I. Công ước viên 1980:

Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán quốc tế (gọi tắt là Công ước Viên 1980) được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong một nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

 

1. Phạm vi điều chỉnh:

Công ước không điều chỉnh tất cả các khía cạnh pháp lý của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà chỉ điều chỉnh một số nội dung: giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng đó. Cụ thể như:

- Chào hàng và giao kết hợp đồng.

- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

- Vi phạm hợp đồng và các biện pháp khắc phục hậu quả.

- Vấn đề chuyển rủi ro.

Và không điều chỉnh các vấn đề về hiệu lực của hợp đồng, hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng hoặc hiệu lực của bất kỳ tập quán nào và hệ quả pháp lý mà hợp đồng có thể tạo ra đối với quyền sở hữu hàng hóa được bán.

 

2. Mục tiêu của CISG:

Công ước Viên có 3 mục tiêu chính, trong đó quan trọng nhất là nhằm thống nhất luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Từ tiền đề đó, CISG giúp giảm xung đột pháp luật thông qua việc thống nhất luật nội dung, hạn chế tranh chấp phát sinh. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa không chỉ các quốc gia thành viên, mà trên toàn thế giới.

 

3. Vai trò của CISG: 

Với sự tham gia của hầu hết các cường quốc kinh tế trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Nga, Đức, Canada… Có thể thấy CISG điều chỉnh các giao dịch chiếm đến ¾ thương mại hàng hóa thế giới, có ít nhất 2500 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó Tòa án và trọng tài áp dụng CISG để giải quyết. Bên cạnh đó, CISG được soạn thảo theo cách thực dụng và dễ hiểu, tránh đi tính hình thức hoặc việc sử dụng các biệt ngữ chuyên ngành không cần thiết. 

Ngoài ra, Công ước là tiền đề và là nguồn tham khảo quan trọng của Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế và Các nguyên tắc của Luật hợp đồng Châu Âu (PECL). Là nguồn tham khảo quan trọng của luật thương mại hợp đồng của các quốc gia trong đó có Việt Nam. CISG là một luật thương mại hiện đại phù hợp với các truyền thống pháp luật. Công ước này thúc đẩy tự do hợp đồng bằng cách trao cho các bên sự tự do cần thiết trong việc thay đổi hoặc thay thế hầu hết tất cả các quy định bằng những điều khoản hoặc biện pháp riêng của họ. CISG đã được giải thích rõ ràng và có bề dày hàng chục năm với hàng ngàn án lệ. Do đó, nó có thể được coi là điểm tựa hoàn toàn chắc chắn cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.

 

4. Thực tiễn áp dụng CISG trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Việt Nam

CISG sẽ giúp tạo ra một hệ thống pháp luật mua bán hàng hóa quốc tế thống nhất giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế khi trở thành thành viên. Với tính chất là một văn bản thông nhất luật, CISG giải quyết các mâu thuẫn khi xuất hiện những bất đồng, xung đột đến từ các hệ thống pháp luật khác nhau khi thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Việt Nam cũng được hưởng những lợi ích từ tính chất thống nhất của bộ luật này. Đặc biệt, trong xuất khẩu thủy sản, các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta đều là thành viên của CISG như Mỹ, EU, Trung Quốc… Việc sử dụng chung một nguồn luật sẽ giúp doanh nghiệp từ các nước dễ dàng giải quyết tranh chấp, tăng độ tin cậy giữa các bên. Tăng cường mức độ hội nhập của nước ta, giúp hài hòa về hệ thống pháp luật với các nước đối tác. Với phạm vi áp dụng rộng, tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, CISG giúp nước ta hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng và pháp luật về mua bán hàng hóa nói chung. Đặc biệt trong quá trình soạn thảo Luật Thương mại 2005, với nguồn tham khảo từ CISG, sự tác động tích cực của CISG lên luật Việt Nam sẽ còn rõ hơn. 

