Mục lục bài viết
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Cơ sở pháp lý:
- Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
2. Xuất xứ hàng hóa là gì?
Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là hình thức thương nhân tự khai báo và cam kết về xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
3. Hai cách thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của ASEAN
3.1. Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên ASEAN
Theo quy định tại Điều 38 ATIGA và ba phụ lục từ Phụ lục 7 đến Phụ lục 9 của Hiệp định, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ được thực hiện theo trình tự sau:
- Doanh nghiệp xuất khẩu hoặc đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp sẽ nộp đơn xin cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo mẫu D (C/O) cùng các tài liệu bổ sung cần thiết đến cơ quan có thẩm quyền của nước mình;
- Sau khi xác minh, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp C/O mẫu D cho nhà xuất khẩu/ nhà sản xuất.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đến cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thứ ba. Quốc gia này có thể cấp giấy chứng nhận trên cơ sở giấy chứng nhận gốc đã được quốc gia xuất khẩu đầu tiên cấp với điều kiện Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gốc (C/O mẫu D) còn hiệu lực.
Trong trường hợp hàng hóa được gửi bằng đường biển hoặc đường bưu điện có giá FOB (Free on Board) không vượt quá 200 USD thì không cần phải làm thủ tục để được cấp C/O, thay vào đó, nhà xuất khẩu chỉ cần công bố những giấy tờ để khẳng định hàng hóa đó có xuất xứ từ nước xuất khẩu.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mẫu D) sẽ được in trên mặt giấy A4 bằng tiếng Anh với những nội dung như quy định tại Phụ lục 7 của ATIGA, bao gồm 1 bản gốc, 2 bản sao và mỗi bản C/O đều có chữ ký cùng dấu niêm phong của cơ quan cấp giấy chứng nhận.
Bản gốc sẽ được doanh nghiệp xuất khẩu chuyển cho doanh nghiệp nhập khẩu để nộp cho cơ quan hải quan khi làm các thủ tục nhập khẩu. Hai bản sao còn lại sẽ được lưu tại cơ quan cấp C/O và doanh nghiệp xuất khẩu. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước hoặc tại thời điểm giao hàng hoặc sau đó nhưng không quá 3 ngày kể từ ngày giao hàng. Trong trường hợp vì các lỗi hay sai sót vô ý mà cơ quan có thẩm quyền không thể cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo đúng thời hạn trên, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ được cấp sau nhưng trong thời hạn tối đa không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực trong 12 tháng kể từ ngày cấp và phải được nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu trong thời gian này. Nếu doanh nghiệp nộp C/O sau khi đã hết thời hạn thì Giấy chứng nhận này vẫn được chấp nhận trong trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc những nguyên nhân khác xảy ra vượt ngoài khả năng kiểm soát của nhà xuất khẩu với điều kiện là hàng hóa được nhập khẩu trước khi hết thời hạn của giấy chứng nhận xuất xứ.
Nếu chỉ nhìn vào các quy định của ATIGA, có thể thấy đối với hình thức này, trách nhiệm lớn nhất trong việc xác định xuất xứ của hàng hóa thuộc về cơ quan được giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, để nhận được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì gánh nặng lớn nhất lại thuộc về chính doanh nghiệp.
Thứ nhất là do sự phức tạp trong việc đáp ứng đầy đủ những giấy tờ phải nộp theo yêu cầu của cơ quan cấp C/O để chứng minh xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp mình. Chẳng hạn trong trường hợp sử dụng tiêu chí giá trị hàm lượng khu vực để xác định xuất xứ hàng hóa, việc tính toán được các chi phí trong công thức này yêu cầu doanh nghiệp phải có một hệ thống kế toán chi tiết, chuyên nghiệp. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để chứng minh hàng hóa của doanh nghiệp mình đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ.
Thứ hai là sự tốn kém về chi phí và thời gian. Chi phí để xin C/O ưu đãi nhiều khi không chỉ ở bản thân phí cấp C/O mà còn chủ yếu gồm các chi phí chi trả cho nhân viên đi xin cấp C/O, thời gian chờ đợi, chi phí để xin các giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan cấp C/O… dẫn đến doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại do việc bị phạt vì chậm hợp đồng, chi phí lưu kho bãi chờ xuất khẩu hoặc những chi phí về cơ hội kinh doanh khác.
