Nguyên tắc trong hoạt động tố tụng, theo đó việc xét xử của toà án được tiến hành công khai với sự tham dự của công dân, tổ chức, trừ trường hợp đặc biệt do luật định; mọi chứng cứ quan trọng đều được xem xét công khai tại phiên tòa; tất cả các quyết định của toà án được thông qua trong quá trình xét xử được công bố công khai và có thể được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

1. Phân tích nguyên tắc Xét xử công khai

Nguyên tắc này được hình thành với tinh thần bao trùm là “tòa án không những có nhiệm vụ thi hành công lí mà còn phải cho thấy công lí đã được thi hành”. Vì vậy, nội dung chủ đạo của nguyên tắc là công việc xét xử của tòa án phải được tổ chức sao cho công chúng có thể tham dự được và thông tin về việc xét xử đến với công chúng một cách tối đa. Nội dung này thể hiện ở một số khía cạnh cụ thể sau:

Thứ nhất, trước khi xét xử mỗi vụ án, tòa án phải công khai địa điểm, thời gian xét xử để công chúng được biết nếu quan tâm.

Thứ hai, phiên xử phải được tổ chức công khai để người dân tham dự nếu có nhu cầu. Tòa án không được từ chối người dân thực hiện quyền này, trừ các trường hợp được phép xét xử kín theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà tòa án không đáp ứng được (ví dụ, phòng xử án đã chật...), thì tòa án phải áp dụng các biện pháp để người dân theo dõi được diễn biến của phiền tòa.

Thứ ba, trong quá trình xét xử, có một số công đoạn có thể được thực hiện không công khai (ví dụ, khi nghị án, khi hòa giải các bên), song bản án phải được tuyên công khai và công bố để mọi người biết và nghiên cứu nếu muốn.

Thứ tư, tòa án phải đưa ra phân tích, lập luận, lý do cho mỗi phán quyết của mình và viết rõ lập luận, lý do đó trong bản án được công bố, làm sao phải cho người dân thấy mỗi quyết định của tòa án đều phải có lí lẽ được phân tích và lập luận một cách rõ ràng.

Thứ năm, nguyên tắc xét xử công khai không mang tính tuyệt đối. Trong một số trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng, tòa án có thể tiến hành xét xử kín. Các trường hợp đó bao gồm:

(1) Để bảo đảm không lộ bí mật nhà nước;

(2) để bảo đảm thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

(3) để bảo vệ người chưa thành niên;

(4) giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đưong sự (Khoản 2 Điều 11 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014).

Nguyên tắc xét xử công khai có ý nghĩa vô cùng lớn và đa chiều đối với hoạt động của tòa án nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung:

Thứ nhất, xét xử công khai là một phương thức kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của tòa án. Khi người dân được tham dự các phiên xử của tòa án họ sẽ trực tiếp đánh giá được mức độ thuyết phục, sự có lí trong hoạt động xét xử. Đặc biệt, khi bản án và lập luận được công khai thì bất kì ai vào bất kì lúc nào cũng có thể đánh giá được lí lẽ trong hoạt động của tòa án. Các bản án cũng được lưu lại như bằng chứng rõ ràng để đánh giá sự đúng đắn trong công tác xét xử của tòa án. Sự công khai làm cho thẩm phán phải hết sức cẩn trọng với công tác của mình, xét xử phải thật sự khách quan, trình độ lập luận phải thực sự thuyết phục, bởi nếu không thì với các bản án được lun lại lúc nào cũng có thể phát hiện và truy cứu trách nhiệm của thẩm phán.

Thứ hai, xét xử công khai là một cách thức làm cho người dân thấy rõ sự hiện diện của công lí trong xã hội, qua đó trực tiếp ghi nhận và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ thi hành công lí của tòa án. Khi xét xử, tòa án thi hành công lí đối với người dân. Khi thực hiện xét xử công khai, người dân chứng kiến được công lí mà tòa án thi hành, đồng thời thấy rằng có sự hiện diện của công lí trong xã hội, từ đó có niềm tin vào công lí, vào tòa án để rồi người dân không tự xử lấy tranh chấp của mình mà nhờ vào tòa án xét xử một cách hòa bình. Tranh chấp không chuyển thành xung đột và trật tự xã hội nhờ vậy được bảo đảm.

Thứ ba, nguyên tắc xét xử công khai góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Khi người dân tham dự phiên tòa và lí lẽ của các bản án được công khai được bình luận bởi báo chí và xã hội, người dân thực sự thấy được ý nghĩa và sự gần gũi của pháp luật trong cuộc sống hàng ngày và từ đó hình thành ý thức tuân thủ pháp luật một cách tự nhiên.

Thứ tư, tòa án thực hiện nguyên tắc xét xử công khai cũng đồng thời bảo đảm quyền cơ bản hiến định của người dân - quyền được xét xử công khai (Quyền này được quy định tại khoản 2 Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Tất nhiên, quyền được xét xử công khai có phạm vi bao trùm rất rộng, không chỉ đối với công đoạn xét xử mà tất cả các công đoạn khác của quy trình tố tụng tư pháp. Tuy nhiên, sự công khai trong hoạt động xét xử là nhân tố quan trọng nhất để bảo đảm quyền này, đặc biệt đối với tư pháp hình sự. Xét xử công khai tất yếu đòi hỏi công khai kết luận điều tra, lập luận của bên buộc tội, lập luận của bên gỡ tội..., từ đó nội dung, chất lượng của các công đoạn trong tố tụng hình sự được phơi bày và được đánh giá.

 

2. Quy định về việc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thế nào?

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do luật định thì có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự?

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.

Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự khác trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự.

 

3. Tiếng nói và chữ viết dùng trước Tòa án nhân dân quy định thế nào?

Tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt.

Tòa án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án nhân dân, trường hợp này phải có phiên dịch.

 

4. Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân như thế nào?

Điều 16. Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tôn trọng Tòa án.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, danh dự của Tòa án nhân dân, cản trở hoạt động của Tòa án; người có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định, của pháp luật.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thẩm phán, Hội thẩm có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác và công dân. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức và công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm làm nhiệm vụ.

 

5. Trách nhiệm phối hợp của Tòa án nhân dân với cơ quan, tổ chức thế nào?

Điều 17. Trách nhiệm phối hợp của Tòa án nhân dân với cơ quan, tổ chức

1. Tòa án nhân dân phối hợp với cơ quan, tổ chức phát huy tác dụng giáo dục của phiên tòa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân.

2. Tòa án nhân dân cùng với cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

3. Trong trường hợp cần thiết, cùng với việc ra bản án, quyết định, Tòa án nhân dân kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó. Cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị có trách nhiệm thực hiện và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị phải thông báo cho Tòa án về kết quả giải quyết kiến nghị.

 

6. Quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức như thế nào?

Điều 18. Quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức

1. Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức.

2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân như thế nào?

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân theo quy định của luật.

Việc tổ chức xét xử của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như thế nào?

1. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo quy định của luật tố tụng.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)