 Mặc dù rất nhiều quốc gia đã gia nhập, vẫn còn nhiều nước khác chưa là thành viên của CISG, tiêu biểu như các nước trong khu vực ASEAN, một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Điều này có thể không làm CISG phát huy hết tiềm năng khi doanh nghiệp Việt Nam kí kết hợp đồng với các đối tác đến từ nước chưa là thành viên Công ước Viên. Thêm vào đó, các doanh nghiệp hiện nay thường có thông lệ sử dụng những hợp đồng mẫu sẵn có theo ngành của mình, ví dụ như cà phê, gạo… Thông lệ này có thể khiến các doanh nghiệp chần chừ áp dụng CISG khi không muốn từ bỏ thói quen của mình, từ chối áp dụng CISG kể cả khi Việt Nam đã gia nhập Công ước.

 

II. INCOTERMS:

INCOTERMS được viết tắt từ Tiếng Anh là “International Commercial Terms” (được hiểu là các điều kiện thương mại quốc tế). Thực chất, đây là tập hợp một số các tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC) soạn thỏa và ban hành. 

 

1. Phạm vi:

INCOTERMS chỉ là tập quán quốc tế điều chỉnh một số hoạt động liên quan đến vận tải và giao nhận hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Incoterms chỉ giải thích những vấn đề chung nhất có liên quan đến việc giao hàng, như việc bên nào có nghĩa vụ thuê phương tiện vận tải hoặc mua bảo hiểm, khi nào người bán giao hàng cho người mua và phân chia chi phí cho các bên ra sao. Song các vấn đề khác như giá cả, phương thức thanh toán, việc bốc, xếp, dỡ hàng hóa, lưu kho, lưu bãi thì tùy theo vào thỏa thuận của các bên thể hiện trong hợp đồng hoặc theo tập quán cảng, tập quán ngành kinh doanh, tập quán của nước sở tại của các bên tham gia mua bán hàng hóa.

 

2. Mục tiêu:

INCOTERMS là nguồn luật bổ trợ cho các nguồn luật áp dụng khác, với ý nghĩa quan trọng nhất là tạo ra giá trị pháp lý chuẩn hóa cho các điều khoản thuộc phạm vi điều chỉnh. Bên cạnh đó, tìm ra tiếng nói chung cho các bên trong hợp đồng với các lĩnh vực này.

 

3. Vai trò của INCOTERMS:

 INCOTERMS là một bộ các quy tắc nhằm hệ thống hóa các tập quán thương mại được áp dụng phổ biến bởi các doanh nghiệp trên thế giới, tập hợp những tập quán đã được thực hiện và kiểm nghiệm trong thực tiễn, với mục đích giúp cho mọi doanh nghiệp trên thế giới hiểu rõ và sử dụng một cách dễ dàng không mất nhiều thời gian để tìm hiểu các luật lệ, tập quán thương mại riêng biệt của các đối tác nước ngoài. Là một ngôn ngữ quốc tế trong giao nhận và vận chuyển hàng hóa quốc tế.

INCOTERMS đã chỉ ra các điều kiện thương mại cụ thể theo đó trách nhiệm giao nhận và vận chuyển được phân định rõ ràng giữa người bán và người mua trong quan hệ mua bán.

Bên cạnh đó, INCOTERMS còn là phương tiện góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán ký hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Bởi nó là tập hợp chuẩn mực thống nhất các tập quán thông dụng có liên quan đến nghĩa vụ của các bên trong mua bán quốc tế cho nên khi xác định INCOTERMS vào và điều kiện thương mại nào sẽ được áp dụng, các bên có thể hình dung những nghĩa vụ cơ bản mà mình phải thực hiện, việc này thúc đẩy tốc độ giao dịch đàm phán và đơn giản hóa nội dung của hợp đồng mà vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ và mang tính pháp lý cao. Từ đó, giúp các bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận thống nhất tiến tới ký kết hợp đồng mua bán.

 

