Căn cứ pháp lý:
- Hiến pháp năm 2013;
- Nghị quyết số 52-NQ/TW;
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
1. Tòa án điện tử là gì?
Tòa án điện tử là hình thức chuyển một phần hoạt động của Tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc tiến hành, tối ưu hóa và phát triển trên nền tảng số một số hoạt động: quản trị nội bộ Tòa án; công khai hoạt động của Tòa án; cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công; hỗ trợ các tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử.
2. Chính sách thực hiện xét xử trực tuyến của Tòa án
Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tích cực vào việc phòng, chống dịch bệnh; đồng thời duy trì các hoạt động bình thường của Tòa án các cấp. Nhằm tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh trong phòng xét xử, hệ thống Tòa án đã phải hạn chế/tạm dừng mở phiên tòa – phiên họp, tiếp công dân và một số hoạt động khác… Đây là việc làm cấp bách và cần thiết được toàn thể công chứng, người lao động nghiêm túc thực hiện trong giai đoạn dịch bùng phát như hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài khi chưa có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách triệt để, mà việc tạm dừng xét xử, hạn chế một số hoạt động tố tụng, kéo dài thời gian giải quyết các loại án trong thời gian sắp tới sẽ dễ gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với hệ thống pháp luật và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Toà án bắt đầu từng bước thực hiện mô hình “Toà án điện tử” theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và trang thiết bị hiện có tại mỗi đơn vị Tòa án, tôi xin đề xuất mô hình “phòng xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung”.
3. Nguyên tắc xét xử trực tiếp
Xét xử trực tiếp là một trong những nguyên tắc cơ bản của việc xét xử được pháp luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính ghi nhận.
Theo từ điển tiếng Việt, “trực tiếp” là “có quan hệ thẳng với đối tượng, không qua khâu trung gian, trái với gián tiếp”. Xét xử trực tiếp là việc xét xử một cách trực tiếp, giữa người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng với nhau, không thông qua một khâu trung gian nào. Như vậy, nếu nhìn nhận từ góc độ ngôn ngữ học, việc thực hiện hoạt động xét xử trực tuyến dễ bị nhận định là có khả năng dẫn đến xung đột với nguyên tắc xét xử trực tiếp trong tố tụng. Bởi lẽ, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ số để thu và phát âm thanh, hình ảnh của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trên một hệ thống chung, chứ không tiến hành trực tiếp giữa các đối tượng này.
Tuy nhiên, việc phân tích một nguyên tắc pháp lý cần dựa vào góc độ pháp lý chứ không thể chỉ máy móc dựa trên góc độ ngữ nghĩa.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên tắc xét xử trực tiếp thực chất là nhằm để ngăn chặn tình trạng xét xử theo hồ sơ (xét xử bút lục) mà không quan tâm đến diễn biến phiên tòa, tức chỉ dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ để đưa ra phán quyết. Do đó, chữ “trực tiếp” ở đây cần được hiểu là trực tiếp kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa thay vì chỉ kiểm tra, đánh giá chứng cứ thông qua việc đọc hồ sơ; chứ không phải hiểu một cách máy móc “trực tiếp” là “mặt đối mặt”.
Theo quy định của pháp luật tố tụng, nguyên tắc xét xử trực tiếp đòi hỏi Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng các phương thức sau: (1) hỏi, nghe ý kiến của người tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; (2) xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; (3) công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; (4) nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo đó, nếu Tòa án thực hiện việc xác định sự thật vụ án bằng các phương thức trên, thì về mặt pháp lý, Tòa án đã đảm bảo nguyên tắc xét xử trực tiếp. Khi xem xét đối chiếu giữa các phương thức này với việc hoạt động xét xử trực tuyến, có thể thấy, hoạt động xét xử trực tuyến được vận hành dựa trên các phương thức tương tự, có nghĩa là Tòa án xét xử trực tuyến cũng phải xác định sự thật vụ án bằng các hoạt động hỏi, nghe ý kiến người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, và kiểm tra chứng cứ. Điểm khác biệt duy nhất là các hoạt động này diễn ra thông qua hệ thống công nghệ số thu và phát âm thanh, hình ảnh chứ không phải diễn ra theo cách “mặt đối mặt”.
