1. Hoạt động đánh giá chứng cứ

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Hoạt động đánh giá chứng cư là hoạt động trí óc của chủ thể xét xử trong việc phân tích, đánh giá về những chứng cứ, nhằm trả lời những nghi vấn pháp lý mà vụ án đang đặt ra.

Những nghi vấn pháp lý của vụ án được hình thành từ hoạt động chuyển hóa những nội dung xét xử thành những cầu hỏi pháp lý xoay quanh vấn để về bản chất pháp lý của vụ án. Ví dụ trong vụ án hình sự, những nghi vấn pháp lý của vụ án sẽ là những câu hỏi: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, đặc điểm về nhân thân của chủ thể bị cáo buộc; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt... Ví dụ trong vụ án dân sự về yêu cầu công nhận quyền sở hữu trong tranh chấp quyền sở hữu, những nghi vấn pháp lý của vụ án sẽ là những câu hỏi có hay không có các sự kiện pháp lý xác lập quyền sở hữu mà pháp luật quy định như: Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hay do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, do được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hay theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; do thu hoa lợi, lợi tức; do tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; do được thừa kế... Ví dụ trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, những nghi vấn pháp lý của vụ án sẽ là những câu hỏi về tính hợp pháp, tính có căn cứ về hình thức, nội dung của quyết định xử phạt; tính hợp pháp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định xử phạt; mối liên hệ giữa quyết định và quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu kiện...

Chứng cứ là cái để chứng minh sự có tồn tại hay không tồn tại của một sự kiện liên quan đến vụ án. Nguồn chứng cứ được thu thập hợp pháp sẽ trở thành phương tiện chứng minh của vụ án, đó là vật chứng, kết luận giám định, lời khai của người làm chứng...

Từ quy định tại điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định. Ta có nguồn của chứng cứ bao gồm: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.
Nguồn chứng cứ phải là những gì có thật; được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật tố tụng hình sự quy định; thì mới có giá trị pháp lý và được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Các chứng cứ thuộc về phản ánh vật chất bao giờ cũng đồng thời cung cấp loại thông tin về vật tác động lưu trên vật bị tác động và loại thông tin về vật bị tác động. Ví dụ: Vật chứng là chiếc áo có vết máu được thu giữ tại hiện trường sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến vết máu như máu của ai, đặc điểm dấu vết máu, thời điểm tồn tại vết máu... và các thông tin liên quan đến chiếc áo như áo của ai, thu giữ ở đâu, lúc nào... Đối với chứng cứ thuộc về phản ánh tinh thần thì ngoài loại thông tin về sự việc thu được qua lời khai, nhất thiết phải thu thập thêm các chứng cứ khác cung cấp loại thông tin về bối cảnh vật chất, không gian, thời gian để xác định việc chứng kiến đó là có thật thì mới bảo đảm tính phản ánh khách quan. Chẳng hạn: Lời khai của người làm chứng được xem là phản ánh khách quan khi nó cung cấp thông tin đầy đủ về sự việc và có những thông tin khác xác định họ có mặt tại hiện trường, như có dấu vết xác định họ có mặt chứng kiến sự việc hoặc có người khác cùng chứng kiến... Do đó, rút ra từ nguyên lý chung, pháp luật tố tụng từ trước đến nay đều quy định không được dùng làm chứng cứ đối với những tình tiết do người làm chứng, người bị hại... trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó, hoặc không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để buộc tội...

