Mục lục bài viết
- 1. Các vi phạm về quản lý nhà ở và mức xử phạt vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở
- 1.1 Xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài
- 1.2 Biện pháp khắc phục hậu quả:
- 2. Các hình thức giao dịch về nhà ở và điều kiện tham gia giao dịch
- 3. Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở
Luật sư tư vấn:
1. Các vi phạm về quản lý nhà ở và mức xử phạt vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở
Các vi phạm về quản lý nhà ở và mức xử phạt vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở được quy định tại Điều 63 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện quy định;
+ Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc không đảm bảo các điều kiện theo quy định.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Người được thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại hoặc cho mượn nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
+ Bên thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở xã hội bán, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định;
+ Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại không đúng quy định;
+ Bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp hoặc góp vốn bằng nhà ở mà nhà ở đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.
1.1 Xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài
Xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân nước ngoài cho thuê nhà ở mà không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở không thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
+ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sở hữu nhà ở hoặc thực hiện các giao dịch về nhà ở khác tại Việt Nam không đúng đối tượng, không đủ điều kiện hoặc quá số lượng quy định hoặc sở hữu nhà thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu;
+ Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức nước ngoài dùng nhà ở để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác không phải để bố trí cho những người đang làm việc tại tổ chức đó ở.
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai (trừ trường hợp có quy định khác).
- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài sau đây:
+ Bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định;
+ Bán nhà ở mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu;
+ Không gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.
1.2 Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã bán, cho thuê hoặc cho thuê mua không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện; buộc hoàn trả lại tiền hoặc tài sản cho bên mua, bên thuê hoặc bên thuê mua và bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, thuê, thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a, điểm b khoản 5 Điều này và đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; buộc hoàn trả toàn bộ chi phí mà bên mua đã trả và bồi thường thiệt hại cho bên mua đối với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều này;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở xã hội đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
- Thu hồi số tiền giao dịch không thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở do cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu không đúng đối tượng, điều kiện, vượt quá số lượng quy định hoặc thuộc khu vực không cho phép đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
- Buộc hủy bỏ việc cho thuê hoặc sử dụng vào mục đích khác không đúng quy định và bồi thường thiệt hại cho bên thuê theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
2. Các hình thức giao dịch về nhà ở và điều kiện tham gia giao dịch
Theo Điều 117, Luật Nhà ở năm 2014 (thay thế bởi: Luật nhà ở năm 2023), Giao dịch về nhà ở bao gồm các hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở.
Nhà ở tham gia giao dịch phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định tại Điều 118 Luật nhà ở 2014 như sau:
Đối với giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở
Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý: Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c nêu trên không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Giao dịch về nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận
Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:
– Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;
– Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương;
– Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật nhà ở;
– Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;
– Nhận thừa kế nhà ở;
– Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Đối với nhà ở cho thuê
– Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
– Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
– Nhà ở phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
3. Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở
Các bên tham gia giao dịch về nhà ở phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:
Điều kiện đối với bên bán cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở
Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:
– Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
– Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
Điều kiện đối với bên mua thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân
Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:
– Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
– Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
Điều kiện đối với tổ chức
Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật nhà ở; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Thời điểm chuyển quyền sở hữu và chuyển giao rủi ro trong giao dịch mua bán về nhà ở
- Điều kiện để nhà ở tham gia giao dịch là gì? Các bên tham gia giao dịch về nhà ở phải đáp ứng điều gì?