Mục lục bài viết
Người gửi: Đậu Việt Hải
>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.6162
Trả lời câu hỏi:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Khuê chúng tôi. Đối với một số thắc mắc của bạn, tôi xin trả lời như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Thông tư 121/2012/BTC của Bộ Tài chính Quy định về quản trị công ty áp dụng áp dụng cho các công ty đại chúng,
- Luật Doanh nghiệp năm 2020
2. Nội dung trả lời:
Quy định chung về công ty cổ phần
Các Công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới ra đời vào khoảng thế kỉ XVIII. Nó gắn liền với sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc với các nước thuộc địa. Sang thế kỉ thứ XIX, Công ty cổ phần phát triển mạnh mẽ, nhờ có sự phát triển của công nghiệp cơ khí và sự phát triển rộng rãi của hệ thống tín dụng. Công ty cổ phần ra đời là phát minh của loài người trong nền sản xuất xã hội. Ở các nước phương Tây, Công ty cổ phần là mô hình phổ biến nhất cho các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn.
Hình thức công ty cổ phần ở Việt Nam được quy định trong luật doanh nghiệp năm 2020 và hiện nay đang áp dụng luật doanh nghiệp năm 2020 địa vị pháp lý của loại hình công ty này được hoàn thiện một bước căn bản.
Từ góc độ pháp lý, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của Công ty cổ phần như sau:
- Công ty cổ phần là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Đây là loại hình công ty có tính tổ chức cao, hoàn thiện về vốn, hoạt động mang tính xã hội hoá cao.
- Công ty cổ phần chịu trách nhiệm đối với mọi khoản nợ của công ty bằng tài sản riêng của công ty. Điều đó thể hiện: công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty, các thành viên công ty, chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn họ đã góp cho công ty.
- Vốn điều lệ của công ty được chia thành các cổ phần. Đây chính là thuộc tính cơ bản nhất của Công ty cổ phần, từ phạm trù cổ phần sẽ phát sinh hàng loạt những vấn đề pháp lý khác.
- Trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần được phát hành các loại chứng khoán ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Do đó, sự ra đời của Công ty cổ phầngắn liền với sự ra đời của thị trường chứng khoán.
- Việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện dễ dàng thông qua hành vi mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
- Công ty cổ phần có số lượng thành viên rất đông, cổ đông ở hầu khắp thế giới, vì vậy, nó có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất trong công chúng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp.
>> Xem thêm: Sáp nhập pháp nhân là gì ? Quy định về sáp nhập pháp nhân
Đã thành tập quán trong thương mại, Luật Công ty các nước đều quy định số thành viên tối thiểu phải có khi thành lập công ty mà không giới hạn tối đa số thành viên. Đại đa số các nước quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có bảy thành viên. Có nước quy định năm thành viên, có nước quy định tối thiểu phải có ba thành viên. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có ba thành viên trở lên.
Đặc trưng quan trọng nhất của Công ty cổ phần (cũng là tính chất quyết định để phân biệt với công ty TNHH) đó là cổ phần. Khi công ty thành lập kêu gọi mọi người góp vốn, số vốn cần góp được chia thành từng phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần, cổ phần trong công ty đối vốn khác với phần vốn góp trong công ty đối nhân ở chỗ, cổ phần có thể tự do chuyển nhượng, mua bán như một thứ hàng hoá. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, cổ đông được cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu, vì vậy cổ phiếu là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của một cổ đông đối với phần vốn góp trong công ty. cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu.
Hội đồng quản trị và thành viên hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị (HĐQT) là cơ quan quản lý công ty cổ phần. Hội đồng quản trị có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị. Tùy vào cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty cổ phần, Hội đồng quản trị có các thành viên hội đồng quản trị và có thể có thành viên độc lập Hội đồng quản trị.
Để trở thành thành viên Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của luật doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn để có thể trở thành thành viên Hội đồng quản trị
Thành viên hội đồng quản trị và thành viên hội đồng quản trị độc lập mỗi loại có tiêu chuẩn riêng.
Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản trị
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020, thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, người từ đủ 18 trở lên được xác định là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ các trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
– Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
>> Xem thêm: Xây dựng quy chế quản lý nhân sự, chính sách tiền lương, tiền thưởng
Tiêu chuẩn của thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị
Khi công ty cổ phần được tổ chức theo mô hình quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật doanh nghiệp 2020, đó là: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thì ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập.
