1. Khái quát về bảo vệ công lý trong thực tiễn xét xử

Công lý và pháp luật có mối quan hệ khăng khít, bao hàm lẫn nhau, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Pháp luật hướng tới công lý và công lý có trong pháp luật: “Luật pháp thường được xếp ngang hàng với công lý. Các tòa án được mệnh danh là “các tòa án công lý”... Các nhà nước lập ra “bộ tư pháp” để giám sát việc thi hành của hệ thống pháp lý”

Bảo vệ công lý là mục đích của hoạt động xét xử để hướng tới những phán quyết có sức thuyết phục, được xã hội đồng tình, qua đó góp phần giúp xã hội giữ vững trật tự, ổn định và phát triển bền vững. Mục đích này được cụ thể hóa qua những nội dung bảo vệ công lý mà chủ thể xét xử phải có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ, toàn diện, đó là bảo vệ công lý nội dung, bảo vệ công lý thủ tục, bảo vệ công lý trong việc định chuẩn pháp lý và bảo vệ công lý trong việc thể hiện phán quyết giải quyết vụ án. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, chủ thể xét xử phải dựa trên phương thức bảo vệ công lý phù hợp và được đảm bảo bởi những điều kiện cơ bản quan trọng.

Mục đích bảo vệ công lý, nội dung bảo vệ công lý, phương thức bảo vệ công lý và điều kiện cơ bản đảm bảo công lý trong hoạt động xét xử là các yếu tố có quan hệ với nhau mang tính hệ thống. Do đó, đánh giá thực tiễn xét xử bảo vệ công lý sẽ được thể hiện qua ba phương diện, hoạt động thực hiện nội dung bảo vệ công lý, phương thức bảo vệ công lý và điều kiện cơ bản đảm bảo công lý. Kết quả thực tiễn thành công của ba phương diện này sẽ là những phán quyết bảo vệ được công lý, biểu hiện là những phán quyết được giữ nguyên, không bị hủy, sửa, có chứa đựng những nội dung có sức thuyết phục, được xã hội tôn trọng, đồng tình, ủng hộ. Ngược lại, nếu thực tiễn của ba phương diện này có hạn chế kết quả sẽ là những phán quyết không bảo vệ được công lý, biểu hiện là những phán quyết bị hủy, sửa hay cần phải rút kinh nghiệm, không được xã hội tôn trọng, đồng tình.

Nếu chỉ dừng lại ở góc độ chuyên môn xét xử, những phán quyết được giữ nguyên, không có thiếu sót sẽ được xem là thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý; còn những phán quyết bị hủy, sửa, có thiếu sót sẽ được xem là thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. Nhưng nếu xét thêm ở góc độ xã hội, bên cạnh những phán quyết đã bảo vệ công lý được giữ nguyên, thì những phán quyết không bảo vệ công lý được hủy, sửa kịp thời cũng được xem là những thành công được xã hội đồng tình, ủng hộ.

Rõ ràng, công lý là kết quả của quá trình cân nhắc cẩn thận, toàn diện những căn cứ, lý lẽ để tìm ra những lẽ chung đúng đắn, đây là công việc khó khăn và phức tạp. Nếu thực tiễn có xảy ra những phán quyết sai về công lý trong những vụ việc cụ thể, thì đó là điều khó tránh khỏi, quan trọng là những phán quyết đó phải được hủy, sửa kịp thời. Nếu những phán quyết xét thấy không bảo vệ được công lý mà thực tế không thể bị hủy, sửa hoặc việc hủy, sửa rất khó khăn (như mất nhiều thời gian, tốn kém nhiều chi phí...), thì xã hội sẽ xem đó là biểu hiện của nền tư pháp bảo vệ công lý thất bại. 

