Mục lục bài viết
- Thứ nhất, về thủ tục phá sản.
- - Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán các khoản nợ.
- - Thứ hai, bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
- Việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện tại Điều 35 Luật phá sản 2014:
- Tòa án chỉ được trả lại đơn khi thuộc một trong 05 trường hợp:
- Thứ hai, Về kê biên tài sản
Kính thưa quý khách hàng!
Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:
NỘI DUNG YÊU CẦU
Kính gửi: Công ty Luật Minh Khuê
Công ty trách nhiệm hữu hạn ABC do H thành lập năm 2004. Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công ty đã làm ăn thua lỗ từ tháng 1 năm 2020. Do đó, công ty không thể trả hết các khoản nợ đến hạn. Sau 7 tháng kể từ ngày đến hạn, công ty vẫn chưa trả được lãi cho khoản vay 10 tỷ đồng từ ngân hàng XYZ. Ngày 14/5/2019, ngân hàng XYZ đã khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân BB. Khi biết ngân hàng đã đưa công ty ra tòa, các chủ nợ của công ty khác và H đã khởi kiện công ty ra tòa án nhân dân BB. Trước sức ép của các chủ nợ này, H đã thay mặt Công ty ABC gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên Tòa án nhân dân BB
Sau khi xem xét yêu cầu của H, tòa án BB từ chối chấp nhận yêu cầu của H về một thủ tục phá sản.
Ngày x/x/2021, công ty nhận được quyết định của Chi cục thi hành án dân sự BB về việc kê biên tài sản của công ty để thu khoản nợ mà H đã vay của bà GG (khoản nợ không vay thay cho công ty). Trong quyết định, Chi cục thi hành án dân sự BB nêu rõ Công ty trách nhiệm hữu hạn ABC là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tài sản của công ty sẽ là tài sản của H, vì tài sản duy nhất mà H có là công ty. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của GG, cần phải kê biên tài sản của công ty.
Hãy giải thích các quyết định của Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự trong tình huống nêu trên (theo luật doanh nghiệp 2020 và luật phá sản 2014).
TRẢ LỜI:
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014;
- Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật thi hành án dân sự;
-Văn bản pháp luật khác;
NỘI DUNG TƯ VẤN
Qua thông tin Qúy khách cung cấp, nội dung câu hỏi của Qúy khách đề cập đến hai vấn đề đó là: Thủ tục phá sản và kê biên tài sản. Luật Minh Khuê sẽ làm rõ từng vấn đề như sau:
Thứ nhất, về thủ tục phá sản.
Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản 2014 định nghĩa: Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Như vậy, có thể hiểu phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã có cả hai yếu tố:
- Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán các khoản nợ.
- Thứ hai, bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ, không phải vì vậy mà bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Điều 5 Luật phá sản 2014 quy định rõ 06 đối tượng sau có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Theo Khoản 4 Điều 5 Luật phá sản 2014 trích dẫn ở trên. Qúy khách là chủ sỏ hữu công ty, do đó có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Vì vậy, xét trên phương diện quyền nộp đơn yêu cầu thì việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, cụ thể phù hợp với Luật phá sản 2014.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau: (Điều 32 Luật phá sản 2014)
- Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
- Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định tại Luật này thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn;
- Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;
- Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện tại Điều 35 Luật phá sản 2014:
“Điều 35. Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
1. Tòa án nhân dân quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau:
a) Người nộp đơn không đúng theo quy định tại Điều 5 của Luật này;
b) Người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 34 của Luật này;
c) Tòa án nhân dân khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
d) Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này;
đ) Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
2. Quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải nêu rõ lý do trả lại đơn. Tòa án nhân dân có trách nhiệm gửi quyết định này cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.”
Như vậy, nếu Tòa án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì trong quyết định trả lại đơn Tòa án phải nêu rõ lý do trả lại đơn là gì?
Tòa án chỉ được trả lại đơn khi thuộc một trong 05 trường hợp:
- Người nộp đơn không đúng theo quy định;
- Người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- Tòa án nhân dân khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu
- Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Qúy khách xem lại Tòa án trả lại đơn vì lý do gì? Có thuộc một trong năm lý do nêu trên không? Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên mà Tòa án trả lại đơn. Qúy khách có thể đề nghị xem xét lại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân, người yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu. (Điều 36 Luật phá sản 2014).
Thứ hai, Về kê biên tài sản
Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014.
Cần xác định rõ người phải thi hành án trong trường hợp này là chị “H” hay là “Công ty trách nhiệm hữu hạn ABC”.
Khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014 quy định: Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
Theo thông tin Qúy khách cung cấp, đây là khoản nợ giữa chị H vay của cá nhân (không vay thay công ty, không liên quan đến công ty). Do đó, Luật Minh Khuê hiểu rằng người phải thi hành án trong trường hợp này là chị “H - người vay” chứ không phải công ty trách nhiệm hữu hạn ABC
Mặt khác, khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Điều 77 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên như sau:
“Điều 77. Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty
1. Góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.
2. Tuân thủ Điều lệ công ty.
3. Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
4. Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
5. Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
6. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
7. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”
Khoản 3 Điều luật trên quy định rất rõ chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Do đó, quyết định của Chi cục thi hành án dân sự BB về việc kê biên tài sản của công ty để thu khoản nợ mà chị H đã vay của XYZ là không không có cơ sở vì:
Thứ nhất, Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Thứ hai, tài sản của công ty và tài sản của chị “H” là tách bạch, không đồng nhất. Hơn nữa luật doanh nghiệp cũng đã quy định rõ: Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Kết luận: Trong quyết định, Chi cục thi hành án dân sự BB cho rằng “ Công ty trách nhiệm hữu hạn ABC là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tài sản của công ty sẽ là tài sản của chị H, vì tài sản duy nhất mà chị H có là công ty.” nên lấy tài sản của công ty để kê biên, thực hiện nghĩa vụ thay cho cá nhân chị H là không có cơ sở pháp lý.
Chi cục thi hành án dân sự chỉ có thể kê biên vốn góp của chị “H” trong công ty theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014:
“Điều 92. Kê biên vốn góp
1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án.
2. Đương sự có quyền yêu cầu Toà án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.”
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Tư vấn về vấn đề phá sản và kê biên tài sản”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Trân trọng cảm ơn!
Bộ phận tư vấn Pháp luật
Công ty Luật TNHH Minh Khuê