1. Cha mẹ uy tín

Cha mẹ uy tín thì có nhiều ấm áp (vd: diễn tả nhiều cảm xúc tích cực tới đứa trẻ), đưa ra những luật lệ phù hợp với lứa tuổi của trẻ và sẵn sàng thảo luận những luật lệ đưa ra mặc dù cha mẹ sẽ là người quyết định cho thảo luận đó. Họ giải thích cho trẻ lý do và ý nghĩa của các luật lệ. Họ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của con mình và chấp nhận nếu ý kiến đó là hợp lý.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có cha mẹ uy tín thường có khả năng thích ứng tốt hơn so với những đứa trẻ khác. Chúng thường tự tin, có khả năng tự kiểm soát và có uy tín về mặt xã hội.

2. Cha mẹ độc đoán

cha mẹ độc đoán thường yêu cầu cao, kiểm soát chặt chẽ hành vi và kể cả cảm xúc của trẻ; họ luôn bắt con phải tuân theo mệnh lện của mình; họ ít thể hiện tình cảm nồng ấm với trẻ, khi trẻ làm gì sai hoặc thất bại thì cha mẹ sẽ trừng phạt trẻ thậm chí là dùng những hình phạt về thể chất, đánh đòn. Cha mẹ độc đoán không giải thích lý do đằng sau những luật lệ họ đưa ra.

Những đứa trẻ có cha mẹ độc đoán thường không cởi mở, nhút nhát, dễ nổi cáu. Khi lớn lên các em thường có những phản ứng gay gắt với môi trường cấm đoán và sự trừng phạt, đôi khi chúng trở thành những đứa trẻ khó bảo.

3. Cha mẹ dễ dãi - nuông chiều

cha mẹ dễ dãi- nuông chiều thường quan tâm, dành nhiều tình cảm cho con nhưng kiểm soát con rất ít. Họ ít khi ngăn cấm con cái làm điều gì, rất ít đưa ra những quy tắc hay kỷ luật dành cho trẻ. Điều này không có nghĩa là cha mẹ không chăm sóc hoặc bỏ mặc con cái nhưng vì cha mẹ tin rằng trẻ sẽ phát triển và trưởng thành tốt nhất khi chúng được độc lập và học qua cách trải nghiệm trực tiếp trong cuộc sống. Cha mẹ dễ dãi-nuông chiều đưa ra rất ít yêu cầu cho những hành vi trưởng thành thậm chí còn khoan dung cho những hành vi bốc đồng của trẻ.

Những đứa trẻ trong môi trường nuôi dạy này thường có cái tôi cao, tự tin nhưng thường không có phương hướng, mục đích phấn đấu rõ ràng. Một đứa trẻ lớn lên một cách tự do có thể gặp khó khăn trong việc tự quản lí hành vi của mình. Tự do không có giới hạn có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ, trẻ sẽ không có nhận thức rằng mọi thứ cần phải có ranh giới, dẫn đến ứng xử bộc phát, dễ dãi với bản thân và không có ý chí. Một số ít trẻ từ gia đình nuôn chiều cũng có thể trở thành những người tích cực, kiên quyết và sáng tạo nếu chúng tìm được những người chỉ bảo thay thế (thầy cô, họ hàng,…)

4. Cha mẹ thờ ơ - không quan tâm

Cha mẹ thờ ơ - không quan tâm thường không đoái hoài gì đến con cái. Họ không yêu cầu, kiểm soát con và cũng không quan tâm, tình cảm với con. Nói chung, cha mẹ rất ít quan tâm cũng như không hứng thú trong việc nuôi dạy con cái, thậm chí họ cũng không đáp ứng những đòi hỏi hợp lý và những nhu cầu cần thiết của trẻ. Những cha mẹ này dường như chẳng có việc gì liên quan đến con mình. Trẻ ít nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cha mẹ và phải tự xoay xở với các vấn đề của mình.

Nuôi dạy con kiểu thờ ơ này rấ nguy hiểm đối với trẻ, khi sự thả lỏng kết hợp thờ ơ khiến trẻ nhận trách nhiệm quá sớm, thời thơ ấu của trẻ không được trọn vẹn. Trẻ có bố mẹ thờ ơ thường có vấn đề trong việc thể hiện tình cảm với người khác. Sự vắng mặt của thiết lập giới hạn đồng nghĩa với việc trẻ bị mất phương hướng và có thể dẫn đến những hành vi phạm pháp.

Ảnh hưởng của phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái là khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau, thật khó có thể nói rằng một phong cách nào đó là tốt nhất. Tuy nhiên, phong cách uy tín được nhiều tác giả cho là có ảnh hưởng tốt nhất đến sự phát triển của con trẻ. Những đứa trẻ có cảm nhận mạnh mẽ về giá trị bản thân đều được lớn lên trong các gia đình có cha mẹ không chỉ dạy dỗ, chỉ bảo, trợ giúp mà còn cho phép con cái được quyền có chính kiến riêng.

5. Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con

Căn cứ vào Luật hôn nhân và gia đình 2014:

- Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con:

+ Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

+ Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

+ Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

+ Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

- Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

+ Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

+ Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

+ Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

+ Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

- Quyền và nghĩa vụ của con

+ Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

+ Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

+ Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

+ Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

+ Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.

- Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

+ Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

+ Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

-  Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

+ Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

+ Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.

+ Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.

- Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

+ Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

+ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn tâm lý - Công ty Luật Minh Khuê.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, phổ biến. Nếu có điều gì cần chia sẻ, trợ giúp về tâm lý quý khách hãy gọi đến tổng đài tư vấn tâm lý :   1900.6162chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng bạn tháo gỡ khó khăn !