Công lý không đồng nghĩa với pháp luật do pháp luật thể hiện tính giai cấp, thể hiện ý chí giai cấp thống trị. Còn công lý mang tính xã hội. Đây không phải là công cụ của nhà cầm quyền để quản lý xã hội như pháp luật mà nó tồn tại độc lập so với ý chí của giai cấp thống trị. Pháp luật tuy có mục đích là đạt tới công lý, nhưng do bị ý chí giai cấp thống trị chi phối, bị quan niệm về công lý của giai cấp thống trị áp đặt, phụ thuộc vào hình thái kinh tế - xã hội của xã hội đó quy định, nên tất yếu, pháp luật không thể đồng nhất với công lý. Pháp luật đồng nhất với công lý là một trạng thái xã hội hoàn toàn lý tưởng, tuy nhiên điều này rất khó bởi trong xã hội luôn tồn tại nhiều giai cấp khác nhau, với quan điểm “công lý” khác nhau, bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: địa lý, giới tính, tầng lớp kinh tế, vai trò xã hội…

Đồng thời, công lý là những lẽ chung đúng đắn được xác định từ trong những lẽ chúng, là những điều hợp lý nhất từ trong những điều hợp lý, nên xét xử bảo vệ công lý không những là công việc tìm, thực hiện mà còn phải bảo vệ và giữ vững những quan điểm, quyết định đúng đắn trước những quan điểm, áp lực khác nhau trong đời sống tư pháp - xã hội. Do đó, nếu những phán quyết xét thấy đã bảo vệ được công lý mà phải bị hủy, sửa vì những lý do không chính đáng, thì xã hội cũng xem đó là biểu hiện của nền tư pháp bảo vệ công lý thất bại.

Chính vì lẽ đó, với quan điểm công lý là biểu hiện tập trung của tính xã hội và xét xử bảo vệ công lý là nhằm hướng tới những phán quyết có sức thuyết phục, được xã hội đồng tình; việc đánh giá thực tiễn bảo vệ công lý cần được xem xét kết hợp ở cả hai góc độ, chuyên môn xét xử và đánh giá từ phía xã hội.

2. Khái quát thành tựu, hạn chế trong thực tiễn xét xử bảo vệ công lý

Để minh chứng về những thành tựu và hạn chế qua các phương diện, các thông tin sử dụng sẽ dựa trên những nguồn chủ yếu sau đây:

- Các lập luận, phân tích trong các quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đã được công bố, nhất là các quyết định đã được công nhận là án lệ. Các quyết định này là kết quả công tác giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, những kết luận đánh giá mang tính chất điển hình, đã có thời gian kiểm nghiệm, sức thuyết phục cao;

- Các thông tin vụ án minh họa chỉ tập trung vào những sai sót đơn lẻ, không nhất thiết phải bao quát hết tất cả các loại vụ án và phải thuộc trong số những bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc được giữ nguyên theo như số liệu đã thống kê, quan trọng những thông tin này có tính chất điển hình và có ý nghĩa thực tiễn;

-    Các báo cáo tại các hội nghị tổng kết công tác xét xử, hội nghị tập huấn hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao;

3. Kết quả thành tựu, hạn chế trong thực tế xét xử bảo vệ công lý của Tóa án nhân dân

Đánh giá một cách khái quát, từ khi thành lập đến nay, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dần luôn góp phần quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, giữ gìn kỷ cương pháp luật, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tòa án nhân dân tối cao đã quan tâm chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với những vụ án kinh tế, chức vụ lớn; những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính trung ương theo dõi đôn đốc. Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã xét xử 1.145 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, trong đó, năm 2020, đã xét xử 269 vụ với 645 bị cáo. Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự trong năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020 cho thấy, chiếm tỷ lệ cao vẫn là các nhóm tội liên quan đến xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; xâm phạm trật tự công cộng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Các Tòa án tiếp tục chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, tạo điều kiện và bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Có thể kể một số vụ án lớn điển hình, nổi tiếng được Tòa án xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, được dư luận đồng tình ủng hộ như: Vụ án nổi tiếng thời kỳ đầu về Trần Dụ Châu, giám đốc Nha quân nhu về tội biển thủ công quỹ, hối lộ; các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn như vụ Tamexco, Tân Trường Sanh, Epco Minh Phụng, Lã Thị Kim Oanh, PMU18; các vụ mang tính chất băng nhóm “xã hội đen” như “Khánh trắng”, “Phúc bồ”, “Năm Cam”; vụ án mua bán ma túy với số lượng lớn như vụ Vũ Xuân Trường; gần đây là các vụ án giết người man rợ như Lê Văn Luyện, Vũ Văn Tiến...