Một nghiên cứu năm 2007 của Manchin và Pelkmans-Balaoing cũng cho thấy chi phí để tuân thủ các quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm được hưởng ưu đãi trong AFTA cao hơn nhiều so với chi phí này ở EU và NAFTA. Theo một khảo sát đối với các doanh nghiệp Thái Lan, 54,5% trong 99 công ty tại nước này cho rằng quá trình xin cấp C/O và sử dụng C/O theo mẫu D là quá phức tạp, vì vậy không mang lại nhiều lợi ích cho các nhà xuất khẩu khi được hưởng ưu đãi. Do đó, họ chấp nhận không được hưởng ưu đãi và chịu mức thuế suất thông thường thay vì phải thực hiện một quy trình phức tạp và tốn kém để xin cấp C/O theo mẫu D.
3.2. Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại doanh nghiệp
Trước những khó khăn mà việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo ATIGA gây ra cho các doanh nghiệp, tại Hội nghị khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 23 tổ chức tại Bangkok tháng 8/2009, đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình tự chứng nhận xuất xứ”, trong đó đưa ra kế hoạch sẽ triển khai Chương trình tự chứng nhận xuất xứ ASEAN (ASEAN Self Certification Scheme) tại tất cả các quốc gia thành viên trước năm 2015.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hiện nay có 4 hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được sử dụng, bao gồm:
(1) hình thức nhà xuất khẩu được cấp phép;
(2) hình thức nhà xuất khẩu đăng ký;
(3) hình thức nhà xuất khẩu tự chứng nhận;
(4) hình thức doanh nghiệp tự do chứng nhận.
Đối với hình thức nhà xuất khẩu được cấp phép, một nhà xuất khẩu được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc trên các chứng từ thương mại khác.
Đối với hình thức nhà xuất khẩu đăng ký, nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc trên các chứng từ thương mại khác. Để trở thành một nhà xuất khẩu đăng ký, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp các thông tin nhất định. Về cơ bản quá trình đăng ký tương đối đơn giản, không có bước đánh giá thông tin tại thời điểm đăng ký.
Đối với hình thức nhà xuất khẩu tự chứng nhận, các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hàng hóa được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Việc điều tra, xác minh sẽ do cơ quan hải quan của quốc gia nhập khẩu điều tra trực tiếp đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hàng hóa.
Đối với hình thức doanh nghiệp tự do chứng nhận, các nhà nhập khẩu được phép xác định xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ đơn giản là đưa ra một chỉ dẫn về xuất xứ hàng hóa dựa trên những thông tin về hàng hóa nhập khẩu của mình khi muốn được hưởng ưu đãi thuế quan và chịu trách nhiệm cho tính chính xác của xuất xứ hàng hóa.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình tự chứng nhận xuất xứ của ASEAN, hai biên bản ghi nhớ đã được lần lượt ra đời vào các năm 2010 và 2012. Cụ thể, Biên bản ghi nhớ về Dự án thí điểm thứ nhất được được ký kết giữa Brune, Malaysia, và Singapore vào 30/8/2010, sau đó có thêm sự tham gia của Thái Lan từ tháng 10/2011 với thời gian thực hiện dự án từ 1/11/2010 cho tới 31/12/2015. Biên bản ghi nhớ về Dự án thí điểm thứ hai được Lào, Indonesia, và Philippines ký kết ngày 29/8/2012, đến nay bổ sung thêm hai quốc gia nữa là Thái Lan và Việt Nam. Toàn bộ thủ tục thực hiện của hai dự án thí điểm được quy định cụ thể tại Biên bản ghi nhớ và Phụ lục về thủ tục triển khai chứng nhận xuất xứ (Operational certification procedure- OCP) của hai biên bản này.
Theo hai chương trình thí điểm này, trách nhiệm xác định xuất xứ hàng hóa sẽ thuộc về doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa hoặc nhà sản xuất hàng hóa được cấp phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào trao đổi thương mại khu vực. Theo đó, các nhà xuất khẩu được cấp phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (gọi tắt là nhà xuất khẩu tự chứng nhận) sẽ được quyền xác định hàng hóa của mình đáp ứng các tiêu chí xuất xứ hàng hóa của ASEAN theo ATIGA trên hóa đơn thương mại.