Ngoài ra, mỗi nguồn chứng cứ chỉ cung cấp một lượng thông tin hữu hạn nhất định, nên việc xác định thêm loại thông tin bổ trợ là rất quan trọng. Căn cứ vào mức độ phức tạp của thông tin, có những chứng cứ đơn giản thu được dựa trên nhận thức một cách thông thường như quan sát, cầm nắm, đọc hiểu..., nhưng cũng có những chứng cứ phức tạp phải thông qua cơ quan chuyên môn mới có thể xác định như dấu vân tay, chữ ký, chất ma túy.....Ví dụ kiểm chứng có phải chữ kí của chính chủ trong di chúc có phải của người để lại di chúc không. Ngoài ra, căn cứ vào tính tin cậy, tính liên quan, tính mục đích của thông tin, sẽ có những loại chứng cứ như: Chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép, chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp, chứng cứ có tại phiên tòa, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án... Tất cả đều có ý nghĩa nhất định trong việc đánh giá để tìm những thông tin bổ trợ cho phù hợp.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể hiểu hoạt động đánh giá chứng cứ của chủ thể xét xử là hoạt động đi tìm, đánh giá những thông tin từ những nguồn chứng cứ mang lại. Để hoạt động này được thực hiện một cách đúng đắn, khoa học, đòi hỏi những thông tin được dùng để giải đáp những nghi vấn pháp lý của vụ án phải là những thông tin mang tính khách quan, tính liên quan và được thu thập hợp pháp. Lượng thông tin từ nguồn chứng cứ đem lại phải bao hàm hai hoặc ba loại thông tin trở lên (nếu có thêm thông tin bổ trợ) theo nguyên lý phản ánh khách quan về một sự kiện và lấp đầy cho đến khi nào các tình tiết xoay quanh bản chất pháp lý của vụ án được làm rõ, tức là những nghi vấn pháp lý đã được trả lời, sự thật khách quan của vụ án được xác định; từ đó giúp cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn, công lý nội dung được bảo vệ.

Nguyên lý trong hoạt động đánh giá chứng cứ này cũng được áp dụng để làm rõ những tình huống, sự việc tố tụng, từ đó giúp cho hoạt động thực thi thủ tục tố tụng của vụ án được chính xác và hiệu quả, công lý thủ tục được bảo vệ.

2. Hoạt động điều hành phiên tòa

Phiên tòa xét xử là hình thức đặc trưng của hoạt động xét xử, là nơi diễn ra công khai trước sự chứng kiến của các bên tham gia phiên tòa, trước công luận và xã hội, thể hiện tập trung các hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án.

Công khai là nguyên tắc đặc trưng mà mọi hoạt động xét xử cần phải có. Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã quy định: “Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập, vô tư và có thẩm quyền theo luật, để phán xử và những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc hay về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong các vụ tranh tụng khác”. Nguyên tắc công khai đảm bảo cho xã hội thực hiện quyền giám sát toàn diện đối với hoạt động xét xử, qua đó sẽ tạo áp lực cần thiết, nhắc chủ thể xét xử luôn đề' cao tính cẩn trọng, công bằng, liêm chính để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công 

Xét xử công khai cũng là điểm mới trong BLTTHS năm 2015 là việc bổ sung hai yêu cầu khác của hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án đó là yêu cầu phải xét xử kịp thời và công bằng. Việc bổ sung hai yêu cầu này vào tên gọi cũng như nội dung nguyên tắc tại Điều 24 BLTTHS năm 2015 bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo đảm quyền con người trong TTHS.

Kịp thời, công bằng, công khai là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ. Trong tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng, công khai được hiểu như một tư tưởng xuyên suốt quá trình tổ chức và hoạt động của nó. Do vậy, Hiến pháp nước ta ghi nhận nguyên tắc đó và BLTTHS 2015 cụ thể hóa và coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. 

Để mục đích bảo vệ công lý được thuận lợi, bên cạnh việc đảm bảo nguyên tắc công khai vốn có, chủ thể xét xử phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động điều hành phiên tòa.

2.1. Quá trình tranh tụng 

Tranh tụng là nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tụng hình sự, do vậy hoạt động tranh tụng bắt buộc phải tuân theo các qui định của Bộ luật TTHS. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện, thực thi các qui định của pháp luật theo qui định của BLTTHS để các bên tham gia tranh tụng.