Từ sau năm 2013 đến nay là thời điểm nhiều văn bản luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương cải cách tư pháp. Các luật tố tụng được cập nhật với nhiều nội dung mới theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo hơn các quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân phải thực hiện việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị nên áp lực đặt ra đối với hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng nặng nể. Tuy nhiên, các Tòa án nhân dân đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng giải quyết vụ việc theo các mục tiêu do Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, qua đó công tác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý của Tòa án nhân dân đã có được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, Tính từ 5 năm gần đây: Năm 2015, các Tòa án nhân dân đã giải quyết 399.058 vụ việc trong tổng số 426.728 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 93,5%. Năm 2016, các Tòa án nhân dân đã giải quyết 432.441 vụ việc trong tổng số 463.152 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 93%. Năm 2017, các Tòa án nhân dần đã giải quyết 457.024 vụ việc trong tổng số 499.918 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 91,4%. Năm 2018, các Tòa án nhân dân đã giải quyết 441.553 vụ việc trong tổng số 556.838 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 79,3%. Năm 2019, các Tòa án nhân dân đã giải quyết 500.361 vụ việc trong tổng số 625.979 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 80%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan từ năm 2015 đến năm 2017 dao động từ 1,3% -1,35%, riêng năm 2018 và 2019 giảm đến 1,09%, đáp ứng yêu cầu thấp hơn 1,5% theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Với kết quả về số lượng và chất lượng giải quyết vụ việc rất cao; các phán quyết bị hủy, sửa chiếm 1,09% - 1,35%; các phán quyết được giữ nguyên chiếm 98,65% - 98,91%, thực tiễn xét xử bảo vệ công lý của TAND trong thời gian qua đã được xã hội đánh giá tích cực, có thể khái quát như sau:

- Việc xét xử các vụ án hình sự về cơ bản là đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Khoảng 99,3% các trường hợp cho hưởng án treo không bị hủy, sửa. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Tòa án sớm đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Điển hình như các vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phạm Ngọc

Ngoạn, Bùi Văn Khen, Châu Thị Thu Nga, Huỳnh Thị Huyền Như, Lâm Ngọc Khuân, vụ án đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại Phú Thọ với mạng lưới ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

- Công tác giải quyết các vụ việc dân sự và án hành chính có nhiều tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng, đặc biệt các Tòa án đã quan tâm làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại nên tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt khoảng 50% số vụ án phải giải quyết, riêng năm 2019 đạt 78,08%. Nhiều vụ án khó, phức tạp liên quan đến nhiều ngành, đặc biệt là liên quan đến công nghệ cao được giải quyết theo đúng tinh thần cải cách tư pháp đã tạo sự tranh luận tích cực từ xã hội, điển hình như vụ Vinasun và Grab về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng...Trong nhiệm kỳ, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 43.059 đơn/vụ; đã giải quyết được 36.042 đơn/vụ19; đạt tỷ lệ 83,7% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 7.503 đơn; đã giải quyết tăng 5.268 đơn); trong đó, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 32.866 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 3.176 đơn/vụ.