Để được cấp phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và trở thành nhà xuất khẩu tự chứng nhận, doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp đơn yêu cầu bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật nước này cùng những thông tin cần thiết để chứng minh rằng họ có đầy đủ kiến thức về các quy tắc, thủ tục và hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về việc xác định xuất xứ của hàng hóa. Cơ quan có thẩm quyền sẽ trao quy chế nhà xuất khẩu tự chứng nhận khi doanh nghiệp thỏa mãn bất kỳ điều kiện nào mà cơ quan đó cho là thích hợp, bao gồm:
- Nhà xuất khẩu phải để cho cơ quan có thẩm quyền tiếp cận những hồ sơ, tài liệu nhằm kiểm soát việc tự chứng nhận xuất xứ và xác định xuất xứ hàng hóa trong hóa đơn thương mại mà doanh nghiệp đã xuất ra. Những hồ sơ, tài liệu này phải có đầy đủ thông tin để cho phép xác định xuất xứ hàng hóa ghi trong hóa đơn thương mại của doanh nghiệp trong thời hạn tối thiểu 3 năm kể từ ngày xuất hóa đơn theo quy định của nước xuất khẩu;
- Nhà xuất khẩu chỉ xuất hóa đơn thương mại đối với những hàng hóa mà doanh nghiệp có đầy đủ tài liệu thích hợp để chứng minh xuất xứ tại thời điểm xuất hóa đơn;
- Nhà xuất khẩu phải đảm bảo rằng cá nhân hoặc các chủ thể được trao trách nhiệm xuất hóa đơn thương mại nắm được đầy đủ các quy định về xuất xứ hàng hóa được quy định trong ATIGA, và
- Nhà xuất khẩu chấp nhận chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tất cả các hóa đơn thương mại của công ty, bao gồm cả việc chịu trách nhiệm đối với những sai sót xảy ra.
Khi được cấp phép trở thành nhà xuất khẩu tự chứng nhận, doanh nghiệp sẽ được cung cấp một con số cụ thể để ghi trên các hóa đơn thương mại của mình.
Cơ quan đã cấp phép cho doanh nghiệp trở thành nhà xuất khẩu tự chứng nhận có thể thu hồi quyết định của mình vào bất kỳ thời điểm nào khi doanh nghiệp không còn đáp ứng được những điều kiện để được cấp quy chế này.
Khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa, nhà xuất khẩu tự chứng nhận sẽ tự xác định xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại theo mẫu sau:
“Nhà xuất khẩu hàng hóa (những hàng hóa) được ghi nhận trong văn bản này (nhà xuất khẩu tự chứng nhận Số….) khẳng định rằng, trừ những trường hợp khác được xác định rõ ràng, những hàng hóa này thỏa mãn Quy tắc xuất xứ để được coi là hàng hóa có xuất xứ từ ASEAN theo ATIGA (quốc gia xuất xứ: …) với tiêu chuẩn xuất xứ:….”
Trong trường hợp chưa xuất hóa đơn thương mại tại thời điểm xuất khẩu, hóa đơn thương mại có thể được thay thế bằng các chứng từ thương mại khác như hóa đơn thanh toán (billing statements), chứng từ vận chuyển hoặc danh sách đóng gói hàng hóa (packing list).
Tương tự như Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), các hóa đơn thương mại sẽ có hiệu lực trong 12 tháng kể từ ngày xuất hóa đơn và phải được nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu trong thời gian này. Nếu doanh nghiệp nộp hóa đơn sau khi đã hết thời hạn thì hóa đơn này vẫn được chấp nhận trong trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc những nguyên nhân khác xảy ra vượt ngoài khả năng kiểm soát của nhà xuất khẩu với điều kiện là hàng hóa được nhập khẩu trước khi hết thời hạn của hóa đơn.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu có căn cứ chính đáng để nghi ngờ tính thiếu chính xác của những tài liệu hoặc thông tin liên quan đến xuất xứ thực sự của hàng hóa, cơ quan này có quyền yêu cầu cơ quan đã cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu trở thành doanh nghiệp tự chứng nhận hoặc cơ quan đã cấp C/O (gọi chung là cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu) tiến hành kiểm tra việc xác định xuất xứ hàng hóa. Toàn bộ quá trình kiểm tra của cơ quan này, bao gồm cả việc thông báo kết quả cho quốc gia nhập khẩu phải được diễn ra trong thời hạn không quá 180 ngày. Trong thời gian chờ kết quả xác minh, nước nhập khẩu có thể tạm thời không áp dụng các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa đó. Nếu không đồng ý với kết quả của quá trình kiểm tra, nước nhập khẩu, trong các trường hợp ngoại lệ, có thể yêu cầu trực tiếp đến kiểm tra tại nước xuất khẩu. Toàn bộ quá trình kiểm tra, bao gồm cả việc kiểm tra thực tế và gửi thông báo cuối cùng cho cơ quan cấp C/O hoặc cơ quan cấp phép của doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp tự chứng nhận sẽ diễn ra không quá 180 ngày và trong thời gian này, nước nhập khẩu có thể đình chỉ việc áp dụng các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa liên quan.
