Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Nghị định 12/CP năm 1995 ban hành Điều lệ Bảo Hiểm Xã Hội
Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 số 58/2014/QH13
Thông tư 34/2013/TT-BYT Ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày
Nghị quyết 93/2015/QH13 thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động
2, Nội dung tư vấn:
Thưa luật sư, Tôi là kế toán của công ty về xây dựng. Hiện nay, bên cty tôi có anh công nhân có vợ sắp sinh. Theo luật BHXH, kề từ ngày 1.1.2016, khi vợ sinh thường chồng được nghỉ 5 ngày. Tôi muốn hỏi là: 1. Người chồng nghỉ theo chế độ thì có cần phải làm đơn xin nghỉ hoặc báo với ban giám đốc không? 2. Người chồng nghỉ thì có được hưởng lương cơ bản không? 3. Nếu người chồng nghỉ có hưởng lương thì cần bổ sung giấy tờ gì để có thể làm chế độ với BHXH? Trân trọng cảm ơn
Điều 5 Bộ luật Lao động quy định:
"Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;
đ) Đình công.
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế."
Khi nghỉ hưởng chế độ thai sản lao động nam vẫn phải thông báo cho doanh nghiệp biết vì đây là nghĩa vụ của người lao động trong việc thực hiện hợp đồng và nội quy lao động của doanh nghiệp.
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, cụ thể Khoản 2 Điều 186 Bộ luật Lao động quy định:
"2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động."
Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về vấn đề giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản như sau:
"Điều 102. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản
1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
4. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."
Do đó, có thể thấy rằng, nếu như người lao động không nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì cơ quan bảo hiểm sẽ không chi trả tiền hưởng chế độ thai sản cho họ.
Hi anh! Anh cho em hỏi công ty em có nhân viên bị hẹp hở van tim và phải phẫu thuật. Nhân viên xin nghỉ 3 tháng. Trong trường hợp này em báo với bên BHXH như thế nào ạ. Bệnh này có nằm trong danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày không ạ. Nhờ anh tư vấn giúp em về trường hợp này. Trân trọng cảm ơn anh! Nguyen Thi Mai, HR Officer Kerry Expre
Bệnh hẹp hở van tim theo quy định của Thông tư 34/2013/TT-BYT không phải bệnh cần chữa trị dài ngày.
Sau khi họ đã điều trị xong và ra viện thì công ty bạn chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ lên cơ quan bảo hiểm xã hội là được.
em vào làm tại công ty được 1 năm mà em đóng được 8 tháng bhxh nhưng bay giờ em muốn nghĩ tại công ty để xin 1 công ty khác ổn định hơn vậy em có thể rút sổ bhxh của công ty đang làm được không vậy ?
Điều 47 Bộ luật Lao động quy định:
"Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán."
Như vậy, khi bạn chấm dứt hợp đồng tại công ty thì công ty bạn phải có trách nhiệm trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho bạn.
Tôi là giáo viên, tháng 10/1996 đến tháng 01/1999 tôi có bị kỉ luật đình chỉ công tác nghỉ ở nhà chứ không bị phạt tù sau đó tôi đựơc điều động sang nơi khác dạy trên quýêt định là chấp hành kỉ luật,cho tôi hỏi trong thời gian này tôi có được đóng bhxh và hưởng 50% lương gì không, nếu có thì đúng với văn bản nào lúc thời điểm đó để tôi không mất quyền lợi giáo viên,và thời gian đó có tính thâm niên nghề nhà giáo cho tôi không. Rất bíêt ơn việc tư vấn của văn phòng luật sư ạ.
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì từ tháng 10/1996 đến tháng 01/1999 bạn bị kỉ luật đình chỉ công tác do đó, trong trường hợp này luật áp dụng đối với bạn là Bộ luật Lao động năm 1994.
Điều 92 Bộ luật Lao động năm 1994 quy định:
"Điều 92.
1- Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
2- Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá ba tháng. Trong thời gian đó, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người lao động phải được tiếp tục làm việc.
3- Nếu có lỗi mà bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền đã tạm ứng.
4- Nếu người lao động không có lỗi thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương và phụ cấp lương trong thời gian tạm đình chỉ công việc."
Theo quy định của pháp luật trên thì trong thời gian bạn bị xử lý kỷ luật lao động, bạn vẫn được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Điều 37 Nghị định 12/CP Điều lệ Bảo hiểm xã hội quy định:
"Điều 37.- Hàng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 36 và trích từ tiền lương của từng người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Điều lệ này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội gồm lương theo ngạch bậc, chức vụ, hợp đồng và các khoản phụ cấp khu vực đắt đỏ, chức vụ, thâm niên, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có)."
Như vậy, tiền trích đóng bảo hiểm xã hội phụ thuộc vào tiền lương theo tháng của người lao động. Cũng có nghĩa là những tháng bạn bị đình chỉ lao động, bạn sẽ không có lương do đó bạn sẽ không được tham gia bảo hiểm xã hội trong những tháng đó.
Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 2. Điều kiện, thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
1. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên
Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục;
b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;
b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử."
Như vậy, theo quy định pháp luật trên thì thời gian bị đình chỉ công tác bạn sẽ không được tính thâm niên nhà giáo.
Em năm nay 45 tuổi ( sinh tháng 1/1971) công tác từ T10/1991. Nay em muốn nghỉ việc và xin hưởng hưu sớm có được không ạ?. Thủ tục phải làm những gì? Đối với cơ quan cũng như BHXH?. Xin chân thành cảm ơn
Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:
"Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành."
Như vậy, nếu bạn muốn nghỉ hưu trước tuổi thì bạn phải đáp ứng được một trong các điều kiện được quy định ở trên.