- Những hạn chế của những năm trước, như: Cho hưởng án treo không đúng; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thiếu căn cứ; bản án tuyên không rõ ràng... đã được các Tòa án quan tâm khắc phục có hiệu quả. Công tác bồi thường cho người bị oan được các Tòa án kịp thời xem xét, đã minh oan cho một số trường hợp, qua đó đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân

4. Khái quát về thực tiễn thực hiện nguyên tắc độc lập khi xét xử

Nguyên tắc thẩm phán độc lập khi xét xử không chỉ được thực hiện trong việc đánh giá chứng cứ mà cả trong thẩm vấn, tranh luận trước phiên tòa và việc ra bản án, quyết định. Có khá nhiều sự lẫn lộn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán. Điều này liên quan trước hết đến chức năng điều tra, truy tố và xét xử. Trong quan hệ tố tụng, thẩm phán là hành động như một người đứng giữa để phân xử đúng sai nhân danh Nhà nước. Địa vị của thẩm phán phải khác với bên buộc tội hay bên gỡ tội. Cách tiếp cận phổ biến của các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay là bên bị buộc tội bị coi như là bên đã có tội rồi. Cách ăn mặc, cách xưng hô, sự đối xử đối với bên bị buộc tội gần như tạo ra tâm lý là đã ra công đường đương nhiên có tội trong khi đó pháp luật quy định rất rõ rằng mọi công dân chỉ coi là có tội khi có một bản án của tòa án có thẩm quyền và đã có hiệu lực.

Như vậy, sự độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử đòi hỏi thẩm phán phải có trách nhiệm xét xử đúng pháp luật, phải ngăn chặn được sự lạm dụng địa vị pháp lý trong quan hệ tố tụng. Do vậy, pháp luật về tố tụng cần có những quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý của các cơ quan tham gia tố tụng trong đó có sự quán triệt giả định vô tội trong thiết kế các quy trình thủ tục tố tụng. Trong quan hệ tố tụng có nhiều chủ thể tham gia với ba xu hướng rất rõ ràng: Buộc tội, gỡ tội và  xét xử. Mỗi xu hướng thường được hiện thực hóa với những quy trình, thủ tục và yêu cầu đặc trưng. Ba xu hướng này phải được tôn trọng và được đảm bảo độc lập thực sự. Xét ở khía cạnh này, một số quy định của pháp luật hiện hành chưa thực sự đảm bảo được yêu cầu về tính độc lập. 

 

5. Những điều kiện để các thẩm phán có thể độc lập trong hoạt động xét xử

Nghề của thẩm phán vừa mang tính sáng tạo, vừa mang tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do tính đặc thù của nghề nghiệp, muốn độc lập trong hoạt động xét xử của mình, thẩm phán cần hội tụ các phẩm chất sau:

Trước hết thẩm phán phải có đạo đức, nhân cách trong sáng, có năng lực chuyên môn tốt được nhân dân  kính mến về đạo đức, về khả năng và sự dũng cảm trong việc bảo công lý, bảo vệ niềm tin. Điều gì sẽ xảy ra nếu thẩm phán chỉ chạy theo lợi ích cá nhân, đánh mất đạo đức nghề nghiệp? Đương nhiên, niềm tin vào công lý sẽ bị xói mòn mà xã hội chỉ còn dựa vào luật rừng.

Bên cạnh đó thẩm phán phải là người có hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật cao hơn những người khác và luôn luôn cập nhật được những thành tựu mới của hoạt động lập pháp, của khoa học và thực tiễn pháp lý. Thẩm phán có nghiệp vụ cao tức là phải nắm vững quy định của pháp luật, có tư duy và khả năng vận dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý đặt ra.

Ngoài ra thẩm phán phải được lựa chọn từ những luật gia, luật sư ưu tú nhất và phải được đảm bảo những chế độ và điều kiện làm việc thích hợp nhất. Chế độ trách nhiệm của thẩm phán phải rõ ràng và họ phải được bảo vệ theo những trình tự thích hợp nhằm tránh những sự xâm hại về tài sản, tính mạng, danh dự và nhân phẩm do những bị cáo hay đương sự gây ra. Có như vậy, thẩm phán mới có thể yên tâm thực hiện sứ mệnh của mình.