Mục lục bài viết
- 1. Thực trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật
- 2. Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội
- 3. Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên
- 4. Điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- 5. BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội
1. Thực trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu thống kê chính xác về tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật (VPPL), bao gồm cả vi phạm hành chính và phạm tội hình sự để làm cơ sở đánh giá một các chính xác thực trạng người chưa thành niên VPPL. Hiện có số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an là nguồn số liệu tích hợp duy nhất về người chưa thành niên VPPL được thu thập ổn định từ năm 2006 đến nay. Trong hơn một thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người chưa thành niên VPPL. Phần lớn trường hợp vi phạm hành chính, chiếm gần 63% trong tổng số vụ VPPL do người chưa thành niên thực hiện. Trung bình trong giai đoạn từ 2006 đến nay, số lượng các vụ vi phạm hành chính do đối tượng này thực hiện giảm 66%, số vụ án hình sự giảm chậm hơn, khoảng 35%. Điều này khiến tỷ trọng các vụ phạm tội hình sự lại tăng lên trong tổng số VPPL do người chưa thành niên thực hiện.
Loại hành vi mà người chưa thành niên thực hiện, chiếm tỉ lệ lớn là xâm phạm sở hữu (khoảng 46%), trong đó hành vi trộm cắp tài sản chiếm gần 38%. Các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người khác chiếm hơn 18% trên tổng số vi phạm bao gồm các tội như giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Về giới tính, độ tuổi, 96% người chưa thành niên VPPL là nam giới, chủ yếu từ 16 đến dưới 18 tuổi. Trong tổng số người chưa thành niên VPPL thì đa số là vi phạm lần đầu, có gần 24% không biết chữ hoặc chỉ học tiểu học; gần 48% đã thôi học; gần 21% người chưa thành niên bị khởi tố có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi như bố hoặc mẹ bị phạt tù, ly dị, không có bố hoặc mẹ, hoặc đi lang thang. Từ những con số này cho thấy, điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài tác động cùng với nhận thức chưa đầy đủ là yếu tố thúc đẩy hành vi VPPL.
Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp xử lý phù hợp với loại đối tượng này, đó là hình thành các toà án chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên phạm tội ở Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh. 36 toà án chuyên trách đang trong quá trình hình thành ở các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, số lượng xử lý hình sự người chưa thành niên cũng đã giảm. Số lượng đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng cũng giảm. Hiện nay cả nước chỉ còn 3 trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự với loại đối tượng này vẫn còn cao. Hơn 93% người chưa thành niên xử phạt tù có thời hạn, trong đó có 26% được hưởng án treo để thử thách, giám sát tại cộng đồng. Mặc dù vậy, cùng với việc thi hành Luật Đặc xá năm 2007, việc trả tự do cho người phạm tội nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng cũng đã được đẩy mạnh.
2. Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội
- Giáo dục là chính;
- Có thể miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên theo khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
- Người phạm tội chưa thành niên có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
+ Bản chất: cần phải có 1 kỷ luật chặt chẽ, cần phải cách ly người phạm tội khỏi môi trường, xã hội để giáo dục, cải tạo họ.
+ Điều kiện áp dụng: xem xét tính chất nghiêm trọng của việc phạm tội, nhân thân người phạm tội, môi trường sống của người phạm tội.
+ Thời hạn: 1 đến 2 năm.
- Yêu cầu: Người chưa thành niên phải thực hiện một số nhiệm vụ như: nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
- Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các “biện pháp Giám sát, giáo dục” (Khiển trách, Hòa giải tại cộng đồng, Giáo dục tại xã, phường, thị trấn) hoặc việc áp dụng “biện pháp Giáo dục tại trường giáo dưỡng” giáo dục, phòng ngừa không hiệu quả.
- Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
- Hạn chế áp dụng hình phạt tù:Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
- Cho hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng:Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
- Không áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.
- Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
- Án đã tuyên với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi không được tính là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
3. Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên
Cảnh cáo:
- Tính chất: là loại giáo dục sâu sắc, gây ảnh hưởng lớn tới tinh thần.
- Điều kiện áp dụng: Phạm tội thuộc loại ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51 Bộ luật hình sự.
Phạt tiền:
- Điều kiện áp dụng: Người chưa thành niên có độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
- Căn cứ vào tình chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, tình hình tài chính của người chưa thành niên, sự biến động của giá cả.
- Mức phạt: không quá ½ mức phạt Bộ luật hình sự quy định.
Cải tạo không giam giữ:
- Điều kiện áp dụng: Người chưa thành niên có độ tuôi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng; hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14-dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.
- Không bị khấu trừ thu nhập (nếu có)
- Thời hạn: không quá ½ thời hạn mà điều luật quy định.
Tù có thời hạn:
- Điều kiện áp dụng: phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không đủ điều kiện áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn.
- Hình phạt áp dụng với người từ đủ 16 - dưới 18 tuổi:
+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 18 năm tù.
+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá ¾ mức phạt.
- Hình phạt áp dụng với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:
+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 12 năm.
+ Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá ½ số năm phạt tù.
4. Điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Điều kiện để người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 là:
Thứ nhất, người phạm tội là người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đã có lỗi cố ý hoặc vô ý trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm.
Thứ hai, tội phạm mà người đó thực hiện phải thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015, cụ thể:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án (điểm c khoản 2 Điều 90).
Thứ ba: Người dưới 18 tuổi phạm tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.
5. BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội
Trong Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định chế định này. Trước những yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật quốc tế đặt ra trong việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, đồng thời, nhằm nâng cao và thể hiện rõ nét tính nhân đạo của pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa, Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, trong đó để tạo sự linh hoạt, giảm tối đa việc xử lý hình sự cứng nhắc, không cần thiết đối với người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định: cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét, áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội mà có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, trong các trường hợp cụ thể theo quy định của Bộ luật hình sự. Để bảo đảm chặt chẽ, khi quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục đối với họ, bao gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn (các điều 93, 94 và Điều 95- Mục c Chương XII Bộ luật hình sự năm 2015);
Trên cơ sở các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung mới các quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội khi họ được miễn trách nhiệm hình sự tại các điều 426, 427, 428, 429 và Điều 430; đây là một trong những nội dung đổi mới cơ bản, quan trọng nhất, lần đầu tiên được đề cập, ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Việc quy định chế định này trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 mang ý nghĩa nhân văn và có vai trò tích cực đối với việc hoàn thiện các trình tự, thủ tục tố tụng xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015.
Việc ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện theo quy định chung của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; đồng thời theo quy định tại Điều 426 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền phải quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, bao gồm: khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Về điều kiện áp dụng, thực hiện theo quy định tại Điều 92 Bộ luật hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)