4. Thực tiễn áp dụng INCOTERMS trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Việt Nam:

Việt Nam đã nhanh chóng tìm hiểu và tiếp cận với INCOTERMS khi bắt đầu tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Với sự linh hoạt trong các điều khoản, INCOTERMS thực sự là công cụ và hành lang pháp lý rõ ràng trong quan hệ mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt Nam việc áp dụng đầy đủ và sử dụng được hầu hết các điều kiện của INCOTERMS vào hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế là chưa đáp ứng được. Do việc dẫn chiếu và áp dụng các điều kiện của INCOTERMS còn đi kèm với nhiều yếu tố và ngành dịch vụ hỗ trợ, trong đó ngành giao thông vận tải, bảo hiểm…của nước ta còn hạn chế và chưa mang tầm quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nâng cao được khả năng cạnh tranh, chủ yếu tập trung vào việc sản xuất, gia công sản phẩm nên chưa chú trọng đến việc thu xếp vận chuyển, bảo hiểm hàng hoàng do chưa đủ nguồn lực.  Mặt khác, việc sử dụng cũng còn phụ thuộc nhiều vào tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp Việt, trình độ đàm phán… Do đó, mặc dù hiện ở Việt Nam vẫn thiên về xuất và nhập khẩu trong một số điều kiện “quen thuộc” nhưng điều này phù hợp với tình hình thực tế và phản ánh đúng bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện nay.

 

III. Mối quan hệ giữa CISG và INCOTERMS trong việc điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

 INCOTERMS quy định những quy tắc có liên quan đến giá cả và trách nhiệm của bên bán và bên mua trong một hoạt động thương mại quốc tế. Cụ thể quy định các điều khoản về giao nhận hàng hoá, trách nhiệm của các bên: Ai sẽ trả tiền vận tải, ai sẽ đảm trách các chi phí về thủ tục hải quan, bảo hiểm hàng hoá, ai chịu trách nhiệm về những tổn thất và rủi ro của hàng hoá trong quá trình vận chuyển..., thời điểm chuyển giao rủi ro về hàng hoá.

CISG là một Công ước được ký kết giữa các quốc gia với nội dung cung cấp một bệ đỡ pháp lý, một tập hợp những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế.

=> Về nguyên tắc CISG quy định bao trùm hơn và đầy đủ hơn rất nhiều so với Incoterms về chào hàng, chấp nhận chào hàng để xác lập hợp đồng, quyền hạn, trách nhiệm chung và của từng bên trong hợp đồng liên quan đến chất lượng hàng hóa, kiểm tra hàng hóa trước và sau giao hàng, thanh toán tiền, giảm giá, các chế tài khi có vi phạm của một bên, bồi thường thiệt hại, chấm dứt hợp đồng... CISG 1980 có quy định về vấn đề chuyển rủi ro, tuy nhiên, không thực sự rõ ràng về thời điểm chuyển rủi ro, cũng như trách nhiệm cụ thể của các bên. Các quy phạm này của CISG là quy phạm chung, áp dụng cho bất kì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nào, trong khi với giao dịch mbhh cụ thể, các bên thường ưa chuộng các quy phạm cụ thể và tinh tế như INCOTERMS hơn là các quy định chung (nguyên tắc luật riêng đc ưu tiên áp dụng hơn so với luật chung). Mỗi một điều khoản Incoterms có quy định khác biệt, nên việc hiểu, vận dụng và kết hợp CISG 1980 và Incoterms là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.   

CISG có vai trò như luật nội dung áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng mua bán quốc tế, còn Incoterms chỉ là một tập quán thương mại quốc tế được ghi nhận và áp dụng rộng rãi cho một số vấn đề cụ thể nhất định trong việc vận chuyển, bảo hiểm và giao nhân hàng hóa trong thương mại quốc tế. Vì vậy dù hợp đồng có sử dụng INCOTERMS, CISG vẫn có thể được áp dụng làm nguồn luật điều chỉnh các vấn đề mà INCOTERMS không đề cập và giải quyết.

Khi một quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên CISG, thì CISG sẽ trở thành nội luật của nước đó và sẽ tự động được áp dụng cho (i) các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế giữa đối tác có trụ sở kinh doanh tại nước đó với đối tác khác có trụ sở kinh doanh tại một quốc gia cũng là thành viên CISG, hoặc (ii) khi các nguyên tắc tư pháp quốc tế dẫn đến việc áp dụng luật của quốc gia đó. Đây là hai phương thức cơ bản để CISG được áp dụng cho hoạt động MBHHQT. Mặt khác, INCOTERMS chỉ có thể được áp dụng khi các bên có thỏa thuận áp dụng chúng. Vì vậy, trên thực tế CISG và INCOTERMS có thể được áp dụng đồng thời trong cùng một mối quan hệ hợp đồng MBHHQT, khi mà CISG là nguồn luật áp dụng cho hợp đồng, và các bên có thỏa thuận riêng trong hợp đồng về điều khoản giao hàng INCOTERMS.