1. Thủ tục để hưởng trợ cấp thôi việc?

Xin chào Luật Minh Khuê, em có câu hỏi sau xin được giải đáp: Em có ký hợp đồng lao động với công ty từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2014. Em nghỉ thai sản từ ngày 1/4/2014 đến ngày 1/10/2014.
Đến hết thời gian nghỉ thai sản em có đến báo đi làm lại nhưng công ty không sắp xếp việc cho em và nói sẽ thông báo sau. Đến 20 ngày sau em vẫn không thấy công ty thông báo gì cho em và em có gửi mail hỏi thì họ nói là em đã nghỉ việc không có lý do.
Họ nói nếu muốn trợ cấp thôi việc thì phải viết đơn xin nghỉ họ mới giải quyết cho nên em đã viết đơn xin nghỉ nhưng công ty vẫn không giải quyết trợ cấp thôi việc cho em, em có hỏi thì ông phòng Hành chính nhân sự có nói làm đơn xin trợ cấp và em cũng đã làm, nhưng đến giờ đã được 2 tháng mà vẫn không thấy công ty thông báo gì về việc trợ cấp của em, em nên làm thế nào để được hưởng trợ cấp thôi việc từ công ty?
Em nhờ luật sư tư vấn giúp em.  Em xin cám ơn. 
Người gửi: Kim

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chuyên mục tư vấn pháp luật của công ty chúng tôi. Câu hỏi của bạn được chúng tôi trả lời như sau:

Điều 48 BLLĐ 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

"1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc"

Điều 14, Nghị định 05/2015/NĐ-CPquy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao độngvề trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, theo đó:

"5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;

c) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo quy định tại Điều 13 Nghị định này"

Theo các quy định trên, nếu bạn đủ điều kiện nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2012 thì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn 07 ngày người sử dụng lao động sẽ phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc và các chế độ khác cho bạn. Nếu không nhận được các chế độ này, bạn làm đơn khiếu lại gửi đến người sử dụng lao động yêu cầu giải quyết.

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn 1900.6162 .

 

2. Mức hưởng trợ cấp thôi việc khi chuyển công tác?

Kính chào luật sư: Tôi có câu hỏi mong được luật sư tư vấn như sau: Tháng 12/1998 tôi ký hợp đồng là chuyên viên chính thức và đóng bảo hiểm tại công ty A; Tháng 12/2006 tôi được biệt phái sang làm công ty con B ( côn ty A là đại diện góp vốn); Tháng 9/2013 tôi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty A và hưởng trợ cấp thôi việc từ tháng 10/1998 đến 12/2008 với mức như sau: (10,5 năm x0,5) x 4.177.000 đồng = 21.614.250 đồng;
Sau đó tôi chuyển sang làm công ty B và công ty A chốt sổ BHXH như sau: Thời gian đóng BHXH bắt buộc đến 9/2013 là 14 năm 10 tháng. Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng là 4 năm 1 tháng. Tôi làm việc tại công ty B và đóng BHXH đến hiện tại 07/2015 thì công ty chính thức cho tôi nghỉ việc.
Vậy, tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc nữa không. Mức trợ cấp của tôi là bao nhiêu, cách tính trợ cập như thế nào? xin hãy giúp tôi, mức lương cơ bản hiện tại của tôi là 6.825.000 đồng. Tôi chỉ còn 1/2 tháng nữa là rời khỏi công ty rồi?
Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư!
Người gửi: E.M

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động gọi: 1900.6162

 

Trả lời: 

Hiện nay theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định về điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc khi: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên”. Mà theo quy định tại Điều 36 BLLĐ có quy định như sau:

Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trợ cấp thôi việc được tính cụ thể:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.”

Theo hướng dẫn tại Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn BLLĐ có quy định như sau:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội;

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

Theo thông tin mà chị cung cấp cho chúng tôi thì tháng 9/2013 chị kết thúc HĐLĐ với công ty A và sau đó chị “làm việc cho công ty B và đóng BHXH đến hiện tại 07/2015 thì công ty chính thức cho chị nghỉ việc”. Nhưng chị không nêu rõ là thời gian làm việc cho Công ty B trước năm 2015 (vì từ 01/01/2015 doanh nghiệp bắt buộc phải đóng BHTN cho NLĐ khi ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên), chị có được đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không? Và nguyên nhân chị nghỉ tại công ty có thuộc một trong những trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 ở trên hay không? Chúng tôi xin tư vấn cho bạn theo 2 hướng như sau:

Trường hợp 1: Chị nghỉ việc thuộc trường hợp Điều 36 BLLĐ nêu trên và thời gian này chị chưa được đóng bảo hiểm thất nghiệp thì chị sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương.