Để trở thành thành viên độc lập của Hội đồng quản trị, cá nhân cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau và điều kiện sau đây, trừ trường hợp luật chứng khoán có quy định khác:
– Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
– Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;
– Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;
– Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
– Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó.
Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
Thành viên hội đồng quản trị phải được Đại hội đồng cổ đông bầu
>> Xem thêm: Mẫu nghị quyết hội đồng quản trị Công ty Cổ phần mới nhất năm 2021
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định như trên không đương nhiên trở thành thành viên Hội đồng quản trị. Cá nhân muốn trở thành viên Hội đồng quản trị hoặc Thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải tự ứng cử hoặc được đề cử sau đó được Đại hội đồng cổ đông bầu tại Cuộc họp đại hội đồng cổ đông.
Theo quy định tại Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020, Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị.
Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị quy định tại Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020 được thực hiện như sau:
a) Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;
b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị, cổ đông hoặc nhóm cổ đông được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.
Đối với câu hỏi thứ nhất: Theo quy đinh tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 121/2012/TT-BTC thì:
Thành viên Hội đồng quản trị độc lập là thành viên Hội đồng quản trị đáp ứng các điều kiện sau:
- Là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành và không phải là người có liên quan với Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó Tổng giám đốc), Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được Hội đồng quản trị bổ nhiệm;
- Không phải là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng giám đốc) của các công ty con, công ty liên kết, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát;
- Không phải là cổ đông lớn hoặc người đại diện của cổ đông lớn hoặc người có liên quan của cổ đông lớn của công ty;
- Không làm việc tại các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán cho công ty trong hai (02) năm gần nhất;
- Không phải là đối tác hoặc người liên quan của đối tác có giá trị giao dịch hàng năm với công ty chiếm từ ba mươi phần trăm (30%) trở lên tổng doanh thu hoặc tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào của công ty trong hai (02) năm gần nhất.
Đối với thành viên HĐQT thì chức năng và nhiệm vụ giống như một thành viên HĐQT khác, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định riêng. Chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của Thành viên HĐQT như sau:
Tại Điều 12 của Thông tư 121 quy định về quyền của Thành viên HĐQT: Thành viên Hội đồng quản trị có đầy đủ các quyền theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan và Điều lệ công ty, đặc biệt là quyền được cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của các đơn vị trong công ty.
Điều 13 cuả Thông tư trên quy định cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên HĐQT như sau:
1. Thành viên Hội đồng quản trị phải tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan.
2. Thành viên Hội đồng quản trị có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách trung thực, cẩn trọng vì quyền lợi tối cao của cổ đông và của công ty.
3. Thành viên Hội đồng quản trị có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng quản trị và có ý kiến rõ ràng về các vấn đề được đưa ra thảo luận.
4. Thành viên Hội đồng quản trị có trách nhiệm công bố cho công ty các khoản thù lao mà họ nhận được từ các công ty con, công ty liên kết và các tổ chức khác mà họ là người đại diện phần vốn góp của công ty.
5. Các thành viên Hội đồng quản trị và những người có liên quan khi thực hiện giao dịch cổ phần của công ty phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thực hiện công bố thông tin về việc giao dịch này theo quy định của pháp luật.
6. Công ty đại chúng có thể mua bảo hiểm trách nhiệm cho các thành viên Hội đồng quản trị sau khi có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Bảo hiểm này không bao gồm bảo hiểm cho những trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị liên quan đến việc vi phạm pháp luật và Điều lệ công ty.
Đối với câu hỏi thứ hai: Ban có nhắc đến khái niệm Doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên, khái niệm chính xác ở đây phải là Công ty cổ phần. Quy đinh tại Luật Doanh nghiệp về cấu trúc quản trị của công ty cổ phần như sau: “CTCP có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.”
Dựa vào quy định trên, tôi có thể trả lời thắc mắc của bạn rằng: CTCP không nhất thiết phải có thành viên HĐQT độc lập.
Hi vọng rằng, nếu có bất kì thắc mắc nào về vấn đề pháp lí, bạn sẽ liên lạc với chúng tôi qua mail hoặc ban có thể liên hệ trưc tiếp qua số điện thoại 1900.6162để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.
Trân trọng cảm ơn!
Bộ phận tư vấn luật doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê