Kính chào công ty Luật Minh Khuê, tôi có thắc mắc về chế độ trợ cấp thôi việc đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty có phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nước ngoài mà công ty có giao kết hợp đồng lao động không?

Mong nhận được hồi đáp từ luật sư. Tôi xin cảm ơn!

Người hỏi: Nguyễn Nhã - Hưng Yên

Luật sư tư vấn:

1. Cơ sở pháp lý về trợ cấp thôi việc

- Bộ luật lao động năm 2019

- Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2014

- Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Bộ luật lao động 2019

- Nghị định 143/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 

2. Trợ cấp thôi việc đối với người lao động là người nước ngoài

2.1. Quy định về hưởng trợ cấp thôi việc

Khoản 1 Điều 46 Bộ luật lao động quy định: "Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1,2,3,4,5,6,7,9,10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên ...trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 (người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên)".

Theo quy định này thì không hề có sự phân biệt là áp dụng đối với người lao động người Việt Nam hay người lao động nước ngoài. Cùng với đó, theo quy định tại Điều 2 về đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động thì gồm những đối tượng sau đây: 

(i) Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có mối quan hệ lao động;

(ii) Người sử dụng lao động;

(iii) người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

(iv) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ lao động.

Theo đó, về mặt nguyên tắc, các điều khoản được quy định trong Bộ luật lao động, bao gồm cả quy định về trợ cấp thôi việc cũng sẽ được áp dụng đối với người lao động là người nước ngoài khi làm việc cho người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Và theo quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động và hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức giao kết hợp đồng lao động, khi chấm dứt hợp động thuộc các trường hợp pháp luật quy định, người sử dụng lao động tại Việt Nam có trách nhiệm trả khoản trợ cấp thôi việc nếu người lao động là người nước ngoài đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên cho người sử dụng lao động. Và mỗi năm làm việc được hưởng trợ cấp nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc tiên tục trở lên.

 

2.2. Thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc đối với người lao động là người nước ngoài

Khoản 2 Điều 46 Bộ luật lao động quy định: "Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm".

Theo đó, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được tính là thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và Điều 43 Luật việc làm 2013 thì việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc chỉ áp dụng đối với các đối tượng người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Theo đó, đối tượng người lao động là người nước ngoài làm việc tại VIệt Nam sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật lao động thì mỗi kỳ trả lương cho người lao động là người nước ngoài thì người sử dụng lao động vẫn phải chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định cho người lao động là người nước ngoài.

Về mặt nguyên tắc, bảo hiêm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động trong thời gian tìm việc làm mới trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì khi bị mất việc làm sẽ được quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả mà không hưởng trợ cấp thôi việc từ người sử dụng lao động nữa. Vì thế, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc sẽ là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian làm việc đã đươc người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó, thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xác định là thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với người lao động là người nước ngoài sẽ là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động và trừ đi: 

- thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thất thôi việc (nếu có); và 

- Thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định  của pháp luật về lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Từ những phân tích trên, nếu người lao động là người nước ngoài đã được người sử dụng lao động chi trả khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật trong quá thực hiện hợp đồng lao động thì việc tính thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động là tương tự như cách tính đối với người lao động Việt Nam mà thôi.

Tuy nhiên, nếu trong suốt khoảng thời gian thực hiện hợp đồng lao động, người lao động là người nước ngoài không được người sử dụng lao động chi trả các khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc theo quy định thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính bằng khoảng thời gian người lao động là người nước ngoài đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động và chỉ trừ đi thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có).

Kết luận lại: người lao động là người nước ngoài sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

(i) Chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật sa thải theo nội quy lao động của doanh nghiệp hoặc người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do cính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

(ii) Đã giao kết hợp đồng lao động và có thời gian làm việc liên tục từ đủ 12 tháng trở lên cho người sử dụng lao động;

(iii) Không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc và các khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình làm việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.

 

3. NLĐ là người nước ngoài được bổ nhiệm sang làm việc tại Việt Nam thì có phải tham gia BHYT tại Việt Nam không?

Theo quy định tại Điều 12 của Luật bảo hiểm y tế hiện hành thì đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương. Quy định này được áp dụng cho cả người lao động là người Việt Nam và người lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đó có chế độ bảo hiểm y tế.

Theo đó, người lao động là người nước ngoài có hưởng lương từ Việt Nam theo hợp đồng lao động hoặc văn bản bổ nhiệm thì phải đóng bảo hiểm ý tế bắt buộc. Và trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không phát sinh việc hưởng lương tại Việt Nam (lương do bên nước ngoài trả) thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi đối với yêu cầu giải đáp của khách hàng về chế độ hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động là người nước ngoài khi chấm dứt hợp đồng lao động. Bạn đọc có vướng mắc pháp lý khác cần hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.6162 để được gặp và trao đổi trực tuyến với luật sư, nhận giải đáp nhanh chóng và chính xác nhất. Nếu vấn đề cần giải đáp phức tạp và kèm theo nhiều hồ sơ tài liệu quý khách có thể lựa chọn hình thức thư tư vấn bằng cách gửi yêu cầu tư vấn qua Email: [email protected] để luật sư nghiên cứu và giải đáp bằng văn bản chi tiết, rõ ràng. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Luật Minh Khuê (Tổng hợp và phân tích)