Giả sử chị làm việc cho Công ty B từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2014 thì có thời gian 1 năm 3 tháng không đóng BHTN. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Và bình quân 6 tháng lương trước khi chị nghỉ việc là 6.825.000 đồng. Khi đó, trợ cấp thôi việc được xác định như sau:

Trợ cấp thôi việc =  1,5 năm   x   3.412.500 đồng  =  5.118.750 đồng (bằng chữ: năm triệu một trăm mười tám ngàn bảy trăm năm mươi đồng).

Trường hợp 2: Thời gian chị làm việc cho Công ty B đã được đóng BHTN thì chị sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc nữa, thay vào đó chị sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013. Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Quyền lợi được hưởng:

Thời gian tính hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được công dồn cả thời gian chị làm việc tại Công ty A (4 năm 1 tháng). Mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau:

Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.”

Giả sử chị làm việc cho Công ty B từ tháng 10/2013 đến hết tháng 7/2015 thì có thời gian đóng BHTN là 1 năm 10 tháng và cộng thời gian trước tại Công ty A thì tổng thời gian chị đóng BHTN là 5 năm 11 tháng, được làm tròn lên 6 năm. Với 6 năm này chị sẽ được hưởng 6 tháng trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (tạm tính mức BQTL sáu tháng liền kề trước khi chị nghỉ việc là 6.825.000 đồng). Trợ cấp thất nghiệp cho mỗi tháng được xác định là 4.095.000 đồng/tháng (bằng chữ: bốn triệu không trăm chín mươi lăm ngàn đồng).

 

3. Thời gian được tính hưởng trợ cấp thôi việc ?

Tôi xin hỏi về trường hợp một nhân sự của công ty đã làm vừa xin nghỉ việc sau thời gian làm được 5 năm. trong suốt quãng thời gian làm công ty đều đóng bhxh. hiện nhân sự yêu cầu công ty phải trả trợ cấp thôi việc 1/2 tháng lương cho mỗi năm làm việc với lý do công ty không đóng bhxh ở mức đầy đủ.
Trước khi nghỉ việc, nhân sự hưởng mức lương thực lĩnh là 12 triệu đồng và công ty đóng bhxh ở mức 6 triệu. xin hỏi trong trường hợp này công ty chúng tôi nên giải quyết như thế nào ?

>> Luật sư tư vấn luật Lao động trực tuyến, gọi:  1900.6162

 

Trả lời:

Thứ nhất, về tiền lương dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội 

Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

Điều 30. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động."

Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động này theo đúng quy định nêu trên thì công ty bạn không vi phạm. Nếu công ty bạn chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương nêu trên thì bên bạn có thể tự bổ sung mức đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, Công ty bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp...

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này."

Thứ hai, Về trợ cấp thôi việc

" Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc."

Như vậy, nếu thời gian làm việc thực tế của người lao động này bằng số thời gian đã được tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì trợ cấp thôi việc được tính bằng 0. Việc công ty tham gia đóng bảo hiểm sai mức đóng không ảnh hưởng tới việc chi trả trợ cấp thôi việc

Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp.

 

4. Thủ tục nghỉ việc để hưởng trợ cấp thôi việc của viên chức

Tôi là giáo viên công tác từ 10/2/2009 đến nay. Hiện nay, tôi muốn thôi việc thì cho tôi xin hỏi hình thức giải quyết cho tôi như thế nào? Mong Luật sự tư vấn. Tôi xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Luật Viên chức 2010 quy định:

"Điều 2. Viên chức

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật."

Như vậy, theo quy định trên thì giáo viên là viên chức. Nay bạn muốn thôi việc thì cần phải báo bằng văn bản cho người đứng đầu sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật viên chức năm 2010 như sau:

Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

Thủ tục giải quyết thôi việc:

a) Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Như vậy nếu bạn được giải quyết cho thôi việc thì bạn sẽ được hưởng các chế độ được quy định cụ thể tại Điều 45 Luật viên chức năm 2010.

Điều 45. Chế độ thôi việc

1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị buộc thôi việc;

b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.

Như vậy nếu chị tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 29 về thời hạn báo trước thì chị sẽ được trả trợ cấp thôi việc.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

5. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất ?

Xin chào luật sư minh khuê luật sư cho hỏi. người lao động làm việc tại doanh nghiệp được hơn 30 năm nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu . khi nghỉ việc có được hưởng trợ cấp thôi việc hay không (làm đơn xin nghỉ )? Xin cám ơn luật sư

>> Luật sư tư vấn luật Bảo hiểm xã hội trực tuyến, gọi:1900.6162

 

Trả lời:

- Căn cứ theo quy định của Điều 48 Bộ luật lao động 2012:

"Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc."

- Theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Điều 48 Bộ luật lao động như sau:

"1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động. "

Do vậy, nếu bạn chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau đây thì bạn được công ty chi trả trợ cấp thôi việc:

- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

-  Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

-  Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

-  Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

-  Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này. Xem thêm: Cách tính trợ cấp thôi việc theo luật lao động mới?

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162  để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!