Trộm vào nhà có được đánh không là câu hỏi của rất nhiều người. Vậy hôm nay chúng ta cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu nhé.

 

1. Trộm vào nhà có được đánh không?

Để trả lời câu hỏi trên chúng ta cần phải biết quyền và nghĩa vụ của chúng ta khi có trộm vào nhà.

- Thứ nhất, hành vi trộm cắp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên tùy thuộc vào cấu thành tội phạm và mức độ hậu quả nghiêm trọng đến đâu mà người có hành vi trộm cắp sẽ bị xử lý trách nhiệm tương xứng. Trộm  là hành vi phạm tội khi người nào đó hoặc nhóm người nào đó lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật, đối tượng tác động có thể là tài sản, dịch vụ, ... mà không được sự cho phép của chủ sở hữu tài sản.

- Thứ hai, khi phát hiện có trộm vào nhà chủ nhà thường rất dễ nổi nóng lúng túng không biết xử lý như thế nào. 

Về quy định của pháp luật trong trường hợp này thì:

- Theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 có quy định như sau:

"Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm"

- Cũng theo khoản 2 Điều 22 Hiến pháp năm 2013 có quy định như sau:

"Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý."

- Về tài sản thì theo quy định tài sản thì theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 có quy định:

"Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác."

Căn cứ theo các quy định trên sức khỏe, tính mạng của kẻ trộm khi vào nhà hay quyền của chủ nhà về tài sản hay bất khả xâm phạm về chỗ ở đều được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, không phải hành vi xâm phạm sức khỏe nào cũng đều bị pháp luật nghiêm cấm, ngoài trừ những trường hợp pháp luật cho phép.

Do đó hành vi đánh trộm khi vào nhà có được không thì phải xem xét hành vi đánh trộm đó có thuộc các trường hợp pháp luật cho phép hay không. 

Cụ thể căn cứ theo Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy đinh:

"Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này."

Đầu tiên, chúng ta phải xem xét hành vi của tên trộm có đang xâm phạm các lợi ích của mình hay không. Hành vi đó phải có tính nguy hiểm cho xã hội và có thể là hành vi phạm tội hoặc cũng có thể là không.

Thứ hai, hành vi xâm hại của tên trộm phải là hành vi đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hai thật sự và ngay tức khắc cho lợi ich cần bảo vệ. Nếu chưa gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thì chưa phát sinh quyền phòng vệ chính đáng ở đây. Phải lưu ý để tránh tình trạng phòng vệ quá sớm hoặc phòng vệ quá muộn thì đều không được coi là phòng vệ chính đáng.

Thứ ba, Khi có cơ sở cho phép thực hiện hành vi phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm. Hành vi phòng vệ chính đáng chỉ có thể chống trả, gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại đến lợi ích. Chính vì thế nếu có hành vi xâm hại lợi ích xã hội thì việc phòng vệ chống trả là việc nên làm. Tuy nhiên vì là hành vi phòng vệ xảy ra ngay sau hành vi xâm hại nên việc không thể tính toán thiệt hại bằng với hành vi xâm hại đó nên nếu việc thiệt hại do phòng vệ chính đáng gây ra có lớn hơn hành vi phạm thì đây vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

Như vậy để trả lời cho câu hỏi trộm vào nhà có được đánh không thì chúng ta sẽ được chống trả lại nếu hành vi đó xâm hại đến lợi ích của chủ thể xã hội nào đó nhưng hành vi chống trả đó phải thoả mãn là hành động phòng vệ chính đáng chứ không phải là một hành vi trả thù hay giận dữ quá mức. Và ngược lại hành vi đánh trộm sẽ không được phép nếu đó không phải là hành vi phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp này tuỳ thuộc vào hậu quả và mức độ nghiêm trọng mà người vượt quá phòng vệ chính đáng có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

 

2. Giết trộm vào nhà có đi tù không?

Như đã phân tích ở mục 1 nếu giết trộm vào nhà mà đó là hành vi phòng vệ chính đáng thì sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.

Và ngược lại nếu không thuộc trường hợp giết trộm vào nhà mà không phải là phòng vệ chính đáng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuỳ thuộc vào hành vi mà người giết trộm vào nhà có thể bị truy cứu theo các tội danh sau:

- Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

"Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm."

- Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

" Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người đang phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm."

Ngoài ra hành vi chống trả lại kẻ trộm vào nhà mà dẫn đến hậu quả tên trộm bị chết, mà hành vi đó có đủ yếu tố cầu thành các tội danh như tại Điều 123 Tội giết người hoặc Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (khoản 6 mà hậu quả dẫn đến chết người).

 

3. Cách giải quyết khi trộm vào nhà mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Nếu trong trường hợp bạn phát hiện trộm vào nhà mà người đó chỉ đi một mình hoặc đi nhiều người nhưng không mang theo hung khí nguy hiểm (súng, dao, ...) thì chúng ta có thể hô hoán người dân xung quanh hoặc dùng các biện pháp tâm lý khác để cho chúng bỏ ý định phạm tội hoặc bỏ trốn, sau đó chúng ta sẽ trình báo cơ quan công an gần nhất.

- Nếu trong trường hợp bạn phát hiện tên trộm đó có hung khí nguy hiểm mà việc chống trả và phòng vệ là cần thiết thì bạn sẽ chỉ thực hiện chống trả khi hành vi phạm tội của tên trộm đã diễn ra hoặc đe doạ việc sẽ diễn ra tức khắc nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng vệ. Nhưng cũng phải lưu ý việc chống trả lại chỉ với mục đích bảo vệ bản thân và tài sản chứ không nhằm mục đích nào khác, nếu tên trộm rơi vào tình trạng không thể chống cự hoặc bỏ trốn thì lúc đó chúng ta sẽ dừng hành vi phòng vệ. Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện mà người phòng vệ sẽ quyết định dùng biện pháp nào sao cho hợp lý mà không bị vi phạm pháp luật.

Cuối cùng để an toàn trong bối cảnh xã hội biến động như hiện nay thì mỗi người trong chúng ta cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật để bảo vệ bản thân và gia đình trong những tính huống tương tự.

Trên đây là bài viết tư vấn về "Trộm vào nhà có được đánh không? Giết trộm vào nhà có đi tù không?" của Luật Minh Khuê. Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn trực tuyến theo số Hotline 1900.6162 để được tư vấn kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!