Vì vậy, nếu xét trên phương diện pháp lý, hoạt động xét xử trực tuyến đã đảm bảo các yêu cầu đặt ra của nguyên tắc xét xử trực tiếp, cũng như không có sự xung đột pháp lý giữa hoạt động xét xử trực tuyến và nguyên tắc xét xử trực tiếp.
4. Nguyên tắc xét xử công khai
Nguyên tắc xét xử công khai, quyền bình đẳng của công dân trong tham dự phiên tòa và vấn đề quyền riêng tư của bị cáo, đương sự
Xét xử công khai là một nguyên tắc hiến định, khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai”. Việc Tòa án xét xử công khai là nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của hoạt động xét xử, đảm bảo sự giám sát của quần chúng nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án; từ đó, làm tăng trách nhiệm của người tiến hành tố tụng khi tham gia phiên tòa, khiến họ phải điều chỉnh hành vi và quyết định tố tụng phù hợp với quy định pháp luật dưới sự giám sát của cộng đồng. Ngoài ra, xét xử công khai cũng góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Hoạt động xét xử trực tuyến trong mối liên hệ với nguyên tắc xét xử công khai sẽ dẫn đến câu hỏi rằng ai sẽ được quyền truy cập hoặc theo dõi diến biễn của phiên tòa trực tuyến này. Liệu sẽ là một hệ thống đóng mà chỉ có những người tham gia phiên tòa được truy cập trên hệ thống, hay sẽ là một hệ thống mở cho công chúng được quyền truy cập vào theo dõi phiên tòa trực tuyến này. Và nếu mở thì mở đến mức độ nào, đến mức bất kỳ ai đều có thể truy cập nếu có một thiết bị công nghệ (như điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính,…) hay chỉ những cá nhân đã có đăng ký trước với Tòa án thì mới được cung cấp tài khoản và mật khẩu để theo dõi, và điều kiện để được đăng ký theo dõi phiên tòa là gì.
Việc trả lời các câu hỏi này không hề dễ dàng cho các nhà lập pháp, và tùy thuộc vào câu trả lời khác nhau sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau về việc hoạt động xét xử trực tuyến có xung đột và làm giới hạn nguyên tắc xét xử công khai, giảm đi tính minh bạch của nền tư pháp hay hoạt động xét xử trực tuyến càng làm mở rộng, phát triển nguyên tắc này và gia tăng sự minh bạch của hoạt động tư pháp.
Đồng thời, việc tổ chức trực tuyến phiên tòa cũng dẫn đến một lo ngại khác về quyền riêng tư của bị cáo, đương sự trong vụ án. Nếu việc phát sóng phiên tòa trực tuyến được thực hiện quá rộng, bất kỳ ai cũng xem được thì sẽ mở rộng nguyên tắc xét xử công khai, nhưng đồng thời cũng dẫn đến việc không giữ được bí mật về nhân thân và các vấn đề đời tư của bị cáo, đương sự.
Mặt khác, trong liên hệ với nguyên tắc xét xử công khai, hoạt động xét xử trực tuyến cũng không bảo đảm sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật khi có thể dẫn đến sự chọn lọc tham dự phiên tòa của các công dân dựa trên khả năng tài chính của họ để có thể sở hữu thiết bị công nghệ hiện đại và khả năng mà họ truy cập mạng internet đến mức độ nào thì có thể tham dự và xem phiên tòa trực tuyến. Ở chiều ngược lại, ở các phiên tòa truyền thống, bất kỳ người dân nào cũng đều có thể vào phiên tòa để xem mà không tốn bất kỳ chi phí nào khác. Tại Singapore, một số lo ngại việc đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận công lý trong điều kiện áp dụng hình thức xét xử trực tuyến do sự chênh lệch về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật. Do đó, để đảm bảo tất cả mọi người đều có sự tiếp cận ngang nhau với phiên tòa trực tuyến, Tòa án đã lường tới trường hợp cung cấp một phòng họp có đầy đủ tiện nghi (đường truyền internet, thiết bị,…) đặt ngay trong cộng đồng dân cư.