Khi bạn đủ điều kiện hưởng lương hưu thì cơ quan của bạn sẽ phải ra quyết định nghỉ việc cho bạn, cụ thể Khoản 1 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
"Điều 59. Thời điểm hưởng lương hưu
1. Đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật."
Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, bạn chỉ cần nộp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định của Khoản 1 Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
"Điều 108. Hồ sơ hưởng lương hưu
1. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội;
b) Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này."
Tôi đã hưởng BHXH một lần, sau đó cơ quản BHXH thu lại sổ gốc. Vậy bây giờ tôi đi làm ở công ty khác, đóng BHXH tiếp thì có phải làm sổ mới không ? Hay là cơ quan bảo hiểm sẽ tính lại thời gian đóng BHXH trên sổ cũ và cấp lại sổ cũ cho tôi ? Xin chân thành cảm ơn !
Khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty thì công ty phải có trách nhiệm chi trả lại sổ bảo hiểm xã hội như đã phân tích ở trên.
Công văn 3367/BHXH-THU về vấn đề tăng cường công tác quản lý sổ BHXH thì hiện tại bây giờ mỗi người chỉ có một quyển sổ bảo hiểm xã hội duy nhất. Do đó, trong trường hợp này, nếu bạn chưa nhận lại sổ từ công ty thì khi bạn sang làm tại công ty khác bạn cũng sẽ không được làm lại sổ mới.
tôi muốn rút tiền trong sổ bhxh thì phải đóng ở đâu
Năm em 18 tuổi e có cho nhỏ em họ mượn cmnd để đi làm. Tới năm 2012 là nó làm dc 1 năm 5 tháng nó nghỉ nó lấy giấy tờ của nó đi làm . Và sổ bhxh đứng tên em nó đã lấy bh thất nghiệp rồi con bhxh cuối năm 2015 nay mới làm đơn xin lấy tiền nhug vẫn chua lấy đag chờ duyệt Trong khi đó năm 2014 e đi làm trên sài gòn ( em em nó làm ở đồng nai) và có đóng bhxh mới cho đến nay vậy cho em hỏi em của em lấy tiền bhxh thì có ảnh hưởng gì tới sô bảo hiêm và quyền lợi của em sau này đối với sổ bhxh e đag đóng trên sài gòn không ạ ? Kính monh anh chị trả lời cho em! Chúc anh chị có môth ngày làm việc vui vẻ
Theo quy định của Công văn 3663/BHXH-THU tại Điểm 7 cụ thể như sau:
"7. Trình tự giải quyết hồ sơ gộp sổ BHXH khi NLĐ mượn, cho mượn hồ sơ tham gia BHXH:
7.1. Bộ phận thu khi giải quyết hồ sơ gộp sổ, nếu phát hiện NLĐ có thời gian tham gia BHXH trùng do mượn hoặc cho mượn hồ sơ thì hướng dẫn NLĐ điều chỉnh nhân thân theo hướng dẫn tại công văn số 2609/BHXH ngày 25/7/2013, về việc phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sổ BHXH.
NLĐ sau khi có Quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) và đã nộp phạt đúng quy định, thì nộp hồ sơ giải quyết theo Phiếu giao nhận hồ sơ (PGNHS) điều chỉnh nhân thân do mượn tên (303/.../SO)..."
Như vậy, nếu như bạn cho em bạn mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ hướng dẫn bạn điều chỉnh nhân thân trên sổ đồng thời xử lý vi phạm hành chính đối với bạn và em bạn. Sau khi điều chỉnh và xử lý xong thì bạn vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm và em bạn vẫn được đảm bảo về quyền lợi trong sổ bảo hiểm.
em làm việc được 7 năm, em nghỉ việc, em có được hưởng tiền bhxh không, và được hưởng như thế nào? em cám ơn.
Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định như sau:
"Điều 1.
1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần..."
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì bạn làm việc được 7 năm như vậy cũng có nghĩa là bạn tham gia bảo hiêm xã hội được gần 7 năm.
Đối chiếu theo quy định của pháp luật thì nếu bạn nghỉ việc được một năm và trong một năm đó bạn không tham gia bảo hiểm xã hội thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
"2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội."
Chồng tôi đang làm công nhân tại công ty sứ việt trì , đóng bảo hiểm được 14 năm . và làm thủ tục cộng nối bảo hiểm thời gian công tác trong quân đội , có các loại giấy tờ mà BHXH cấp huyện yêu cầu . thay vì chồng tôi mất quyết định phục viên xuất ngũ , nhưng đã được ban chỉ huy quân sự xã và ban chỉ huy quân sự huyện xác nhận thời gian tham gia công tác từ tháng 2/1987 đến tháng 6/1990 . đơn vị công tác D4-E2-F395-QK3 , và kèm theo danh sách dân quân dự bị . Có giấy xác nhận chưa hưởng trợ cấp theo QĐ,,,,,,. Do phải di chuyển nhiều nơi và thời gian đã quá lâu đã không còn giữ được bản lý lịch quân nhân . vậy với các loại giấy tờ trên chông tôi có được công nối bảo hiểm thời gian công tác trong quân đội không , tôi rất mong nhận được câu trả lời , xin trân thành cảm ơn
Khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
"6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân."
Như vậy, đối chiếu theo đúng quy định của luật và dữ liệu bạn đưa ra thì chồng bạn chưa được hưởng bất kỳ một trợ cấp gì. Do đó, trong trường hợp này, thời gian làm việc trong khu vực nhà nước đó vẫn được xác định là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của chồng bạn.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật Lao động - Công ty luật Minh Khuê