Mặc dù đều quy định về cách thức tự chứng nhận xuất xứ nhưng việc thực hiện tự chứng nhận theo hai dự án thí điểm có một số điểm khác biệt cơ bản, bao gồm:
- Thứ nhất, về định nghĩa nhà xuất khẩu được tự chứng nhận, trong khi Dự án thí điểm thứ nhất quy định nhà xuất khẩu được tự chứng nhận có thể là nhà sản xuất ra hàng hóa hoặc có thể chỉ là nhà xuất khẩu hàng hóa đó thì Dự án thứ hai đã giới hạn chủ thể được coi là nhà xuất khẩu được tự chứng nhận chỉ bao gồm nhà sản xuất ra hàng hóa.
- Thứ hai, việc khai báo xuất xứ hàng hóa theo quy định của Dự án thứ nhất được thực hiện trên nhiều loại giấy tờ, bao gồm hóa đơn hoặc các giấy tờ thương mại khác, miêu tả chi tiết về hàng hóa để xác định xuất xứ của hàng hóa trong khi theo quy định của Dự án thứ hai, hoạt động này chỉ tiến hành trên hóa đơn thương mại.
- Thứ ba, nếu như Dự án thứ nhất không hạn chế số lượng chữ ký được ủy quyền của doanh nghiệp và cũng không yêu cầu phải đăng ký chữ ký được ủy quyền và danh sách hàng hóa thì Dự án thứ hai chỉ cho phép không quá 3 chữ ký được ủy quyền đối với mỗi công ty, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải gửi thông tin về chữ ký và danh sách hàng hóa tự chứng nhận về Ban thư ký ASEAN.
- Thứ tư, liên quan đến hóa đơn của bên thứ ba, Dự án thứ nhất cho phép nhà xuất khẩu có thể xác định “hóa đơn của bên thứ ba” và các thông tin tương tự như tên và quốc gia. Ngược lại, theo quy định của Dự án thứ hai, nhà xuất khẩu tự chứng nhận có thể sử dụng C/O theo mẫu D nếu họ muốn để sử dụng hóa đơn của bên thứ ba từ quốc gia thứ ba.
- Thứ năm, trong khi Dự án thứ nhất không yêu cầu phải ghi mã HS của hàng hóa trên hóa đơn thì Dự án thứ hai yêu cầu doanh nghiệp phải xác định rõ mã HS trên hóa đơn của mình.
Với trách nhiệm xác định xuất xứ hàng hóa thuộc về chính doanh nghiệp, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã khắc phục được sự phức tạp, tốn kém về chi phí, thời gian cũng như các thủ tục để chứng minh xuất xứ, qua đó, đẩy nhanh thủ tục xuất khẩu, thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính khác, kết quả là làm tăng đáng kể tỷ lệ sử dụng C/O. Khi áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, các doanh nghiệp không cần phải nộp từng bộ hồ sơ để xin cấp C/O tại tổ chức cấp C/O như hiện nay. Thay vào đó, trên cơ sở các tiêu chí xuất xứ được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan, các doanh nghiệp này có thể tự tổ chức đánh giá, xác định xuất xứ hàng hóa mình sản xuất, tự chứng nhận cho hàng hóa của mình tại ngay công ty của mình. Khi nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều khó khăn khi phải đáp ứng theo yêu cầu của phía cơ quan hải quan do những lỗi nhỏ (thường là lỗi chính tả, lỗi hình thức) trên C/O không phù hợp với mẫu quy định.
Điều này đã được minh chứng trên thực tế khi sau 4 năm thực hiện dự án thí điểm thứ nhất đã có tổng số 5982 tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn tương đương với tổng giá trị là 418.2 triệu đô la, trong đó Malaysia là quốc gia áp dụng nhiều nhất (87%), Singapore 10.99% và Brunei 0.28%. Ở góc độ quốc gia, việc áp dụng cách thức tự chứng nhận sẽ giúp các quốc gia sẽ không phải duy trì một hệ thống các tổ chức cấp C/O tốn kém như hiện nay với chi phí trả lương cho nhân viên, chi phí hành chính phát sinh từ việc vận hành hệ thống như văn phòng, máy móc, thiết bị và nhiều chi phí khác. Những lợi ích này sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tiến trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại trên thực tế giữa các nước thành viên trong Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập