1. Nghĩa vụ trả nợ của những người thừa kế?

Thưa luật sư, tôi có một câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn. Gia đình chúng tôi có chút rắc rối về nợ nần sau khi bố chúng tôi qua đời cụ thể như sau: Bố tôi vừa mất được mấy tháng, hiện giờ có người đến nói là trước khi mất bố tôi có nhận bán đất cho họ và ký giấy nhận tiền của họ rồi nhưng chưa giao đất (vì bố tôi làm chủ công ty về bất động sản).

Theo như công ty nói thì số tiền đó bố tôi chưa giao về công ty nhưng điều này chúng tôi không thể chứng thực được vì giờ người đã mất rồi. Xin luật sư cho chúng tôi hỏi trong trường hợp các con đã ký giấy từ chối quyền thừa kế, sau đó toàn bộ tài sản được chuyển sang tên mẹ, giờ mẹ tôi muốn ký giấy tặng, cho toàn bộ tài sản đó lại cho chúng tôi thì chúng tôi có phải chịu trách nhiệm trước số nợ đó nữa không, vì tôi có đọc được là những người đã từ chối quyền thừa kế thì không có trách nhiệm phải trả nợ cho người đã mất nữa có đúng không ạ?? Và trong trường hợp toàn bộ tài sản mẹ tôi là người thừa kế duy nhất đã đem đi cho, tặng và k còn khả năng trả nợ thì mẹ tôi có bị truy tội hình sự không ạ hay chuyện này sẽ do công ty tự giải quyết ạ??

Mong sớm nhận được hồi âm của luật sư. Cám ơn.

Người gửi: N.T.P

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:1900.6162

Trả lời:

Trước hết, bạn nên tìm hiểu và xác thực có đúng là bố của bạn vẫn giữ tiền bán nhà mà chưa chuyển vào tài khoản công ty hay không?

Nếu như sự việc chính xác là như vậy thì phía gia đình bạn phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn và các anh chị em đã ký giấy từ chối quyền thừa kế, sau đó toàn bộ tài sản được chuyển sang tên mẹ, theo quy định tại Điều 620 quy định về việc từ chối nhận di sản thì bạn và các anh chị em có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Như vậy bạn có quyền từ chối nhận di sản vì một lý do nào đó được pháp luật công nhận nhưng sau đó số tài sản đã được sang tên cho mẹ bạn thì khi đó mẹ bạn phải là người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bố bạn. Mẹ bạn có quyền tặng cho tài sản cho mình cho người khác, tuy nhiên phải sau khi đã thực hiện hết nghĩa vụ trả nợ của mình. Do vậy mẹ bạn không thể tặng cho tài sản trước sau đó mới thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Căn cứ pháp luật Điều 658 BLDS 2015:

Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

5. Tiền công lao động;

6. Tiền bồi thường thiệt hại;

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;

9. Tiền phạt;

10. Các chi phí khác.

Tham khảo: Bộ luật dân sự năm 2015;

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, cảm ơn bạn đã tin tưởng. Trâng trọng./.

2. Bố là người thừa kế gần nhất của mẹ có phải không?

Chào luật sư Minh Khuê. Tôi có thắc mắc mong được giải đáp. Trước đây khi mẹ tôi còn sống, chúng tôi ở chung một nhà, tôi có đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khi đó giấy lại lấy tên mẹ tôi. Cơ quan cấp giấy cho tên mẹ tôi đứng tên trên đầu sổ. Hiện nay mẹ tôi đã chết, tôi ở cùng bố.
Xin hỏi, hiện nay người thừa kế gần nhất có phải bố tôi không? Tôi muốn chuyển sang tên tôi để cho tiện quản lý thì phải làm những hủ tục gì, chi phí ra sao?
Xin cảm ơn!

Bố là người thừa kế gần nhất của mẹ có phải không ?

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Hiện nay, mẹ bạn mất mà không để lại di chúc, vậy tài sản này sẽ xác nhận thừa kế theo pháp luật. Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau....

