- 1. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là gì?
- 2. TPP quy định những gì về sở hữu trí tuệ (SHTT)?
- 3. Các tiêu chuẩn của TPP về bảo hộ nhãn hiệu thương mại (trade mark)?
- 4. TPP có yêu cầu gì về bảo hộ chỉ dẫn địa lý?
- 5. TPP quy định như thế nào để phân định các quyền bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý và quyền theo nhãn hiệu?
1. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là gì?
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Partnership Agreement - viết tắt TPP) là một hiệp đinh/thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3 tháng 06, 2005 và có hiệu lực ngày 28 tháng 05, 2006. Sau đó, thêm 5 nước đàm phán để gia nhập, đó là các nước Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ, và Việt Nam. Ngày 14 tháng 11 năm 2010, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, lãnh đạo của 9 nước (8 nước trên và Nhật Bản) đã tán thành lời đề nghị của tổng thống Obama về việc thiết lập mục tiêu của các cuộc đàm phán thuộc Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 diễn ra tại Hoa Kỳ.Vào cuối năm 2016, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, theo chính sách mới của Donald Trump, Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này.
Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1 tháng 1 năm 2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, chính sách của các chính quyền...
Tiến trình đàm phán cho hiệp định bị trì hoãn nhiều lần do thiếu tiếng nói chung xoay quanh nhiều vấn đề như: giảm thuế xuất-nhập khẩu, bảo trợ hàng hóa nội địa, quyền sở hữu trí tuệ v.v... Ngày 5 tháng 10 năm 2015 tại Atlanta, Hoa Kỳ, tiến trình đàm phán hiệp định đã kết thúc thành công.
2. TPP quy định những gì về sở hữu trí tuệ (SHTT)?
Chương SHTT là một trong những Chương gây nhiều tranh cãi và cũng khó khăn nhất trong đàm phán TPP. Các cam kết trong Chương này có thể được xếp vào 04 nhóm chủ yếu, bao gồm:
- Nhóm cam kết chung: Nhóm này bao gồm các cam kết về việc gia nhập các Công ước về SHTT được liệt kê (Việt Nam được hưởng lộ trình 2-3 năm tùy Công ước); về các nguyên tắc chung như đối xử quốc gia, mình bạch; và về các vấn đề khác như hợp tác giữa các nước TPP trong bảo vệ quyền SHTT.
- Nhóm các cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ: TPP bao gồm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với phần lớn các loại tài sản SHTT như nhãn hiệu thương mại, sáng chế, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý. Các tiêu chuẩn của TPP dựa trên và trong nhiều trường hợp là cao hơn so với các tiêu chuẩn tương ứng của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT của WTO (TRIPS).
- Nhóm các cam kết về một số sản phẩm SHTT đặc thù: Bên cạnh các tiêu chuẩn chung đối với các nhóm tài sản SHTT, TPP còn bao gồm các cam kết riêng về một số loại sản phẩm SHTT đặc thù như dược phẩm, nông hóa phẩm, giống cây trồng, các vấn đề SHTT thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (tín hiệu vệ tinh, các công cụ bảo mật, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng.
* Lưu ý với doanh nghiệp: So với Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO thì TPP có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, chi tiết hơn, với mức bảo hộ cao hơn ở nhiều vấn đề. Do đó, việc thực hiện các cam kết về SHTT trong TPP có thể sẽ làm thay đổi đáng kể hệ thống pháp luật nội địa về SHTT của Việt Nam trong phần lớn các chế định liên quan (cả về các đối tượng quyền SHTT đến thực thi các quyền SHTT). Cũng vì phạm vi rộng như vậy, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng hoặc tác động từ các cam kết TPP về SHTT sẽ không chỉ bao gồm các doanh nghiệp sở hữu các quyền SHTT mà còn là tất cả các doanh nghiệp đang hoặc sẽ sử dụng các sản phẩm SHTT (công nghệ, máy móc thiết bị, chương trình máy tính.
3. Các tiêu chuẩn của TPP về bảo hộ nhãn hiệu thương mại (trade mark)?
Các cam kết trong TPP về nhãn hiệu thương mại (tương đương với nhãn hiệu, tên thương mại theo pháp luật Việt Nam) tập trung vào các khía cạnh sau đây: - Đối tượng được bảo hộ: Ngoài các đối tượng truyền thống mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ (như chữ, ký hiệu, từ ngữ, hình ảnh), TPP còn mở rộng ra cả âm thanh, và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi; đối với tất cả các đối tượng được bảo hộ, không bắt buộc phải “nhìn thấy được”. Về việc phải bảo hộ nhãn hiệu thương mại dưới hình thức âm thanh, Việt Nam chỉ phải thực hiện nghĩa vụ này sau 3 năm kể từ ngày TPP có hiệu lực. Đối với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, TPP yêu cầu các nước không được lấy tiêu chí số lượng các quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu, đã công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã nằm trong danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để quyết định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn một số tiêu chí dạng này, và vì vậy sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.
