1. Có thể nhận căn cước công dân tại nhà không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định trả thẻ Căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

- Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm:

+ Trả thẻ Căn cước công dân và cập nhật dữ liệu kết quả phê duyệt cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho đơn vị tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân ban đầu;

+ Cập nhật dữ liệu kết quả phê duyệt cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kiến nghị xác lập lại số định danh cá nhân (nếu có) theo quy định.

- Đơn vị tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm:

+ Trả thẻ Căn cước công dân, Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân (nếu có).

Đối với trường hợp công dân đăng ký trả kết quả tại địa chỉ theo yêu cầu thì bàn giao thẻ Căn cước công dân, Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân (nếu có) cho đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để trả cho công dân.

+ Chuyển hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân về tàng thư căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú theo quy định;

+ Xóa dữ liệu cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trên phần mềm thu nhận hồ sơ căn cước công dân sau 06 tháng kể từ ngày thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Như vậy căn cứ theo quy định trên, công dân có thể đăng ký trả kết quả tại địa chỉ theo yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền sẽ giao cho đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để cấp thẻ căn cước cho công dân.

 

2. Không lấy được vân tay có làm căn cước công dân được không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA, việc thu nhận vân tay của công dân được thực hiện theo các bước sau:

- Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay phải (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);

- Thu nhận vân tay phẳng của 4 ngón chụm bàn tay trái (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út);

- Thu nhận vân tay phẳng của 2 ngón cái chụm;

- Thu nhận vân tay lăn 10 ngón theo thứ tự: Ngón cái phải, ngón trỏ phải, ngón giữa phải, ngón áp út phải, ngón út phải, ngón cái trái, ngón trỏ trái, ngón giữa trái, ngón áp út trái, ngón út trái.

Trường hợp không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

Theo quy định nêu trên, trong trường hợp công dân bị mất dấu vân tay, không lấy được đủ 10 dấu vân tay thì có thể thông báo, mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được của mình với cơ quan công an nơi thực hiện thủ tục thu nhận thông tin công dân khi cấp CCCD.

Trường hợp này, cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân sẽ mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

 

3. Không còn phải lấy vân tay khi đi làm Căn cước công dân?

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Dự thảo Luật Căn cước công dân quy định những thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm:

- Thông tin công dân theo quy định tại Điều 10 của Luật này.

- Đặc điểm nhân dạng.

- Thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói và các thông tin sinh trắc học khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định)…

Như vậy, một trong những thông tin phải có trong Cơ sở dữ liệu căn cước là thông tin sinh trắc học, trong đó bao gồm cả dấu vân tay.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 24 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân đủ 14 tuổi có bước cán bộ tiếp nhận thu nhận thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người đến làm thủ tục.

Tại khoản 2 Điều 32 Dự thảo Luật quy định về trình tự thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử, cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Như vậy, khi công dân khi đến làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đều được cán bộ làm thủ tục thu nhận dấu vân tay. Đây cũng là thông tin sinh trắc phải có trong Cơ sở dữ liệu căn cước của mỗi công dân.

 

4. Quy định về trang phục khi chụp ảnh căn cước công dân

Căn cứ khoản 4 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định người làm CCCD khi chụp ảnh chân dung của công dân tuân thủ các quy định sau:

- Ảnh chân dung của công dân khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính.
 
- Về phần trang phục, tác phong phải nghiêm túc, lịch sự. Đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, trang phục dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt, rõ hai tai.
 
Như vậy pháp luật không hề bắt buộc người làm CCCD phải mặc một trang phục cụ thể nào đó và cũng không ngăn cấm trang phục nào nhưng có quy định phải nghiêm túc và lịch sự. 
 
Người dân khi đi chụp nên lựa chọn các trang phục đơn giản và lịch sự để dễ nhận diện, lịch sự, tạo thiện cảm. Tránh các trang phục che khuất gương mặt, trang điểm lòe loẹt làm mất các đặc điểm nhận dạng
 
- Chụp ảnh xấu có được chụp lại Căn cước công dân không?
 
Chụp ảnh cho CCCD là một trong các thủ tục bắt buộc và phải theo một trình tự nhất định đối với mỗi công dân khi làm CCCD. Khi làm CCCD, cán bộ hướng dẫn sẽ thu nhận vân tay, sau đó chụp ảnh chân dung; in Phiếu thu nhận thông tin CCCD, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra và ký.

Theo quy trình này, người làm Căn cước công dân có thể kiểm tra thông tin và xem lại ảnh chụp chân dung khi xác nhận Phiếu thu nhận thông tin.

Nếu chưa hài lòng với ảnh chụp, người làm Căn cước công dân có thể đề nghị chụp lại ảnh. Tuy nhiên, việc cho phép chụp lại hay không sẽ do cán bộ làm thủ tục quyết định.

Thông thường không phải lúc nào người dân cũng được chụp lại ảnh, cán bộ làm Căn cước sẽ chỉ cho phép chụp lại ảnh chân dung nếu ảnh thẻ không rõ mặt hoặc bị nháy mắt, nghiêng đầu, không rõ hai tai hoặc tác phong không lịch sự…

Việc thay đổi ảnh chân dung trên CCCD thực ra không có quy định cụ thể nhưng có thể thỏa thuận với cán bộ thực hiện nếu ảnh bị khuất, che mất đặc điểm nhận dạng hoặc ảnh phản cảm. Còn việc ảnh xấu thì sẽ rất khó thay đổi vì người làm CCCD sẽ khá đông mà để chụp lại cho đẹp sẽ làm khó cán bộ hướng dẫn làm thẻ.

Xem thêm: Thủ tục làm thẻ căn cước công dân khi bị mất dấu vân tay?

Mọi vướng mắc quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!