Dựa vào quy định này bạn xác nhận hàng thừa kế thứ nhất bao gồm những ai? Sau khi xác định được, nếu muốn đứng tên phần đất mẹ bạn để lại bạn cần làm văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế với sự đồng ý của tất cả những người thừa kế cho bạn đứng tên phần đất này.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Phân chia di sản thừa kế không có di chúc ?Chia di sản thừa kế khi không có di chúc ?

3. Quyền lợi giữa mẹ và các con khi bố qua đời?

Thưa luật sư, em muốn hỏi một số vấn đề ạ. Bố em bỏ nhà đi từ năm 1992. Ở nhà mẹ em cùng với 3 chị em em ở với ông bà nội trên đất ông bà nội. Sổ đỏ chuyển tên sang cho bố em. Nhưng sau đó xét thấy bố em đi xa không về nên trong sổ gốc có tên thừa kế là tên mẹ em. Bây giờ làm lại sổ đỏ, ông bà nội em sợ mẹ em làm tên chủ hộ là là mẹ em nên yêu cầu làm lại và có tên chủ hộ là bố em, thừa kế là mẹ em.
Em muốn hỏi như thế thì cần những thủ tục gì và quyền lợi của mẹ và 3 chị em em là như thế nào ạ?
Em cảm ơn ạ!

Trả lời:

Do bạn không trình bày cụ thể là sổ đỏ đã chuyển tên cho bố bạn chưa, nên chúng tôi sẽ giả sử hai trường hợp.

Thứ nhất, sổ đổ đã sang tên cho bố bạn thì bố bạn là chủ sở hữu của mảnh đất, mảnh đất đấy không còn là của ông bà nội bạn nên ông bà nội bạn không có quyền để lại thừa kế với phần đất đó.

Thứ hai, nếu sổ đỏ chưa sang tên cho bố bạn:

Theo Bộ luật dân sự năm 2015thì nếu khi ông bà nội bạn mất có để lại di chúc và di chúc đó hợp pháp là để lại di sản cho mẹ bạn thì di sản đó sẽ được chia theo di chúc. Có nghĩa là mẹ bạn được hưởng di sản mà ông bà bạn để lại theo như trong di chúc. Các điều kiện để di chúc hợp pháp bạn có thể tham khảo tại Chương XXII Bộ luật dân sự năm 2015.

Nếu ông bà nội của bạn mất đi không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản để lại sẽ được chia theo pháp luật. Nghĩa là chia theo hàng thừa kế

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết ( điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015). Và những người cùng hàng thừa kế sẽ được nhận di sản bằng nhau.

Như vậy, việc ai đứng tên là chủ hộ thì không ảnh hưởng đến việc hưởng thừa kế.

4. Xử lý thế nào khi người thừa kế bỏ nhà đi?

Thưa luật sư! Gia đình tôi hiện có 5 chị em, ba mẹ đã mất hết, ba tôi có di chúc để lại cho 4 chị em, chị cả không có! Hiện chúng tôi muốn bán nhà nhưng trong di chúc lại ghi chú không được bán. Như vậy cần phải làm lại thủ tục thừa kế khác, nhưng hiện nay 2 em tôi bỏ nhà đi đều ko liên lạc được vậy tôi phải làm như thế nào để làm lại thủ tục thừa kế?
Cảm ơn!

Trả lời:

Trường hợp của bạn không nêu rõ là 2 em của mình đã bỏ đi được bao nhiêu năm cho nên cần phải xem xét nếu 02 em của bạn bỏ đi từ 2 năm trở lên thì cần thực hiện thủ tục tuyên bố mất tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật dân sự năm 2015. VIệc hai em bạn bỏ nhà đi không ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục thừa kế.