- Thời gian bảo hộ:
TPP yêu cầu các nước Thành viên phải bảo hộ nhãn hiệu thương mại tối thiểu là 10 năm, và có thể được gia hạn nhiều lần, tương tự như pháp luật Việt Nam hiện hành;
- Quyền của chủ sở hữu:
Chủ thể này có đặc quyền ngăn cản các chủ thể khác sử dụng các dấu hiệu (bao gồm cả chỉ dẫn địa lý có sau) giống hệt hoặc tương tự cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc gần với loại hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký nhãn hiệu của mình nếu việc sử dụng này có thể gây ra nhầm lẫn (dấu hiệu trùng được suy đoán đương nhiên là “có thể gây nhầm lẫn”). Tuy nhiên, TPP vẫn cho phép việc sử dụng các thuật ngữ mô tả có trong nhãn hiệu nếu việc sử dụng đó là ngay tình, và có tính đến lợi ích của chủ nhãn hiệu và các bên thứ ba;
- Cải cách thủ tục hành chính:
TPP yêu cầu các nước Thành viên phải áp dụng các biện pháp cụ thể để đảm bảo thủ tục hành chính ngắn gọn, minh bạch trong đăng ký, gia hạn nhãn hiệu thương mại, đảm bảo cơ hội phản hồi của người nộp đơn cũng như cơ hội phản đối của các bên thứ ba, đồng thời khuyến khích các nước sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu thương mại điện tử để minh bạch hóa các quy trình này;
- Đối với Tên miền cao cấp mã quốc gia (ccTLD):
TPP yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện các biện pháp nhất định như quy định cơ chế giải quyết tranh chấp (theo nguyên tắc của ICANN hoặc tương tự); phải có biện pháp xử lý các chủ thể đăng ký hoặc nắm giữ tên miền tương tự hoặc gần giống đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu nhằm mục đích thu lợi.
* Lưu ý với doanh nghiệp: So với pháp luật hiện hành, TPP bảo hộ nhãn hiệu thương mại rộng hơn (về đối tượng), điều kiện bảo hộ thương hiệu nổi tiếng đơn giản hơn và cũng đưa ra nhiều hơn các cơ chế để bảo hộ thương hiệu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể được bảo vệ tốt hơn các nhãn hiệu của mình. Ngược lại, các doanh nghiệp khác cũng cần lưu ý cẩn trọng hơn với các vấn đề về thương hiệu không phải của mình, tránh bị thiệt hại bởi các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ nghiêm khắc hơn sau TPP.
4. TPP có yêu cầu gì về bảo hộ chỉ dẫn địa lý?
TPP cho các nước được quyền lựa chọn cơ chế bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế riêng chỉ áp dụng cho chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế chung với nhãn hiệu thương mại. Điều này có nghĩa là các nước như Việt Nam sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mình trong khi các nước như Hoa Kỳ sẽ vẫn duy trì bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một dạng của nhãn hiệu thương mại. Đây được xem là giải pháp hợp lý với Việt Nam bởi Việt Nam đang và sẽ đồng thời có cam kết về chỉ dẫn địa lý với các đối tác sử dụng các cơ chế khác nhau (ví dụ EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý riêng, không theo cơ chế nhãn hiệu thương mại).
5. TPP quy định như thế nào để phân định các quyền bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý và quyền theo nhãn hiệu?
Do TPP chấp thuận việc bảo hộ các chỉ dẫn địa lý cả theo hình thức dành riêng cho chỉ dẫn địa lý và theo hình thức chung với nhãn hiệu, TPP có một số quy định để xác định mối quan hệ giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu trong trường hợp có chồng lấn.
Đây thực tế cũng là vấn đề gây tranh cãi trong quá trình đàm phán TPP, bởi chỉ dẫn địa lý có thể được xem là thuộc sở hữu đặc biệt (không hạn chế chủ thể sử dụng, miễn là có sản phẩm đáp ứng yêu cầu liên quan của chỉ dẫn địa lý) trong khi nhãn hiệu lại thuộc sở hữu riêng của một chủ thể (và chủ thể này có độc quyền ngăn cản bất kỳ chủ thể nào khác sử dụng nhãn hiệu của mình). Đàm phán diễn ra chủ yếu quanh việc bảo vệ chủ nhãn hiệu hay người sử dụng chỉ dẫn địa lý trong trường hợp có chồng lấn (chỉ dẫn địa lý tương tự nhãn hiệu).
Về vấn đề này, TPP đã đi đến cam kết như sau: Trong trường hợp có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một chỉ dẫn địa lý mà nhãn hiệu lại được bảo hộ trước (đã đăng ký trước hoặc đã trở nên nổi tiếng trước), mặc dù chỉ dẫn địa lý vẫn được bảo hộ nhưng quyền của chủ nhãn hiệu sẽ được ưu tiên hơn, theo hướng:
- Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó nếu việc sử dụng này có khả năng gây ra nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa; Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý chỉ có ý nghĩa mô tả xuất xứ của hàng hóa thì được xem là ngoại lệ, vẫn được phép sử dụng song song cùng nhãn hiệu đó;
- Không bảo hộ chỉ dẫn địa lý nếu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu về nguồn gốc thương mại của hàng hóa (trừ khi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó thuộc trường hợp ngoại lệ đối với quyền của nhãn hiệu).
* Lưu ý đối với doanh nghiệp: Do số lượng các chỉ dẫn địa lý Việt Nam đã đăng ký bảo hộ còn quá ít so với các nhãn hiệu đã đăng ký nên khả năng xảy ra tình trạng một chỉ dẫn địa lý dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được bảo hộ nhưng lại trùng lắp hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký trước có thể là rất lớn. Vì vậy, trong trường hợp có sản phẩm chỉ dẫn địa lý tương tự với một nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó hoặc ngược lại, doanh nghiệp vẫn có các quyền được bảo hộ nhất định nhưng bị hạn chế và theo các điều kiện quy định. Do đó, doanh nghiệp cần chú ý các quy định về vấn đề này của TPP để bảo vệ tốt nhất lợi ích liên quan của mình.