Theo một số thống kê, tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó chỉ có khoảng 63,1% sử dụng điện thoại thông minh, là phương tiện cơ bản để có thể kết nối trực tuyến, và chỉ có khoảng 70% người dân có sử dụng mạng internet. Nếu hoạt động xét xử trực tuyến được thực hiện, một số lượng lớn người dân sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các phương thức cơ bản trong việc kết nối để tham dự và theo dõi các phiên tòa này. Việc đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận các phiên tòa trực tuyến là một thách thức cần xem xét.
5. Nguyên tắc xét xử công bằng
Trong phiên tòa hình sự, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử công bằng. Do đó, khi xem xét hoạt động xét xử trực tuyến trong liên hệ với nguyên tắc xét xử công bằng cần phải xem xét đến việc bị cáo được xét xử theo hướng truyền thống và xét xử trực tuyến có sự khác biệt nào về kết quả xét xử hay không, và sự khác biệt đó có đủ để phá vỡ tính chất công bằng của việc xét xử hay không.
Theo một số khảo sát tại Hoa Kỳ, việc xét xử trực tuyến có thể dẫn đến những kết quả bất lợi rõ rệt cho phía đối tượng bị xét xử. Ví dụ, một nghiên cứu về các phiên điều trần tại ngoại cho thấy, các bị cáo có phiên điều trần trực tuyến phải trả số tiền bảo lãnh cao hơn từ 54 đến 90% so với những bị cáo thực hiện điều trần trực tiếp. Hoặc một nghiên cứu khác cho thấy, các phiên tòa về nhập cư có xu hướng ra phán quyết trục xuất người nhập cư nhiều hơn khi phiên tòa diễn ra trực tuyến so với các phiên tòa trực tiếp.
Có thể lý giải cho xu hướng trên trong hoạt động xét xử trực tuyến là bởi, khi xét xử trực tuyến, giữa người xét xử và người bị xét xử không có sự giao tiếp “mặt đối mặt” (face to face) mà chỉ giao tiếp thông qua màn hình điện tử, từ đó người xét xử không thể có được những tương tác về mặt cảm xúc đối với người bị xét xử để từ đó có những ảnh hưởng đến phán quyết của mình. Ở chiều ngược lại, các phiên tòa truyền thống diễn ra trong sự tương tác trực tiếp về mặt cảm xúc của thẩm phán và người bị xét xử, từ đó cảm xúc của thẩm phán tất yếu sẽ ảnh hưởng phần nào đến phán quyết của họ. Do đó, có thể kết luận rằng, việc xét xử trực tuyến sẽ dẫn đến các phán quyết lý tính cao hơn, còn xét xử theo hướng truyền thống sẽ có nhiều khả năng dẫn đến các phán quyết chứa nhiều cảm xúc cá nhân hơn.
Như vậy, việc triển khai hoạt động xét xử trực tuyến song song với việc xét xử theo hướng truyền thống sẽ dẫn đến sự mất công bằng của các bị cáo ở các phiên tòa khác nhau. Một bị cáo bị xét xử trực tuyến sẽ mất đi cơ hội tương tác về mặt cảm xúc với thẩm phán so với một bị cáo được xét xử theo mô hình truyền thống, từ đó nhiều khả năng dẫn đến các phán quyết khác nhau giữa hai bị cáo này. Đây là một thách thức cần phải giải quyết khi triển khai hoạt động xét xử trực tuyến để đảm bảo quyền được xét xử công bằng của bị cáo.