đặc tính gây thiệt hại, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được sản xuất một cách trái phép thường không bảo đảm chất lượng và không đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất chính hãng.
Do đó, các hàng hóa này tiềm ẩm nguy cơ gây thiệt hại và có khả năng gây thiệt hại cao nhất về an toàn, sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng, xâm phạm đến quyền khai thác và sử dụng hợp pháp các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu quyền. Tại Việt Nam, các hành vi xuất nhập khẩu, lưu hành hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý theo các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự, trong đó việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Dưới góc độ pháp luật hải quan, kiểm soát hải quan là hoạt động nghiệp vụ do cơ quan hải quan thực hiện, thông qua các biện pháp như: tuần tra, điều tra, xác minh hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan. Hoạt động này chủ yếu do lực lượng kiểm soát chống buôn lậu của hải quan thực hiện song song với quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và không bao gồm hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu trước, trong và sau thông quan.
Dưới dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ là một biện pháp hỗ trợ hải quan xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Do đó, việc kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ nên được hiểu “là biện pháp do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và cơ quan hải quan thực hiện đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm phát hiện, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" tại biên giới.
Việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là một biện pháp có phạm vi rộng hơn một hoạt động nghiệp vụ của hải quan. Để áp dụng biện pháp này, hải quan không chỉ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, mà còn thực hiện các hoạt động cần thiết khác theo chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu để kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu giả mạo sở hữu trí tuệ tại biên giới như: xử lý vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chủ thể quyền,… Việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ không phải là một biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ độc lập, mà thực chất là biện pháp mang tính hỗ trợ để hải quan xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh thì xử lý như thế nào? của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ gồm những loại nào? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!