Tranh tụng được hiểu là một quá trình tố tụng, ở đó các bên trong vụ án được bình đẳng đưa ra các chứng cứ, quan điểm, tranh luận với nhau để làm sáng tỏ các vấn đề của vụ án, qua đó giúp chủ thể xét xử đưa ra phán quyết đúng đắn. Thủ tục tố tụng tranh tụng có tính ưu việt hơn so với thủ tục tố tụng thẩm vấn, bởi nó thể hiện tính bình đẳng, dân chủ trong quá trình đi tìm sự thật, tạo điều kiện cho các quan điểm được “cọ xát” để tìm ra được những gì đúng đắn nhất, hợp lý nhất, qua đó giúp chủ thể xét xử thực hiện thuận lợi nhiệm vụ bảo vệ công lý. TS. Trương Hòa Bình đã nhận định: “Thông qua quá trình tranh tụng tại Tòa án, Hội đồng xét xử - với vai trò cầm cân công lý - sau khi xem xét, thẩm định toàn diện các chứng cứ, tình tiết, các lý lẽ trình bày của các bên, sẽ làm rõ các chứng cứ, tình tiết có trong hồ sơ vụ án; đồng thời làm rõ các chứng cứ, tình tiết mới được phát hiện tại phiên tòa, nghiên cứu, xem xét để tìm ra bản chất của vụ án, làm cơ sở cho việc ra phán quyết đúng pháp luật.

Chủ thể của tranh tụng gồm có Kiểm sát viên (chủ thể buộc tội) và người tham gia tố tụng khác như Luật sư, bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại... (cũng có thể là chủ thể buộc tội hoặc gỡ tội). Các chủ thể này, tuy xuất phát từ những địa vị pháp lý khác nhau nhưng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì họ bình đẳng với nhau trong quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, yêu cầu, quan điểm về giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên có trách nhiệm tranh tụng với người bào chữa, với bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác để làm rõ sự thật khách quan của đối tượng tranh tụng trên cơ sở đối đáp lại toàn bộ các quan điểm của chủ thể gỡ tội với tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở chứng cứ khách quan và qui định của pháp luật; với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, có văn hoá ứng xử…

2.2. Chủ thể xét xử trong tranh tụng cần đảm bảo điều gì?

Để thực hiện tốt nguyên tắc công khai và nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi chủ thể xét xử phải:

-   Đảm bảo sự công khai về chủ thể xét xử và các bên tham gia; công khai về thủ tục; công khai về chứng cứ, về các lập luận, quan điểm, ý kiến tranh luận của các bên; công khai nội dung của phán quyết và các quyết định có liên quan... (sự công khai cũng tùy mức độ trong những trường hợp nhất định để bảo vệ các quyền nhân thân...);

- Đảm bảo các bên trong vụ án được bình đẳng trong việc đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý, lập luận và đối đáp để chứng minh, biện luận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo đúng những trình tự, thủ tục. Chủ thể xét xử phải đứng ra làm trọng tài, điều khiển, giám sát quá trình tranh tụng, chủ động thẩm vấn một cách hợp lý để giúp các bên tranh tụng mà không tham gia tranh tụng với các bên, sử dụng kết quả tranh tụng là cơ sở để giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, chủ thể xét xử phải tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền nhờ người bào chữa, người bảo vệ để nâng cao hiệu quả của nguyên tắc tranh tụng.


3. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015, theo đó phạm vi tranh tụng không chỉ trong giai đoạn xét xử mà bắt đầu ngay từ giai đoạn khởi tố, xuyên suốt qua các giai đoạn điều tra, truy tố đến giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, tranh tụng được thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn xét xử mà cụ thể là trong phần thủ tục tranh luận tại phiên tòa. Trong vấn đề này, việc pháp luật Việt Nam quy định rõ các bên tham gia tố tụng, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án là một bước tiến bộ lớn, đảm bảo cho các bên có điều kiện tranh tụng hiệu quả - là một yếu tố quan trọng để bảo vệ công lý. 
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn chưa thể hiện rõ ràng và đầy đủ một số nội dung của nguyên tắc tranh tụng như: Hoạt động tố tụng phải được tiến hành dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên; bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trước tòa án; xác định vị trí, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia tố tụng, tách bạch rõ ràng theo chức năng trong tố tụng, cụ thể các chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử độc lập với nhau; Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, không thuộc về bên buộc tội hay gỡ tội, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Ngoài ra, “tên gọi của điều luật cần thể hiện tranh tụng bao hàm cả giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử
Luật Minh Khuê - Biên tập và sưu tầm