Thưa luật sư, xin hỏi: Vợ Chống Tôi chỉ có tài sản chung, hiện có 2 con còn nhỏ (8 và 12 tuổi). Tôi có sử dụng tài sản chung để thế chấp ngân hàng (có đồng thuận Vợ Chồng) để vay tiền cho Công ty riêng (Vợ vẫn có cổ phần trong Công ty). Ngăn ngừa sự bất trắc không mong muốn trong cuộc sống; Vợ chồng Chúng tôi dự định Ủy quyền cho nhau để giải quyết công việc có liên quan đến tài sản trong trường hợp 1 người bị mất hành vi dân sự (không phạm pháp). Việc Vợ chồng tôi muốn làm có phù hợp quy định của pháp luật hay không? nếu phù hợp thì cách thức tiến hành thế nào? Xin được Quý công ty tư vấn. Trân trọng!

=> Điều 61 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về Người giám hộ đương nhiên của người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình:

Người giám hộ đương nhiên của người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình được xác định như sau:

1- Trong trường hợp vợ bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì chồng có đủ điều kiện phải là người giám hộ; nếu chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì vợ có đủ điều kiện phải là người giám hộ;

2- Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, thì người con cả đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ, thì người con tiếp theo đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ;

3- Trong trường hợp người thành niên bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ, thì cha, mẹ có đủ điều kiện phải là người giám hộ.

=> Theo đó, trong trường hợp 1 trong hai vợ chồng bạn bị mất NLHVDS thì người còn lại sẽ làm giám hộ đương nhiên. Do đó, hai vợ chồng bạn không cần ủy quyền cho nhau để giải quyết công việc có liên quan đến tài sản trong trường hợp 1 người bị mất hành vi dân sự.

5. Thủ tục chia đất thừa kế khi ông bà qua đời đột ngột?

Thưa luật sư, Tôi có câu hỏi nhờ luật sư giải đáp giúp: Miếng đất nhà tôi đang ở có sổ đỏ đứng tên ông bà nội tôi. Nhưng do ông bà chết đột ngột nên chưa sang tên được cho con trai. Ba bác con gái nhà tôi nắm được luật con trai cũng như con gái, cũng được hưởng tài sản ông bà để lại và đòi chia để bán. Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi bây giờ tôi phải làm thế nào để giữ lại miếng đất đó? Có sáu người con trong gia đình, 3 con trai, 3 con gái trong đó có 3 con gái 2 con trai đã đồng ý kí vào giấy tờ chia đất.
Vậy tôi là con trai chưa kí thì pháp luật có giải quyết không?
Người hỏi: H.T.T

Nghĩa vụ trả nợ của những người thừa kế ?

Tư vấn thủ tục khước từ quyền tài sản, gọi:1900.6162

Trả lời:

Do bố mẹ bạn mất không để lại di chúc do vậy miếng đất này là di sản phải được chia thừa kế theo pháp luật.

Điều 651, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về những người được hưởng thừa kế theo pháp luật như sau:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

...2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.....

Theo khoản 2, điều 651 trên, thì cả 6 người con của bố mẹ bạn đều được hưởng phần di sản trên như nhau. Trừ khi bạn chứng minh được có di chúc hoặc có người làm chứng, hoặc tồn tại một tờ giấy, đoạn ghi âm... Chứng minh di sản là để lại cho mình thì bạn có quyền hưởng di sản. Còn nếu không, anh chị em bạn hoàn toàn có quyền đồng thừa kế hưởng phần di sản đó với bạn.

Như vậy, để có thể định đoạt được mảnh đất, trước hết gia đình bạn cần làm thủ tục phân chia di sản thừa kế. Sau khi phân chia xong, mỗi người sẽ được hưởng 1 phần diện tích đất trong diện tích mảnh đất đó hoặc phần giá trị tương đương trong trường hợp không nhận hiện vật (không nhận đất). Trong trường hợp của bạn, không ký vào giấy thỏa thuận chia đất thì Tòa án (Tòa cấp tỉnh theo điểm c, khoản 1, điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015) sẽ vẫn tiến hàng chia thừa kế theo pháp luật, tức là mỗi người sẽ được 1/6 mảnh đất hoặc giá trị tài sản nào đó tương đương với 1/6 mảnh đất.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân Trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty luật Minh Khuê